Chủ nhật, 24/11/2024 09:41 (GMT+7)
Thứ hai, 15/03/2021 14:49 (GMT+7)

Tàu chở xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chìm trên biển Mũi Né

Theo dõi KTMT trên

Tàu hàng Bạch Đằng tải trọng 2.560 tấn gồm 7 thuyền viên đang chở 1.500 tấn tro bay từ cảng quốc tế Vĩnh Tân đi Vũng Tàu để trả hàng thì bị chìm ở vùng biển Mũi Né.

Sáng 15/3, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bình Thuận đã có văn bản cập nhật, bổ sung thông tin tàu Bạch Đằng, quốc tịch Việt Nam chở 1.500 tấn bụi than bị chìm trên vùng biển Mũi Né (TP.Phan Thiết).

Theo đó, nguyên nhân tàu chìm được xác định do nước tràn vào, làm tàu lật úp. Hiện tàu Bạch Đằng đã trôi vào cách bờ 300 m (khu vực biển bãi Sau, Mũi Né, T.Phan Thiết).

Tàu chở xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chìm trên biển Mũi Né - Ảnh 1
Con tàu bị chìm và trôi dạt sát đầt liền.

Đối với 1.500 tấn tro bay (bụi xỉ than), được chứa vào thùng chuyên dùng, đảm bảo độ kín tuyệt đối nên hông có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển.

Bên cạnh đó, qua làm việc với các thuyền viên, trước thời điểm tàu Bạch Đằng chuẩn bị chìm, các van dầu máy trên tàu đã được khóa lại. Hiện số lượng dầu trên tàu thực tế còn khoảng 2.000 lít dầu DO và nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu từ các két chứa dầu là rất ít.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là một sự cố nhưng không ảnh hưởng lớn tới môi trường biển.

"Đây là một loại tài nguyên tái chế được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, phụ gia của ngành sản xuất xi măng" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Ông cũng khẳng định, về mặt môi trường, sự cố này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường biển do trong quá trình vận chuyển, đơn vị này phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt theo quy định, như đóng gói, bảo quản xỉ tro... 

Ngoài ra, nếu như sự cố chìm tàu gây tràn dầu trên biển, lực lượng chức năng của địa phương sẽ có trách nhiệm và có phương án để ngăn chặn việc tràn dầu từ tàu chở hàng này.

Trước đó, tàu vận tải Bạch Đằng, trọng tải 2.500 tấn do ông Nguyễn Đức Trung, trú tỉnh Thanh Hóa làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 thuyền viên.

Theo đó, tàu xuất bến lúc 10h ngày 14/3, chở 1.500 tấn bụi xỉ than (tro bay) từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đến 18h40 phút cùng ngày, khi tàu hành trình đến khu vực biển bãi sau vịnh Mũi Né (TP.Phan Thiết) cách bờ khoảng 0,5 hải lý thì bất ngờ bị lật ngang, chìm.

Khi tàu bị chìm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo đồn biên phòng Mũi Né sử dụng ca nô, huy động tàu cá ngư dân, mô tô nước của các cơ sở du lịch tổ chức cứu nạn các thuyền viên kịp thời.

Đến 20h cùng ngày đã cứu vớt được tất cả thuyền viên trên tàu Bạch Đằng và đưa vào bờ an toàn. Hiện các thuyền viên được đưa về đồn Biên phòng Mũi Né chăm sóc y tế, tình trạng sức khỏe bình thường, ổn định.

Theo ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) thông tin: Hiện nay với 18.000 MW của các nhà máy điện than đang hoạt động thải ra khoảng 16 – 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nếu không có biện pháp xử lý thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và mỗi năm thêm khoảng 32 triệu tấn. Nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 m thì chúng ta sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ, bằng diện tích cả 1 xã ở đồng bằng Bắc bộ.

Đáng chú ý, theo ông Sính, năm 2030, ước tính lượng than sử dụng 129 triệu tấn mỗi năm, trong đó than nội khoảng 44 triệu tấn. Riêng thủy ngân chứa trong than nội (than Quảng Ninh) với mức 0,464 mg thủy ngân/kg than và tỉ lệ loại bỏ 65%, lượng thủy ngân xả ra không khí là 6,8 tấn mỗi năm. “Tóm lại, khung pháp lý Việt Nam cần khẳng định tro xỉ là độc hại và cần đảm bảo tro xỉ than được quy định chặt chẽ trong khung pháp lý. Tro xỉ cần được giữ nguyên trong danh mục chất thải nguy hại của các quy định pháp luật hiện hành”, ông Sính đề xuất.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Tàu chở xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chìm trên biển Mũi Né. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới