Chủ nhật, 24/11/2024 05:17 (GMT+7)
Thứ tư, 19/05/2021 10:45 (GMT+7)

Tại sao THACO của tỉ phú Trần Bá Dương hủy đăng ký công ty đại chúng?

Theo dõi KTMT trên

Giám đốc truyền thông THACO cho biết, tại thời điểm ngày 03/03/2021, 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ chưa tới 3% nên THACO đã phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) kể từ ngày 1/1/2021. 

Việc hủy tư cách công ty đại chúng cũng đồng nghĩa với việc tập đoàn của tỉ phú Trần Bá Dương sẽ không còn phải công khai các số liệu tài chính, các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông... lên trên website và cổng thông tin của UBCKNN về tình hình hoạt động của công ty.

Được biết, trong năm 2020, THACO thông qua ý kiến cổ đông về việc việc tái cấu trúc Tập đoàn, theo hướng phân tách Công ty để thành lập pháp nhân mới là CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group), nhằm kiểm soát theo mô hình tập đoàn.

Tại sao THACO của tỉ phú Trần Bá Dương hủy đăng ký công ty đại chúng? - Ảnh 1

Bên cạnh đó THACO dự kiến phát hành 1,35 tỉ cổ phiếu, tương đương giá trị theo mệnh giá là 13.560 tỉ đồng, tỉ lệ phát hành là 80% (người sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 80 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện trích từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để thực hiện. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của THACO sẽ tăng lên 30.510 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, Thaco Group được thành lập với số vốn dự kiến 19.324 tỉ đồng (được xác định bằng số vốn Thaco tách sang để thành lập Thaco Group). Cơ cấu cổ đông gồm các cổ đông của Thaco (không bao gồm cổ đông ESOP 2018) theo danh sách cổ đông được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT Thaco xác định.

Thaco sẽ chuyển toàn bộ và Thaco Group được kế thừa, tiếp tục thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ tại các công ty gồm: CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh; CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (Thadi); CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG); CTCP Hùng Vương (HVG) và các công ty khác không thuộc lĩnh vực ô tô và cơ khí.

Thaco và Thaco Group sẽ cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của Thaco phát sinh trước thời điểm chia tách công ty.

Về lao động, Thaco vẫn giữ nguyên người lao động như hiện tại (trong quá trình thực hiện có thể điều chuyển để đáp ứng yêu cầu công việc). Trong khi đó, Thaco Group sẽ tuyển dụng nhân sự mới và/hoặc nhận lao động được điều chuyển từ các đơn vị cùng tập đoàn.

Tuy nhiên hiện kế hoạch chia tách trên vẫn chưa được triển khai.

Tại sao THACO của tỉ phú Trần Bá Dương hủy đăng ký công ty đại chúng? - Ảnh 2
Ông Trần Bá Dương - Người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO.  

Về tình hình kinh doanh, từ đầu năm 2020 đến nay THACO chưa công bố BCTC mới. Trong năm 2019, THACO ghi nhận doanh thu thuần đạt 56.508 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.368 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của THACO ở mức 106.794 tỉ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho 34.770 tỉ đồng. Theo bảng cân đối kế toán, tập đoàn này có 67.496 tỉ đồng nợ phải trả, chiếm 63% tổng nguồn vốn.

Thông tin với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Một Giám đốc truyền thông THACO cho biết, ngày 14/05/2021, UBCKNN thông báo hủy tư cách công ty đại chúng đối với Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) do từ ngày 01/01/2021, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành. Theo đó quy định: Công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỉ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ với cơ cấu cổ đông.

Tại thời điểm ngày 03/03/2021 (do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – CN TPHCM xác nhận) thì THACO không đáp ứng điều kiện vì 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ chưa tới 3% nên THACO đã phải thông báo cho UBCKNN và nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng. Sau 01 năm, UBCKNN sẽ xem xét hủy tư cách công ty đại chúng trên cơ sở báo cáo của công ty.

"Trong thời gian này, THACO vẫn thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến thời điểm nhận được thông báo hủy công ty đại chúng theo quy định. Đồng thời, THACO vẫn duy trì cung cấp cho cổ đông đầy đủ các thông tin. Công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 trong tháng 5 này để thông qua các Báo cáo tài chính, Nghị quyết của Đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh 2020, kế hoạch 2021, chiến lược phát triển trong thời gian tới và công tác quản trị điều hành", Giám đốc truyền thông THACO cho biết. 

Ở một diễn biến khác liên quan đến THACO, mới đây nguồn tin từ The Korea Times cho biết, Ban Giám đốc Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) đã quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho Ô tô Trường Hải (THACO).  Sau thỏa thuận này, Tập đoàn Emart sẽ không còn điều hành siêu thị Emart tại Việt Nam. Thay vào đó, siêu thị này sẽ hoạt động dưới dạng nhượng quyền thương mại do THACO quản lý và trả phí bản quyền cho Emart.

Tại Việt Nam, chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc chính thức ra mắt vào tháng 12/2015 và mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Đại siêu thị đầu tiên được đặt tại Gò Vấp với quy mô tổng vốn đầu tư lên đến 60 triệu USD, Emart từng lên kế hoạch xúc tiến các thủ tục xây dựng một đại siêu thị thứ hai tại TP.HCM. Tuy nhiên, từ đó đến cho đến nay, Emart chưa thể mở thêm siêu thị nào khác vì vấn đề chậm trễ trong phê duyệt các kế hoạch xây dựng.

Do đó, Emart quyết định bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á.

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Tại sao THACO của tỉ phú Trần Bá Dương hủy đăng ký công ty đại chúng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới