Chủ nhật, 24/11/2024 07:43 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/12/2022 13:50 (GMT+7)

Tăng cường vai trò của từng ủy viên trong hội đồng EPR quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp, nghe Tổng cục Môi trường báo cáo về việc hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia.

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục Môi trường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ TN&MT giao, Tổng cục Môi trường đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia và gửi lấy ý kiến 13 cơ quan, tổ chức có đại diện dự kiến tham gia Hội đồng. Đến nay, Tổng cục Môi trường đã nhận được ý kiến của 6/13 cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Tổng cục Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Đề án.

Theo đó, Hội đồng EPR được thành lập theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 88, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; tổ chức xây dựng tiêu chí ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho các hoạt động, sản phẩm tái chế và hoạt động xử lý chất thải và đề xuất Bộ trưởng xem xét để công bố công khai theo quy định.

Tăng cường vai trò của từng ủy viên trong hội đồng EPR quốc gia - Ảnh 1
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường. 

Đồng thời, Hội đồng cũng có nhiệm vụ thẩm định, biểu quyết thông qua các đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, phục vụ hoạt động xử lý chất thải của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt; thông qua và trình Bộ trưởng ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; tổ chức xây dựng kế hoạch và báo cáo hoạt động hàng năm của Hội đồng.

Về quy chế hoạt động và tổ chức của Hội đồng EPR quốc gia, dự thảo đã nêu cụ thể nguyên tắc hoạt động của Hội đồng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, mối quan hệ của Hội đồng với Văn phòng EPR, chế độ làm việc của Hội đồng.

Đối với Văn phòng EPR quốc gia, Văn phòng có nhiệm vụ giúp Hội đồng EPR quốc gia tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Quyết định của Bộ trưởng Bộ TN&MT thành lập Hội đồng EPR quy định. Văn phòng EPR có tư cách pháp nhân, tài khoản, con dấu riêng và hạch toán độc lập.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, cơ quan tham gia Hội đồng và các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ TN&MT đã trao đổi, góp ý vào dự thảo các văn bản hồ sơ của đề án thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia. Theo đó, các đại biểu cho rằng cần làm rõ vai trò, nhiệm vụ của từng uỷ viên trong Hội đồng EPR quốc gia; về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của Văn phòng EPR nên lấy thêm ý kiến của Bộ Nội Vụ; làm rõ các nguồn chi phí được sử dụng bởi Hội đồng và văn phòng hội đồng.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Đề án trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, trình xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình ra Ban cán sự Đảng. Trong đó, ngoài trách nhiệm chung của các uỷ viên Hội đồng thì cần bổ sung thêm các nhiệm vụ cụ thể của từng uỷ viên Hội đồng thuộc các Bộ, ngành. Đồng thời, Tổng cục Môi trường trao đổi với Bộ Nội Vụ để làm rõ hơn về mô hình hoạt động của Văn phòng EPR quốc gia.

Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách Môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường vai trò của từng ủy viên trong hội đồng EPR quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới