Tạo cú huých trong giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các ngành, lĩnh vực, việc tìm hướng duy trì ổn định, phát triển kinh tế - xã hội cần đặt ra với yêu cầu cấp bách và mạnh mẽ hơn. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công được mong chờ là một trong những đòn bẩy quan trọng, góp phần giữ vững đà tăng trưởng, giảm tác động từ dịch bệnh.
Lắp đặt đường ống dẫn khí tại dự án Nam Côn Sơn 2 - điều chỉnh. |
Bài 1: Nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ
Hai tháng đầu năm, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 4% kế hoạch Quốc hội giao. Mặc dù Chính phủ luôn quan tâm và có nhiều động thái đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vướng mắc cũ chưa được giải quyết thấu đáo lại phát sinh một số vấn đề mới.
Cơ chế cũ vẫn bó buộc
Tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, tổng tiến độ đạt hơn 82%, toàn công trường đang tập trung cho mốc tiến độ quan trọng là đốt lửa lần đầu tổ máy 1 vào cuối tháng 6 tới. Theo Giám đốc Ban dự án điện Sông Hậu 1 - LILAMA thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) Vũ Trọng Thiết, đến nay, nhiều hạng mục vẫn nằm trên đường găng tiến độ như cửa nhận nước, hệ thống FGD (hệ thống khử lưu huỳnh),... Các nhà thầu đều huy động đến mức cao nhất nguồn lực, làm tăng ca đến 20 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều khúc mắc cũ đang khiến tiến độ khó đẩy nhanh được, trước hết là công tác thanh quyết toán. Đơn cử, phương thức điều chỉnh phần đơn giá của hợp đồng tổng thầu EPC đã được phê duyệt, nhưng áp dụng đối với từng gói thầu còn khá lúng túng.
Hiện nay, công tác thanh toán phần xây dựng, lắp đặt vẫn là tạm thanh toán, mỗi gói thầu thi công đều được kiểm soát chặt chẽ và khi thi công xong phải được nghiệm thu mới được thanh toán theo đơn giá tạm tính với tổng giá trị thanh toán là 80% (20% được giữ lại để dự phòng, khi thống nhất đơn giá mới được thanh toán nốt). Tiếp đến, hệ thống định mức đang áp dụng hiện nay chậm cập nhật, bổ sung; nhiều khâu, công đoạn chưa được cập nhật vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến vướng mắc trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ, nghiệm thu. Các bên đã thống nhất thuê đơn vị tư vấn là Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), đơn vị có chuyên môn, thẩm quyền để ghi số liệu, xây dựng định mức mới. Tuy nhiên, bộ định mức đơn giá mới vẫn đang trong quá trình xem xét, chưa được thông qua và công tác thanh toán với giá tạm tính vẫn đang được áp dụng, khiến cả chủ đầu tư cũng e dè, còn các nhà thầu cũng không thể đủ nguồn lực tham gia các gói thầu khác… Năm 2019, nhà máy được giải ngân vốn đầu tư gần 3.074 tỉ đồng, bằng 60,5%; ước thực hiện đầu tư đạt 3.378,20 tỉ đồng, bằng 66,48% kế hoạch năm.
Được ví như “con tàu” vượt biển, khi về đích sẽ đóng góp 7,2 tỉ kW giờ điện cho mạng lưới điện quốc gia, nộp ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm nhưng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang ách tắc nghiêm trọng khi phải chịu các khoản chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi tháng để trả tiền lương, tiền bảo lãnh, bảo dưỡng thiết bị khi không đưa dự án vào vận hành theo đúng tiến độ. Mặc dù tổng thể tiến độ đạt khoảng 85%, nhưng 15% đoạn đường về đích của dự án vẫn chưa có ngày hẹn, do những vướng mắc về nguồn vốn đầu tư và các cơ chế thanh toán. Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 đến nay, việc giải ngân vốn cho dự án chỉ được cấp nhỏ giọt thanh toán cho các khối lượng đã thực hiện từ năm 2018 về trước và các giải pháp cấp bách, phần khối lượng thực hiện năm 2019 đang bị tạm dừng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - chủ đầu tư dự án) đã báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân thanh toán nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Mặt khác, năng lực tài chính của tổng thầu Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) yếu kém và bị thiếu hụt nghiêm trọng do một phần số tiền tạm ứng trước đây bị sử dụng sai mục đích là những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ suốt thời gian qua.
Tại các dự án giao thông, tình hình có khả quan hơn. Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) do Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 5.343 tỉ đồng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và đối ứng trong nước. Giám đốc PMU Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, dự án gồm hai gói thầu xây lắp, gói số 1 (đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế) do liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 4 thực hiện, giá trị gần 1.450 tỉ đồng; gói 2 do liên danh Tokyu - Taisei thực hiện, giá trị hơn 1.210 tỉ đồng. Dự án được khởi công tháng 5-2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân còn chậm so kế hoạch. Nguyên nhân do việc điều chỉnh thiết kế hạng mục cầu vượt Mai Dịch để phù hợp thực tế và điều chỉnh hạng mục cọc khoan nhồi thay thế cọc vít xoay (tiết kiệm hơn khoảng 200 tỉ đồng) dẫn đến thủ tục kéo dài. Mặc dù dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng khá tốt nhờ sự nỗ lực của TP Hà Nội, song việc bàn giao cũng bị chậm khoảng bốn tháng, cùng với việc chồng lấn công địa thi công giữa hai dự án cầu cạn và dự án mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp; thủ tục xin cấp phép cho xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển dầm tại dự án chậm khoảng hai tháng khiến tốc độ thi công bị chậm,... Tuy nhiên, đến hết năm 2019, dự án vẫn hoàn thành giải ngân 113,5 tỉ đồng phần vốn đối ứng (đạt 100%) và hơn 863 tỉ đồng phần vốn ODA, chỉ chậm 14,7% so kế hoạch. Đến hết tháng 2 vừa qua, hạng mục cầu thép tại nút Hoàng Quốc Việt (gói thầu 1), các đơn vị đã hoàn thành chế tạo 76 đốt dầm (đạt 100%), lắp dựng 73 đốt; cầu thép tại nút Tây Thăng Long (gói 2) cũng chế tạo xong 76 đốt và lắp dựng 68 đốt. Sản lượng tháng 2, thực tế giải ngân gói thầu 1 đạt 38 tỉ đồng so kế hoạch 36,82 tỉ đồng, gói 2 đạt 28,73 tỉ đồng trên tổng số 43,94 tỉ đồng kế hoạch.
Nhiều vướng mắc phát sinh
Một số dự án gặp nhiều vấn đề phát sinh, cần được tháo gỡ kịp thời. Tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, toàn bộ thiết bị của nhà máy đáng ra phải được miễn thuế nhập khẩu theo đúng danh mục và thời điểm đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng thực tế do tiến độ của dự án chậm so với tiến độ hợp đồng EPC (cả nguyên nhân khách quan và chủ quan). Chính vì thế, đến năm 2020, danh mục một số thiết bị nhập khẩu được miễn thuế đã hết hạn, khiến nhiều hệ thống thiết bị đưa về “tắc” tại khâu thông quan. Theo Giám đốc Ban dự án điện Sông Hậu 1 - LILAMA Vũ Trọng Thiết, vừa qua, một số hệ thống cực kỳ cấp thiết phải nhập theo đường hàng không và LILAMA bỏ ra 4,5 tỉ đồng để trả tiền thuế, nhằm đưa thiết bị về công trường để bảo đảm tiến độ xây dựng. Đơn vị đã trình các cấp có thẩm quyền xin miễn thuế nhập khẩu theo hợp đồng cũ, nhưng để chờ được đến khi có cơ chế thì đã muộn, tiền lưu kho lưu bãi còn tốn hơn thuế cho nên đành “cắn răng” ứng ra. Tuy nhiên, với những phần máy móc còn lại tạm tính sẽ mất khoảng 60 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu và nếu không tiếp tục xin được cơ chế miễn thuế sẽ gây khó khăn lớn cho nhà thầu. Các bên đã làm việc với tỉnh, các cơ quan liên quan và được tư vấn chỉ cần gia hạn giấy phép đầu tư giai đoạn xây dựng đến hết năm 2021, nhưng phía chủ đầu tư PVN vẫn rất lúng túng trong câu chuyện này. Đến thời điểm hiện tại, đã có tám chuyến hàng thiết bị LILAMA nhập về, đang lưu tại cảng Sài Gòn và đơn vị phải chi khoảng 3.000 USD/ngày phí lưu kho. Sắp tới còn 30 lô hàng nữa của hệ thống FGD đang trên tàu sắp cập bến thì số tiền cần chi trả sẽ còn tăng gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khó khăn không thể lường trước, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp kế hoạch, như dịch Covid-19, khiến một lượng lớn công nhân nghỉ việc dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời do là dự án phía Hàn Quốc thu xếp vốn, cho nên phần thiết bị của Hàn Quốc chiếm đến khoảng 80% khối lượng. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn chạy thử một số phần việc cần huy động chuyên gia Hàn Quốc, nhưng dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người chưa thể góp mặt tại công trường.
