Chủ nhật, 24/11/2024 07:59 (GMT+7)
Thứ tư, 10/08/2022 11:55 (GMT+7)

Thách thức giảm thiểu rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú khu du lịch biển

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh.

Nguồn phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động du lịch

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, rác thải biển là vật liệu rắn được sản xuất hoặc xử lý, sau đó thải bỏ vào môi trường biển và ven biển. Trong đó, chất thải nhựa là thành phần chủ yếu của rác thải biểnViệc xác định các nguồn phát sinh chất thải nhựa tại các KDLB nhằm kiểm soát hiệu quả và ngăn ngừa các tác động nguy hại của chất thải nhựa.

Nguồn phát sinh chất thải nhựa ra biển bao gồm nguồn trên đất liền và nguồn thải trên biển. Trong hoạt động du lịch rác thải nhựa (RTN) trên đất liền được thải ra từ khách du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch (cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, cửa hàng tạp hóa, lưu niệm…); RTN trên biển phát sinh từ quá trình sử dụng và phục vụ khách du lịch từ các tàu, thuyền tham quan, lưu trú trên biển…

Nguồn thải từ khách du lịch: Khách du lịch có thói quen sử dụng một cách tùy tiện túi chất liệu ni lông từ việc gói, đựng đồ dùng cá nhân, đồ ăn uống để mang đi du lịch. Trong quá trình đi du lịch, du khách có nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ uống đóng chai, đồ ăn, thực phẩm đóng gói… Theo các cuộc phỏng vấn nhanh của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni lông/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần (bàn chải, lược, mũ ủ tóc, tăm bông…).

Nguồn thải từ các cơ sở kinh doanh du lịch: Các cơ sở kinh doanh du lịch đặc biệt là các cơ sở ăn uống, bán hàng tạp hóa, lưu niệm vẫn còn thói quen sử dụng túi ni lông, hộp xốp để gói đựng đồ cho du khách. Hầu hết các cơ sở ăn uống còn phục vụ nước đóng chai, một số cơ sở còn sử dụng bát, đũa, cốc uống nước, khăn lau đóng gói dùng một lần. Các cơ sở lưu trú sử dụng các lọ nhựa để châm dầu gội, sữa tắm; sử dụng túi ni lông đựng rác…

Có thể thấy, với số lượng khách du lịch ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều sẽ tạo ra lượng chất thải nhựa ngày càng lớn trong khi thời gian phân hủy rất dài sẽ gây áp lực lớn và vượt quá khả năng tự phục hồi của môi trường.

Tác động của chất thải nhựa đến môi trường, chất lượng cảnh quan tại các Khu du lịch biển Việt Nam

Trong những năm qua, du lịch biển phát triển nhanh, kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch... xu hướng này vẫn còn tiếp tục ra tăng trong thời gian tới khi quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí… được mở rộng.

Trong khi đó, tại nhiều khu vực ven biển hiện nay, do hoạt động du lịch phát triển đã vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường.

Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh chất thải trong khi số lượng được thu gom, xử lý còn có những hạn chế nhất định, hầu hết các khu du lịch, tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện đạt chỉ đạt khoảng 70 - 80%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Hiện nay, tại nhiều KDLB (Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là RTN.

Thách thức giảm thiểu rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú khu du lịch biển - Ảnh 1
Rác thải nhựa xuất hiện tại nhiều khu du lịch.

Thành phần RTN tại các bãi biển chủ yếu là các sản phẩm tiện ích dùng 1 lần như: Túi ni lông, hộp xốp, vỏ sữa, chai nhựa, ống hút nhựa… những sản phẩm thải bỏ trên cần ít nhất 100 - 200 năm phân hủy, trong thời gian đó, RTN không mất đi và gây ra hệ lụy lớn đối với môi trường.

Tình trạng ô nhiễm do rác thải, trong đó có RTN tại một số KDLB đang ngày càng gia tăng. Rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn…

Ý thức BVMT của người dân và du khách còn hạn chế, do vậy thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác, thức ăn, đồ uống bừa bãi trên các bãi tắm, những người bán hàng rong không thu nhặt rác thừa của khách… gây ô nhiễm môi trường và mất đi cảnh quan đẹp tại các bãi tắm.

Phát huy, giảm thiểu rác thải nhựa từ các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú

Sản phẩm nhựa được sử dụng nhiều nhất trong du lịch là dưới dạng bao bì như chai nước suối được các công ty lữ hành phát cho du khách trong quá trình thực hiện tour hay khách du lịch tự mua dùng trong thời gian đi tham quan, trải nghiệm; sử dụng trong các cơ sở lưu trú, phục vụ các sự kiện, hội nghị, hội thảo…, hay các bao gói đồ ăn nhanh, thức ăn nấu sẵn. Ngoài ra, các sản phẩm nhựa như thuyền đáy kính, xuồng cao tốc, các thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng trong khách sạn... cũng được sử dụng khá phổ biến hiện nay trong hoạt động du lịch. Chính sự gia tăng sử dụng sản phẩm nhựa sẽ làm lượng chất thải nhựa phát sinh ngày một tăng trong hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là ở Việt Nam.

Tình trạng chất thải nhựa cũng đã ảnh hưởng đến hình ảnh của nhiều điểm đến du lịch trọng điểm, hấp dẫn ở Việt Nam như vịnh Hạ Long, vịnh Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né…

Để giảm “gánh nặng” cho môi trường nói chung và việc quản lý chất thải nhựa nói riêng đối với phát triển du lịch bền vững, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn cũng chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh để dùng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre... Một số doanh nghiệp du lịch còn tổ chức các tour nhặt rác tại Nha Trang, Hội An... hoặc yêu cầu khách mang rác của họ về sau các chuyến trekking đường rừng.

Rác nhựa từ cơ sở lưu trú, nhà hàng mang tính ổn định và cố định. Trình độ nhận thức của người dân ngày một cao. Khách hàng sẵn sàng chung tay cùng khách sạn phân loại rác để phục vụ cho tái chế.

Thách thức giảm thiểu rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú khu du lịch biển - Ảnh 2
Cần phát huy sản phẩm thân thiện môi trường trong các cơ sở lưu trú

Một thay đổi nhỏ để tạo đà cho những bước “chuyển đổi” lớn hơn. Vào tháng 8 năm 2019, Tập đoàn Marriott tuyên bố sẽ thay thế hầu hết các chai dầu gội, dầu xả và sữa tắm dùng 1 lần của khách sạn bằng loại lớn hơn vào năm 2020, ngăn không cho khoảng 500 triệu chai nhựa nhỏ thải ra môi trường. Con số này tương đương với khoảng 770 tấn nhựa/năm. Ống hút nhựa và thìa nhựa cũng được giảm thiểu để ngăn chặn việc xử lý 1 tỷ ống hút mỗi năm.

Hệ thống Hilton đã loại bỏ ống hút nhựa khỏi mọi hoạt động của khách sạn, giảm thiểu hơn 250 triệu ống hút hàng năm; chuyển từ thẻ khoá phòng nhựa sang thẻ kỹ thuật số tại một số khách sạn. Tính tới nay, Hilton đã loại bỏ hơn 40 tấn rác thải nhựa, song hành với điều đó là việc loại bỏ chai nước bằng nhựa khỏi các cuộc họp và sự kiện tại các khách sạn trực thuộc ở Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.

Trong khi đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội từ năm 2022 đã bắt đầu đưa vào sử dụng bộ sản phẩm phòng tắm thân thiện với môi trường của hãng thời trang Balmain lừng danh đến từ Paris. Các sản phẩm bao gồm dầu gội, dầu xả và sữa tắm với dung tích 400ml và chất liệu tái chế 100% sẽ được lắp đặt cho toàn bộ phòng tắm của khách sạn.

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, Metropole Hà Nội đã đưa vào sử dụng khăn tắm và ga trải giường thân thiện với môi trường, xây dựng vườn rau đô thị, sử dụng nguồn năng lượng xanh, tái sử dụng nước mưa, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sinh thái, v.v. Metropole Hà Nội hy vọng sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần trong khách sạn vào cuối năm 2022.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Thách thức giảm thiểu rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú khu du lịch biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới