Sức tàn phá khủng khiếp của bão Milton khi quét qua nước Mỹ
Sáng 10/10 cơn bão Milton đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) với sức gió dữ dội và lượng mưa lớn, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, đến 0 giờ 30 sáng 10/10 (giờ Mỹ), cường độ bão đã giảm xuống cấp 1 theo thang bão Saffir-Simpson với sức gió là 144 km/giờ.
NHC cho biết tâm bão sẽ di chuyển ra xa bờ biển phía đông Florida trước khi trời sáng, mưa và gió sẽ dần yếu đi vào buổi sáng. Tuy vậy cơ quan này lưu ý rằng bão Milton tiếp tục gây ra lũ lụt nguy hiểm và gió mạnh trên khắp miền trung Florida
Cường độ cơn bão này đã giảm từ cấp 3 xuống cấp 1 vài giờ sau khi tâm bão đổ bộ vào Florida lúc 8 giờ 30 tối 9/10 (giờ Mỹ). Bão Milton mang theo gió mạnh và mưa lớn đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực.
Mặc dù bão hạ cấp nhưng NHC tình trạng khẩn cấp lũ quét vẫn tiếp diễn. Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đã yêu cầu người dân “ở yên” khi bão Milton tiếp tục di chuyển qua Florida, cùng với đó cảnh báo “các tình huống đe dọa đến tính mạng” vẫn không thay đổi.
Cảnh sát trưởng Quận St. Lucie (Florida) - ông Keith Pearson không nêu chi tiết về số thương vong do bão Milton gây ra ở Florida, nhưng xác nhận “có người tử vong”. Ông cho biết sẽ không tiết lộ con số cụ thể, nhưng có nhiều hơn một người đã thiệt mạng. Vị cảnh sát này lưu ý rằng khoảng 200 quan chức và lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người bị mắc kẹt ở Fort Pierce và các đội tìm kiếm và cứu hộ phải đối mặt với gió mạnh 80 km/giờ và mưa lớn trong quá trình cứu hộ.
Ông Pierce cho hay, lốc xoáy hoành hành trên toàn bộ tiểu bang khiến hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn.
Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis cũng nói rằng bão Milton đã gây ra khoảng 19 cơn lốc xoáy, gây thiệt hại ở nhiều quận và phá hủy khoảng 125 ngôi nhà tại Florida. CNN dẫn thông tin từ trang web PowerOutage.us rằng đến 2 giờ sáng 10-10 (giờ Mỹ), có khoảng 2,8 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở Florida bị mất điện.
Khi cơn bão quét qua đã khiến nhiều công trình ở hư hại nghiêm trọng. Theo tờ The New York Times, gió lớn đã thổi bay mái của Sân vận động Tropicana ở TP St. Petersburg (Florida). Cần cẩu tại một công trường ở Petersburg bị ngã và đập vào một tòa nhà nhưng may mắn không có thương vong.
Bên cạnh đó, bão Milton cũng kéo theo lượng mưa kỷ lục đã làm mực nước dâng cao, nhấn chìm nhiều con phố ở Florida.
Rạng sáng 10/10 (giờ Mỹ), Thị trưởng TP Gulfport (bang Florida) - ông Sam Henderson cho hay, thành phố này đã hứng chịu sức gió và lượng mưa “khủng khiếp”. Đây chắc chắn là những đợt gió mạnh nhất mà ông từng thấy kể từ khi đến Florida. Mặc dù gió đang yếu dần, nhưng vẫn còn những cơn gió giật mạnh.
Trước đó, Thống đốc DeSantis cho hay, Florida đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão Milton và khắc phục thiệt hại sau khi bão đi qua. Theo ông DeSantis, hàng trăm nhân viên tìm kiếm và cứu hộ cùng 180 xe lội nước đã được triển khai tại các địa điểm. Hơn 6.000 thành viên Vệ binh Quốc gia Florida và 3.000 người từ các tiểu bang khác đã sẵn sàng, 50.000 thợ điện cũng sẵn sàng làm việc để khôi phục nguồn điện sau cơn bão.
Nhà Trắng cho biết, trong suốt thời gian bão đổ bộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi với ông DeSantis, Thị trưởng TP Tampa - bà Jane Castor và các quan chức địa phương khác. Ngày 9/10 ông Biden cam kết chính quyền của ông sẽ hỗ trợ cho đến khi nào công tác cứu hộ, phục hồi và tái thiết được hoàn tất.
Trong năm nay, Milton là cơn bão thứ ba tấn công Florida, sau bão Francine và Helene. Hiện tượng 3 cơn bão đổ bộ vào Florida cùng năm đến nay chỉ được ghi nhận 5 lần, vào các năm 1871, 1886, 1964, 2004 và 2005.
Theo giới khoa học, sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến bão mạnh lên nhanh hơn. Biến đổi khí hậu đang làm các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Bên cạnh đó, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ.
Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại. Nguyên nhân là do bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn nên hơi nước tích tụ cho đến khi mây tan, gây ra mưa lớn.
Bích Ngọc