Cũng phải chịu thuế nhập khẩu thiết bị, nhưng do mới bắt đầu triển khai cho nên mức độ ảnh hưởng thấp hơn là trường hợp của dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - điều chỉnh do Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) làm chủ đầu tư, liên danh tổng thầu EPC gồm Liên doanh Việt Nga (VIETSOVPETRO - VSP), LILAMA và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp (NAGECCO) thực hiện. Dự kiến đến ngày 30-9-2020 toàn tuyến ống và các trạm sẽ hoàn tất, sẵn sàng cho công tác chạy thử vận hành, đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt. Tuy nhiên, dự án này lại có những vướng mắc riêng. Theo Giám đốc Ban dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - LILAMA Nguyễn Anh Tuấn, đến thời điểm hiện tại, LILAMA đã triển khai lắp đặt 800 m đường ống mẫu đầu tiên trong tổng thể khoảng 88 km đường ống và các trạm trên đất liền của toàn dự án, sẵn sàng nhân lực, vật lực cho công tác thi công. Đây là dự án quan trọng, khối lượng công việc còn rất lớn và còn vướng nhiều vấn đề dẫn đến chưa thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Hầu hết các khâu đều đang ở đường găng tiến độ. Ngoài những vướng mắc về thực tế thi công qua nhiều địa hình, địa chất phức tạp, vướng mắc lớn nhất không thuộc về nguồn vốn mà là khó khăn trong đàm phán với đối tác nước ngoài về điều kiện thi công.
Tuyến ống Nam Côn Sơn 2 được xây dựng song song và gần tuyến đường ống cũ do hai nhà điều hành Nga đang vận hành, do đó từng khu vực, từng bản vẽ, từng biện pháp thi công đều phải được hai đối tác Nga xem xét và phê duyệt. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư PV GAS, cũng là một trong những nhà điều hành đường ống dẫn khí cũ. Khó khăn ở chỗ PV GAS chưa đàm phán xong với hai đối tác Nga đã cho triển khai thi công, cho nên phía hai đối tác này chắc chắn sẽ tạo sức ép không nhỏ đến tiến độ của dự án khi các đơn vị phải vừa thi công, vừa phải bảo đảm an toàn vận hành của tuyến đường ống cũ. Đồng thời phía hai đối tác này còn yêu cầu phải mở một khoản bảo hiểm trị giá lên đến hơn 100 triệu USD trong thời gian thi công đường ống mới thì mới chấp nhận cho triển khai thi công toàn diện. Điều này không nằm trong dự toán chi phí của dự án, gây thêm áp lực và khó khăn cho các nhà thầu và chủ đầu tư trong việc xây dựng, tổ chức thi công.
Các dự án giao thông cũng không phải ngoại lệ, phát sinh nhiều khó khăn không lường trước. Theo Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (PMU Thăng Long) Phạm Anh Tú, PMU Thăng Long đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thiết kế hạng mục tường chống ồn cho phù hợp điều kiện mặt bằng thực tế nhưng đến nay Bộ vẫn chưa trả lời cho nên PMU Thăng Long chưa có cơ sở chỉ dẫn cụ thể cho tư vấn và nhà thầu về phạm vi bố trí tường chống ồn ở hai gói thầu, khiến tiến độ đúc gờ lan can của hai gói thầu bị ảnh hưởng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8 tới, việc đo đạc, tính toán số liệu tiếng ồn không có trong hợp đồng tư vấn giám sát, việc bổ sung số liệu cụ thể chưa thể thực hiện ngay. Vì thế, để bảo đảm tiến độ, PMU Thăng Long kiến nghị Bộ xem xét, chấp thuận điều chỉnh kiến nghị của Ban; phê duyệt thiết kế và dự toán công tác di dời công trình tiện ích của gói thầu 2 để Ban có cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Đồng thời, sớm cho ý kiến về việc bổ sung xây dựng hai đơn nguyên cầu đô thị dọc hai bên cầu Mai Dịch và đề xuất sử dụng vốn dư của dự án…
(Còn nữa)