Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/05/2021 06:07 (GMT+7)

Tăng độ che phủ rừng để nâng cao chất lượng môi trường sống

Theo dõi KTMT trên

Đề án trồng 1 tỉ cây xanh sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng

Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Lí giải nguyên nhân, chuyên gia lâm nghiệp GS Nguyễn Ngọc Lung cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… 

Độ che phủ của rừng ở Việt Nam giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha/năm, nhưng trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430 ha rừng. Bên cạnh đó, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11%, và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.

Theo nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Thực tế cho thấy, diện tích rừng phòng hộ ở nước ta hiện nay đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là sự gia tăng nhanh chóng của diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân chính được xác định là do người dân đốt rừng làm nương rẫy và khai thác rừng tự nhiên trái phép. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ở nước ta ngày càng phức tạp khiến cho cơ quan chức năng rất khó phát hiện. “Người dân thường khai phá vào đêm, chỉ vài mét vuông mỗi ngày. Sau một thời gian dài, diện tích lớn rừng bị đốt khai phá thành đất nông nghiệp. Khi bị phát hiện thì cây trồng đã được trồng, vài năm sau, người dân biến đất lâm nghiệp thành đất canh tác của nhà mình”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.

Không chỉ ở địa bàn nông thôn, tại đô thị, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, đang tiếp tục gia tăng với tốc độ  đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của con người cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nghiêm trọng nhất là ở các đô thị lớn, nơi có quá trình đô thị hóa ở nước ta phát triển một cách “chóng mặt”.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay tỉ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2 - 3 m2/người, trong khi đó, chỉ số tỉ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 - 25 m2/người.

Ngoài ra, số liệu của Bộ TN&MT chỉ ra rằng, tỉ lệ cây xanh ở đô thị hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. Thực tế độ che phủ cây không thể che đậy được tình trạng biến mất rừng tự nhiên và cũng không thể bù đắp được các chức năng phòng hộ sinh thái, hạn chế thiên tai mà rừng tự nhiên có thể đem lại.

Trồng 1 tỉ cây xanh: Vì một Việt Nam xanh

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân gây ra thiên tai nặng nề, thảm khốc ở miền Trung là do ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi theo hướng ngày càng cực đoan, khó dự báo. Để chung tay chống biến đổi khí hậu, ngoài việc tăng cường, tích cực bảo vệ môi trường sống, sản xuất, kinh doanh… thì hoạt động đẩy mạnh trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cũng cần thiết không kém.

Tăng độ che phủ rừng để nâng cao chất lượng môi trường sống - Ảnh 1

Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có cây xanh đô thị.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng trở lại, khoảng 42%, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp cho nên cần "tiếp tục trồng cây gây rừng". Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phá rừng.

Đến ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 524/QĐ-TTg trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây phân tán và 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Đề án hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong tổng số 690 triệu cây phân tán trồng tại khu vực đô thị và nông thôn, Đề án đặt mục tiêu mỗi năm sẽ trồng khoảng 138 triệu cây với yêu cầu chọn loại cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác từng địa phương, từng khu vực cụ thể.

Đối với 310 triệu cây trồng rừng (tương đương 180 nghìn ha), sẽ gồm 30 nghìn ha rừng đặc dụng, và rừng mới sản xuất là 150 nghìn ha.

Việc thực hiện Đề án sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, tại các đô thị, cây xanh mang lại nhiều lợi ích như mang bầu không khí trong lành, hấp thụ CO2, nhả oxy, hạn chế bụi mịn PM2.5. Cây xanh không những mang lại một không gian xanh, giúp cho đô thị tươi đẹp hơn, mà còn giúp giảm nhiệt độ đường phố, hạn chế tác hại các bức xạ mặt trời. Hơn nữa, cây xanh cũng hấp thụ các khí độc thải ra từ khói xe, quán ăn, bụi bẩn nhà máy, rác thải và nhiệt từ chính con người tỏa ra, từ đó giúp giảm bớt nhiệt.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng độ che phủ rừng để nâng cao chất lượng môi trường sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới