Chủ nhật, 24/11/2024 06:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/10/2023 06:00 (GMT+7)

Thái Nguyên: Môi trường đầu tư lý tưởng là cánh cửa để doanh nghiệp bứt phá

Theo dõi KTMT trên

Những đóng góp của doanh nhân tỉnh Thái Nguyên vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, của TP. Phổ Yên; giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức, từng bước phát triển trong xu thế toàn cầu hoá, chuyển đổi số...

Nhân kỷ niệm 19 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023), phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Thái Nguyên; Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Phổ Yên; Giám đốc Công ty Cường Đại nhằm hiểu rõ hơn những đóng góp của doanh nhân tỉnh Thái Nguyên vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, của TP. Phổ Yên; giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức, từng bước phát triển trong xu thế toàn cầu hoá, chuyển đổi số.

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp (DN) Nhỏ và Vừa, doanh nhân trong tỉnh đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Cường: Sự hình thành và phát triển của DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh gắn liền với sự chuyển đổi và phát triển của các thành phần kinh tế trong quá trình đổi mới, phát triển của đất nước. Cùng với sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đến nay có gần 500 thành viên. Hàng năm, các DN thành viên tạo ra hàng trăm việc làm mới và mang lại thu nhập ổn định cho người lao động.

Thái Nguyên: Môi trường đầu tư lý tưởng là cánh cửa để doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 1

Đại hội Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026.

Các DN tạo ra hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách tỉnh hàng nghìn tỷ đồng. Những con số trên là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nhân, DN trong việc duy trì sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như thời gian qua, góp phần rất quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

PV: Là đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phổ Yên, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Hội doanh nghiệp TP.Phổ Yên trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Cường: Hội doanh nghiệp TP.Phổ Yên được thành lập từ năm 2010, kể từ khi Phổ Yên vẫn chỉ là huyện. Từ đó đến nay, cả hệ thống chính trị, lãnh đạo huyện rồi đến thị xã và bây giờ là thành phố rất quan tâm, đánh giá Hội doanh nghiệp là đơn vị tập hợp nguồn trí tuệ cũng như kinh tế cho sự phát triển chung của địa phương. Chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo để có cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo đúng nhiệm vụ được giao. 

Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, số lượng và chất lượng của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thành viên trong Hội doanh nghiệp Phổ Yên tăng dần theo từng năm. Những năm qua, Hội đã tăng cường liên kết, kết nối sản xuất, kinh doanh; đề xuất với các cấp chính quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư; tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức đối thoại hoặc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, hội viên có điều kiện duy trì ổn định hoạt động sản xuất và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động.

PV: Để có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế thành phố Phổ Yên, Hội doanh nghiệp đã có những chính sách hỗ trợ, kết nối tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Cường: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội và chương trình công tác hàng năm, Hội doanh nghiệp Phổ Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, linh hoạt, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cấp, các ngành xem xét, giải quyết và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức họp thường trực hàng tháng để nắm bắt được những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh, thành phố để bắt kịp được thời cơ, triển khai sâu rộng. Đó cũng chính là định hướng của hội doanh nghiệp.

Thái Nguyên: Môi trường đầu tư lý tưởng là cánh cửa để doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Thái Nguyên; Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Phổ Yên; GĐ Công ty Cường Đại.

Mặc dù là tổ chức xã hội, nghề nghiệp nhưng chúng tôi hoạt động rất sôi nổi, nhộn nhịp. Để có sự hợp nhất và lớn mạnh đó thì Ban chấp hành Hội phải gương mẫu, ngoài phát triển kinh tế, hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra chúng tôi còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác như an sinh xã hội.

Về cơ cấu của thành viên, chúng tôi chia thành các nhóm theo ngành nghề cụ thể. Ví dụ như nhóm xây dựng thì sẽ có người hỗ trợ, kết nối để doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ liên kết hợp tác với nhà thầu thi công trên địa bàn thành phố.

Những năm qua, tất cả các công trình xây dựng tại địa phương hầu hết được giao cho các công ty là hội viên của Hội. Điều này vừa giúp tổ chức hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động. Mà lao động chúng tôi luôn định hướng ưu tiên người Phổ Yên làm việc cho Phổ Yên.

PV: Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong hoạt động kinh doanh sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Ông có kiến nghị gì để tạo hành lang chính sách thông thoáng hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như TP. Phổ Yên?

Ông Nguyễn Văn Cường: Phổ Yên luôn tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, với định hướng và chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn một phần nhỏ ở các xã, nhân dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị của việc nhà đầu tư đến với địa phương. Chính vì vậy mà công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vất vả. Rất mong trong thời gian tới các đồng chí lãnh đạo sẽ tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiểu biết của người dân, tuyên truyền cho người dân hiểu về những tiềm năng, lợi ích nếu phát triển các cụm, khu công nghiệp. Đó sẽ là đòn bẩy tạo công ăn việc làm ổn định, đem lại nguồn lợi để phát triển kinh tế xã hội, dịch vụ thương mại trên địa bàn thành phố.

Đối với các doanh nghiệp nói chung, chúng tôi cũng mong muốn rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục có nhiều cơ chế chính sách để tối giản thủ tục hành chính, thông thoáng hành lang pháp lý để đón được nhiều “đại bàng” lớn với địa phương.

Trong thời gian tới, Hội doanh nghiệp TP.Phổ Yên xác định tập trung mở rộng, phát triển hội viên. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực quản trị, điều hành cho các doanh nghiệp hội viên. Tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các Hội ngành hàng để kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, liên kết kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với chính quyền nhằm xem xét điều chỉnh chính sách kịp thời, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp.

PV: Ông nhìn nhận và đánh giá thế nào về việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Cường: Có thể thấy, tỉnh Thái Nguyên đã làm rất tốt trong việc phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại gắn với chuyển đổi số. Tỉnh đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số, hoàn thiện các thủ tục giúp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.

Thái Nguyên: Môi trường đầu tư lý tưởng là cánh cửa để doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 3

Đại hội Hội doanh nghiệp thành phố Phổ Yên lần thứ II, NK 2022-2027.

Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan của các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. CĐS sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu đạt được lợi nhuận cao nhất, chi phí thấp nhất. Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Một vấn đề đáng quan tâm, thực tế các doanh nghiệp đang lúng túng nên chúng tôi cũng đang xin tư vấn từ các đơn vị chuyên môn.

Hiện nay thì đã có nhiều đơn vị doanh nghiệp sử dụng những công cụ, những phần mềm, những điện toán đám mây để báo giá và gửi khối lượng công việc, tiến độ công việc theo ngày, theo tuần và kết thúc dự án. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ và tăng tính chất chuyên nghiệp trong việc giao tiếp và tương tác với các đối tác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Văn Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Môi trường đầu tư lý tưởng là cánh cửa để doanh nghiệp bứt phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới