Chủ nhật, 24/11/2024 03:39 (GMT+7)
Thứ hai, 25/03/2024 17:00 (GMT+7)

Thái Nguyên: 47 đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế phí bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Nộp phí bảo vệ môi trường được xem là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) đối với chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân. Nhưng nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang nợ thuế và phí bảo vệ môi trường, chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường.

Hơn 31 tỷ đồng tiền nợ thuế và phí bảo vệ môi trường

Báo cáo giám sát mới đây của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì một số hạn chế cần phải khắc phục kịp thời.

Hoạt động khai thác khoáng sản, luyện kim và xây dựng cũng cho thấy không ít trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Tính đến hết ngày 31/12/2022, có 31 mỏ, thuộc 17 đơn vị, doanh nghiệp còn thiếu trong ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 3 mỏ của 3 đơn vị chưa ký quỹ. Có 47 đơn vị, doanh nghiệp còn nợ thuế và phí bảo vệ môi trường với số tiền lên tới trên 31 tỷ đồng.

Thái Nguyên: 47 đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế phí bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Còn những doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa đảm bảo về môi trường

Một số cái tên phải kể đến về nợ phí bảo vệ môi trường như: Công ty TNHH MTV xi măng Quang Sơn; Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn; Công ty TNHH bê tông xây dựng Việt Cường; Công ty Cổ phần Khai khoáng Miền Núi; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Đồng Phú; Công ty Cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng;…nhiều nhất là Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công. Công ty Cổ phần Yên Phước (mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ) nợ thuế bảo vệ môi trường.

Cũng liên quan đến phí bảo vệ môi trường, tháng 11/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (tại xã Điềm Thụy, Phú Bình). Trong đó, truy thu hơn 577 triệu đồng thuế tài nguyên; hơn 272 triệu đồng phí bảo vệ môi trường.

Mới đây Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thông tin về các đơn vị tại nhiều địa phương còn nợ thuế Tài nguyên môi trường và phí Bảo vệ môi trường trên 150 tỉ đồng. Tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường do 10 tỉnh chưa nộp gần 120 tỉ đồng. Hiện nay có nhiều đơn vị tại nhiều địa phương còn nợ thuế Tài nguyên môi trường. Mặc dù vậy chưa có trường hợp tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt khi không thực hiện ký quỹ hoặc ký quỹ không đầy đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Cũng trong khuôn khổ cuộc kiểm toán này, KTNN cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như: Cơ quan tham mưu tỉnh Thái Nguyên chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quá trình luân chuyển, đề xuất xử lý dẫn đến việc không ban hành quyết định xử phạt do hết thời hạn; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của UBND tỉnh, cũng như chưa thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu theo quy định.

Cơ quan chuyên môn cần nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó giám sát thực hiện các biện pháp buộc khắc phục hậu quả và những trường hợp chậm khắc phục theo kết luận thanh tra.

Cần mạnh tay để hạn chế tình trạng "chây ì" 

Quyết định số 450/QĐ-TTg nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đó là, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh giải pháp về đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Thái Nguyên: 47 đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế phí bảo vệ môi trường - Ảnh 2

Trong đó, phát huy ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường. Thực hiện đánh giá, xếp hạng hàng năm các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ðể xảy ra tình trạng nợ đọng, dây dưa hoặc các doanh nghiệp chây ì không nộp là do biện pháp xử phạt hiện hành áp dụng với những doanh nghiệp cố tình không đóng phí bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh.

Quá trình phát triển mạnh về công nghiệp, khai khoáng cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường. Nếu công tác bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức thì dễ xảy tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.

Thiết nghĩ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức việc đóng phí là góp phần bảo vệ môi trường. Nêu tên các doanh nghiệp chưa nộp phí đến nay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, theo dõi quá trình thực hiện việc kê khai, nộp phí của doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Thái Nguyên: 47 đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế phí bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Doanh nghiệp cần thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường.

Các chuyên gia kiến nghị, để doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc ký quỹ môi trường, trong thời gian đến, tỉnh cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa. Chẳng hạn như, nếu không ký quỹ, không hoàn thiện đầy đủ phí môi trường thì sẽ bị rút giấy phép không cho khai thác. Có như thế mới ràng buộc được trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp với môi trường. Bởi, trên thực tế, dù số tiền ký quỹ không nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì.

Quy định về phí bảo vệ môi trường

Phí bảo vệ môi trường chính là một khoản tiền mà cá nhân, tổ chức xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ cho hoạt động bảo vệ, xây dựng, bảo dưỡng môi trường. Đồng thời tổ chức quản lý hành chính của nhà nước đối với hoạt động của người nộp thuế. Đây được xem là một khoản thu bắt buộc đối với các cá nhân, pháp nhân được hưởng một lợi ích hoặc sử dụng một dịch vụ môi trường nào đó.

Hiện nay ở nước ta đang áp dụng một số loại phí như sau: Phí vệ sinh môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Theo quy định tại Điều 136, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 Việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về phí bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: 47 đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế phí bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới