Tại Việt Nam, Hàn Quốc duy trì vị trí hàng đầu về thương mại và đầu tư
Trong năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và là quốc gia đứng đầu về tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hàn Quốc -đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
Năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt hơn 70 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu đạt 56,1 tỷ USD, tăng 19,6%.
Trong năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Hàn Quốc hiện cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Mỹ, Trung Quốc và ASEAN), chiếm tỷ trọng 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có một số nhóm mặt hàng chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc là điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,06 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,81 tỷ USD; hàng dệt may đạt 2,46 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,1 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 0,72 tỷ USD.
Cùng với đó, ngoài nhập khẩu các mặt hàng truyền thống từ Việt Nam, Hàn Quốc còn là thị trường tiềm năng với mặt hàng trái cây tươi và chế biến với dung lượng thị trường khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Đến nay đã có 5 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang nước này, bao gồm: Dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối. Đặc biệt, chuối là loại trái cây được ưa chuộng tại Hàn Quốc.
Năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 247,9 triệu USD, chiếm 41% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc. Một số nhóm mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 6,1 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,73 tỷ USD; nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày đạt 2,56 tỷ USD…
Về vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam đứng đầu là Hàn Quốc
Tính đến tháng 1/2022, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất trong tổng 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Cụ thể, số vốn đăng ký đạt trên 77,3 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Riêng năm 2021, 361 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký cấp phép mới và 280 dự án đăng ký điều chỉnh với tổng số vốn gần 5 tỷ USD.
Ở hướng ngược lại, Hàn Quốc đứng thứ 34 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ Việt Nam có dự án đầu tư với 55 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 26 triệu USD. Các dự án có quy mô vốn nhỏ, chủ yếu thuộc các ngành khoa học công nghệ, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo.
Các Tập đoàn, công ty lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam như Công ty TNHH Samsung Việt Nam, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam, Tập đoàn Lotte Việt Nam, Tập đoàn Hyundai, CJ Việt Nam, Công ty TNHH Dệt Daewon Việt Nam, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Daewon – Thủ Đức, Công ty TNHH IL Kwang Vina, Công ty TNHH Jaeill Việt Nam…
Riêng Tập đoàn Samsung có số vốn đầu tư tại Việt Nam lên tới 19,2 tỷ USD. Con số này đã đưa Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.
Các giai đoạn dòng vốn của Hàn Quốc vào Việt Nam bao gồm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, dòng vốn gắn với các dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Giai đoạn thứ 2, dòng vốn đã có bước chuyển dịch, tập trung cho đầu tư gián tiếp thay vì trực tiếp như trước.
Các công ty Hàn Quốc hiện đã tiến hành góp vốn, mua cổ phần tại nhiều công ty của Việt Nam. Bao gồm: SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV…
Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỉ USD.
Hiện doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp vốn ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Từ lĩnh vực may mặc, điện tử, hạ tầng, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, bất động sản, logistics, dịch vụ… Điều này góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp, du lịch… Từ đó, tạo thêm việc làm cho gần 1 triệu người lao động tại Việt Nam.
Sự hợp tác sâu rộng này có sự đóng góp lớn từ các Hiệp định thương mại, tăng trưởng thương mại giữa hai nước và vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 77,3 tỷ USD năm 2021.
Ngoài ra, VKFTA còn giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng nhiều cơ hội hơn khi phía Hàn Quốc cam kết mở rộng thị trường cho Việt Nam.
Đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác và Kinh tế Toàn diện (RCEP) có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại song phương giữa hai nước.
Bùi Hằng (T/h)