Chủ nhật, 24/11/2024 06:30 (GMT+7)
Thứ ba, 05/07/2022 06:41 (GMT+7)

Tác động giá nhiên liệu năng lượng tới giá điện và nền kinh tế - Nhìn về Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng xuất hiện kéo theo lạm phát, khiến giá nhiên liệu năng lượng tăng phi mã. Hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới giá điện, GDP và nhiều lĩnh vực khác.

Cập nhật giá nhiên liệu năng lượng chính trên thế giới:

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Năm 2021, giá xăng trung bình toàn cầu tại trạm bơm là 1,03 USD/lít, tăng 26% so với năm 2020, vượt xa mức trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Mức giá giữa các quốc gia cũng không đồng nhất, từ 0,32 USD/lít ở Algeria đến cao hơn 7 lần mức này ở Hà Lan (2,15 USD/lít).

Nhiều yếu tố giải thích cho sự khác biệt này (như xuất khẩu dầu thô, nhu cầu nước nhập khẩu trong bối cảnh thuế, phí tăng cao và luôn luôn biến động). Ví dụ như Italia đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm gánh nặng cho các hộ gia đình, giảm giá dầu thô (hồi tháng 4/2022).

Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc chung, các nước giàu có giá cao hơn, trong khi các nước nghèo và các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ có giá thấp hơn đáng kể. Một ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ - một quốc gia kinh tế tiên tiến, nhưng có giá khí đốt thấp. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng, dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng, dầu như nhau trên thị trường quốc tế, nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau nên giá bán lẻ xăng, dầu có sự chênh lệch.

Tác động giá nhiên liệu năng lượng tới giá điện và nền kinh tế - Nhìn về Việt Nam - Ảnh 1
Tác động giá nhiên liệu năng lượng tới giá điện và nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Giá dầu thô Brent thời điểm sáng ngày 31/5 là 122,68 USD/thùng, tăng gần 14% so với tháng trước và tăng 74,52% so với cùng kỳ. Dầu WTI có mức tăng tương đương, lần lượt là 14,1% so với tháng trước và 74,76% so với cùng kỳ. Giá xăng Octan-95, ngày 20/6/2022 đứng ở mức trung bình là 1,46 USD/lít.

Tại Mỹ giá xăng tăng tới mức kỷ lục, giá trung bình 1 gallon ngày 7/6 đứng ở mức 4,92 USD/gallon (4,54 lít) so với 3,05 USD năm 2021. Theo dữ liệu từ GlobalPetrolPrices.com - một công ty theo dõi dữ liệu năng lượng, giá xăng Mỹ xếp thứ 70 trong số 170 quốc gia được theo dõi, trong đó Venezuela có giá thấp nhất và Hồng Kông có giá cao nhất. GlobalPetrolPrices cập nhật dữ liệu hàng tuần (đôi khi hàng tháng), tại Mỹ giá xăng đạt 4,79 USD/gallon (từ ngày 30/5).

Riêng giá than theo dữ liệu từ Trading Economic: Tăng hơn 200% trong một năm qua, giá than ngày 30/5 ghi nhận ở mức 401 USD/tấn, tăng 33,76% so với tháng trước và 237,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Rystad Energy (hồi tháng 3), giá than có thể vượt mốc 500 USD/tấn trong năm 2022, hỗ trợ bởi giá các loại nhiên liệu khác tăng cao, buộc các nước phải chuyển sang sử dụng than. Còn theo IEA, điện than đạt kỷ lục thế giới khi kinh tế thế giới hồi phục, đẩy nhu cầu sử dụng than lên cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.

Tác động giá nhiên liệu tới giá điện:

Theo giới chuyên gia, thị trường năng lượng châu Âu biến động trong suốt năm 2021. Giá điện tăng gấp 4 lần, giá khí đốt tăng gấp 3 và giá dầu gần như tăng gấp đôi. Năm 2021, giá điện tăng báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt hơn với người dân EU. Giá điện của Pháp đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, do sự kết hợp của các yếu tố từ sự phục hồi kinh tế của châu Á khiến giá than và khí đốt tăng mạnh.

Theo trang tin Balkan Green Energy News: Giá điện tăng mạnh do cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ châu Âu cùng với tự do hóa thị trường điện nên ở Anh và một số các nước khác, các nhà bán lẻ điện lần lượt phá sản. Theo một phân tích về giá điện tại 33 thành phố thủ đô của châu Âu (tính đến ngày 1/2/2022): Các hộ gia đình ở London, Copenhagen, Brussels, Berlin và Rome là những nơi có giá điện cao nhất. Giá điện London là 43 xu euro/kWh (10,5 nghìn đồng tiền Việt Nam), và thấp nhất ở Kiev, 5,4 xu euro/kWh.

Trong số các thủ đô của các quốc gia được Balkan Green Energy News theo dõi, các hộ gia đình ở Athens phải trả giá cao nhất 27 xu euro/kWh, tiếp theo là Nicosia với 26 xu euro/kWh và điện rẻ nhất ở Belgrade 8 xu euro/kWh và Podgorica là 10 xu euro/kWh.

Nhiều chính phủ châu Âu đã thực hiện các biện pháp giảm thuế và thêm trợ cấp để kiềm chế tăng giá điện, nhưng bất chấp các chính sách của họ, giá điện vẫn tăng cao. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng ở châu Âu, dẫn đầu là giá khí đốt tự nhiên.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2022 đã tăng 27 lần từ mức giá hàng tháng là 1,58 USD lên 42,39 USD/triệu BTU. Giá nhiên liệu hóa thạch có tác động lớn đến giá điện. Nhìn vào tỷ lệ sản xuất điện theo nguồn điện ở các nước châu Âu, tỷ lệ sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên là khoảng 20% và giá khí đốt tự nhiên tăng cao có tác động lớn đến giá điện. Lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than tiếp tục giảm trong những năm 2010, nhưng so với năm 2020 tăng 18%. Điều này cho thấy do giá của nhiệt điện khí tăng cao thì tỷ lệ sử dụng nhiệt điện than với mức giá rẻ hơn cũng tăng lên.

Về giá điện Mỹ (đầu tháng 4/2022), giá bán lẻ tại Mỹ đứng ở mức trung bình 11,18 US cent/kWh vào năm 2021. Đây là con số cao nhất được báo cáo và thể hiện mức tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một trong những quốc gia có giá điện thấp nhất trên toàn cầu. Lý do, Mỹ là nước sản xuất năng lượng sơ cấp lớn, giá năng lượng tương ứng thấp hơn so với các nước phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu, hoặc áp thuế cao hơn. Trung bình, giá điện bán lẻ ở Mỹ đã tăng hơn 60% kể từ đầu thế kỷ 21.

Sau đại dịch Covid-19, chiến sự xảy ra tại Ukraine, và khủng hoảng năng lượng của châu Âu khiến than đang có xu hướng “phục hưng”. Bắt đầu từ năm 2009, EU đã đặt ra mục tiêu loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than để theo đuổi mục tiêu làm chậm tốc độ ấm lên toàn cầu. Thay vào đó, sản xuất điện từ gió, mặt trời đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng tái tạo này về bản chất vẫn là nguồn cung cấp “không thể kiểm soát được”.

Theo Globalpetrolprices.com: Tại khu vực châu Á, do giá năng lượng tăng nên giá điện được xem là “cuốn theo chiều gió”. Tại Nhật Bản, giá điện tháng 9/2021 là 0,241 USD/kWh cho hộ gia đình và 0,184 USD cho doanh nghiệp. Còn tại Trung Quốc, giá điện tháng 9/2021 là 0,088 USD/kWh cho hộ gia đình và 0,099 USD cho doanh nghiệp. Tại Ấn Độ, giá điện tháng 9/2021 là 0,079 USD/kWh cho hộ gia đình và 0,109 USD cho doanh nghiệp. Cơ sở tính bao gồm tất cả các thành phần của hóa đơn điện như chi phí điện, phân phối và thuế. Để so sánh, giá điện trung bình trên thế giới tại thời điểm tháng 9/2021 là 0,138 USD/kWh đối với hộ gia đình và 0,128 USD đối với doanh nghiệp.

Tại châu Á (đầu tháng 4/2022), Singapore đã công bố mức tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Theo thông báo, SP Group sẽ tăng giá điện tiêu dùng trong 3 tháng (quý 2/2022), với mức tăng trung bình 10%. Cụ thể, đối với các hộ gia đình, giá điện chưa bao gồm thuế sẽ tăng từ 25,44 cent/kWh (Đô la Singapore) lên 27,94 cent/kWh kể từ ngày 1/4/2022 (khoảng hơn 4.600 đồng/kWh) - tức gấp 2,5 lần giá điện bình quân hiện tại Việt Nam chúng ta.

Tại Việt Nam, giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101/147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện). Quốc gia có giá điện bình quân cao nhất thế giới với giá 0,372 USD/kWh. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).

Trong ASEAN hiện nay, Lào là nước có giá điện thấp nhất khu vực. Tuy nhiên, quốc gia này có tới 70% điện năng sản xuất từ thủy điện và khoảng 25% từ nhiệt điện than.

Tác động giá nhiên liệu tới nền kinh tế:

Theo báo trực tuyến Mỹ Fortune.com: Khủng hoảng thị trường năng lượng khiến nền kinh tế toàn cầu “rung lắc”. Giá khí đốt của Mỹ đã đạt ngưỡng cao kỷ lục vào tuần cuối tháng 5/2022 khiến người tiêu dùng phải gánh chịu thêm nhiều chi phí chưa từng thấy. Các quan chức EU cho biết, 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nga sẽ bị cắt giảm vào cuối năm nay, nhưng sẽ được miễn trừ đối với khí đốt giao từ Nga qua đường ống, chiếm tới 1/3 tổng lượng khí nhập khẩu hiện tại của khối từ nước này.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế - Fatih Birol đã cảnh báo rằng: Nguồn cung dầu giảm có khả năng dẫn đến giá tiếp tục tăng trong thời gian tới và thậm chí có thể gây ra tình trạng thiếu hụt ở châu Âu. Tại Mỹ, giá xăng đáp ứng lệnh cấm bằng cách đạt mức cao kỷ lục khác là 4,62 USD/gallon - mức tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo nghiên cứu của UBS Global Wealth Management: Do lệnh cấm nhập khẩu Nga của EU và do thiếu nguồn cung thay thế cho dầu sẽ khiến giá của hàng hóa quan trọng sẽ tiếp tục “cao hơn trong thời gian dài”. Cùng với khủng hoảng năng lượng, lạm phát diễn ra nên người tiêu dùng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Các dự báo về tăng trưởng GDP toàn cầu từ các ngân hàng đầu tư và các nhà kinh tế đã liên tục được cập nhật và giảm đáng kể . Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4 dự kiến ​​GDP toàn cầu chỉ tăng 3,6% vào năm 2022, giảm gần 1% so với dự báo trước đó.

Alex Kuptsikevich - nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới trực tuyến FxPro nói với Fortune: “Từ góc độ lịch sử, giá dầu gần với mức cao không bền vững. Hiện tại, chi phí năng lượng cao đang gây ra sự suy giảm trong tiêu thụ bán lẻ ở châu Âu và Hoa Kỳ, những khu vực giàu có nhất thế giới. Không còn nghi ngờ gì nữa, các nước đang phát triển đang phải trải qua sự suy giảm kinh tế, thậm chí còn nghiêm trọng hơn do giá nhiên liệu cao đang thịnh hành”.

Theo cuộc khảo sát ngày 23/5 của Morgan Stanley, do lạm phát vẫn ở mức cao, hơn một nửa số người Mỹ cho biết họ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu.

Chỉ đơn cử về giá điện tác động của giá điện tới nền kinh tế thì mới thấy hết vai trò của nguồn năng lượng này. Ví dụ theo IEA, tiêu thụ điện ở Mỹ năm 2021 vào khoảng 3,9 nghìn tỷ kWh, lớn hơn 13 lần so với mức sử dụng điện vào năm 1950. Tổng mức tiêu thụ điện cuối kỳ của Mỹ năm 2021 cao hơn khoảng 2% so với năm 2020 phần lớn là do nền kinh tế phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thị phần tiêu thụ chính: Dân dụng 1,48 nghìn tỷ kWh (38,9%); thương mại 1,32 nghìn tỷ kWh (34,9%); công nghiệp 0,99 nghìn tỷ kWh (26,0%) và giao thông vận tải 0,01 nghìn tỷ kWh (02%).

Đối với Trung Quốc, năm 2021, đất nước này tiêu thụ khoảng 8.313 tỷ kWh, với dân số khoảng 1,4 tỷ người. Như vậy, bình quân đầu người tiêu thụ 5.940 kWh/năm. Năm 2021, GDP của Trung Quốc đạt 16.860 tỷ USD thì mỗi kWh tương ứng với 2 USD GDP. Giá điện hiện tại của Trung Quốc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh là 0,097 USD/kWh - tương đương với 2.231đồng/kWh, giá dành cho các hộ gia đình 0,085 USD/kWh - tương đương với 1.955 đồng/kWh.

Tại Việt Nam, năm 2021, chúng ta tiêu thụ 257 tỷ kWh, với khoảng 97 triệu dân. Như vậy, bình quân đầu người là 2.650 kWh/năm. Với GDP 370 tỷ USD (theo số liệu của World Bank) thì mỗi kWh tương ứng với 1,4 USD GDP. Giá điện hiện tại của Việt Nam dành cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh 0,077 USD/kWh - tương đương với 1.771 đồng/kWh, giá điện cho tiêu dùng gia đình là 0,082 USD/kWh - tương đương với 1.886 đồng/kWh. Việt Nam có quy mô kinh tế tính theo đầu người còn thấp nên tiêu thụ điện trên đầu người thấp. So sánh với GDP thì nền kinh tế của chúng ta gia công nhiều, giá trị GDP dựa vào sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn. Giá điện của Việt Nam thuộc loại rẻ do chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Đánh giá cụ thể của tác động giá nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là giá xăng, dầu, trang tin VTC News trích dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kên cho biết: “Xăng, dầu cứ tăng 10% thì làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào khác như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… Từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế”.

Cũng theo ông Lâm, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập ngoại trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng, dầu. Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng, dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.

Giá xăng, dầu còn ảnh hưởng đến các ngành sử dụng nhiều nhiên liệu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng và nặng nề nhất là doanh nghiệp vận tải. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu đã tăng nhiều lần và hiện cao kỷ lục, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải. Nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng, chỉ còn cách tăng giá vé, hoặc tạm dừng hoạt động, như lời một số nghiệp chủ vận tải trăn trở.

Đối với lĩnh vực sản xuất điện của Việt Nam:

Đối lĩnh vực sản xuất điện của Việt Nam thì sao? Theo chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Cơn sốt giá nhiên liệu thế giới đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện, vì hiện nay chúng ta phải nhập khẩu trên dưới 40 triệu tấn than hàng năm cho phát điện; các nguồn điện khí áp dụng tỷ lệ biến động giá khí đốt nương theo giá dầu thế giới cũng sẽ bị tăng giá đầu vào.

Tuy sau xung đột Nga - Ukraine giá nhiên liệu được cho rằng sẽ giảm dần nhiệt, nhưng hiệu ứng của thay đổi dòng chảy nhiên liệu hóa thạch từ Nga sang EU chuyển sang khu vực châu Á, cộng với xu hướng cố gắng duy trì các loại nhiên liệu phát thải thấp của các quốc gia theo cam kết, mặt bằng giá dầu và khí dự kiến sẽ cao hơn các năm 2020 - 2021.

Thách thức của Việt Nam sẽ rất lớn với trên 23.000 MW các nguồn điện tua bin khí sử dụng LNG nhập khẩu được quy hoạch đưa vào từ nay tới năm 2030. Cùng với dư địa giá thành thấp từ các nguồn thủy điện giảm dần do chúng ta đã khai thác gần hết, chắc chắn người dân và doanh nghiệp phải chấp nhận giá điện sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần.

Do đó, chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam khuyến cáo việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm sẽ càng trở nên cấp thiết hơn và các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong dây chuyền công nghệ cũng cần xem xét thay đổi chiến lược của mình./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(THEO: IEA/BEC/CNBC/FORTUNE - 6/2022)

Link tham khảo:

1/ https://www.iea.org/reports/energy-prices-overview/global-trends

2/ https://www.kiplinger.com/personal-finance/shopping/cars/604410/gas-prices-around-the-world

3/ https://balkangreenenergynews.com/londoners-paid-highest-electricity-prices-in-europe-in-february/

4/ https://www.cnbc.com/2022/05/19/fuel-is-a-problem-for-business-and-consumers-why-prices-are-so-high.html

5/ https://fortune.com/2022/05/31/gas-prices-record-high-europe-russian-oil-ban-shortages/

6/ https://www.eia.gov/energyexplained/electricity/use-of-electricity.php

7/ https://www.iea.org/commentaries/what-is-behind-soaring-energy-prices-and-what-happens-next

8/ https://www.cleanenergywire.org/factsheets/energy-crunch-what-causes-rise-energy-prices

9/ https://congthuong.vn/gia-nang-luong-nhin-tu-the-gioi-ve-viet-nam-

10/ https://vtc.vn/bao-gia-xang-dau-tang-cao-tac-dong-the-nao-den-kinh-te-

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tác động giá nhiên liệu năng lượng tới giá điện và nền kinh tế - Nhìn về Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới