Thứ năm, 28/11/2024 01:01 (GMT+7)
Thứ hai, 09/10/2023 15:37 (GMT+7)

Thái Nguyên: Xét xử 33 bị cáo trong vụ án khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than

Theo dõi KTMT trên

Sáng 9/10, TAND tỉnh Thái Nguyên mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 33 bị cáo trong vụ án khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than, tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, 33 bị cáo trong vụ án bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành và mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Nguyên, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan.

Thái Nguyên: Xét xử 33 bị cáo trong vụ án khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than - Ảnh 1
Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiến hành xét xử sơ thẩm 33 bị cáo trong vụ án khai thác hơn 3 triệu tấn than trái phép xảy ra tại Mỏ than Minh Tiến (Đại Từ).

Cũng theo cáo trạng, chủ mưu trong vụ án được xác định là Châu Thị Mỹ Linh (sinh 1970, trú tại phường Tân Sơn Nhất, quận 12, TP. Hồ Chí Minh - Giám đốc Công ty CP Yên Phước).

Châu Thị Mỹ Linh đã chỉ đạo thuộc cấp khai thác, thỏa thuận, thống nhất, ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương (Hải Dương) khai thác trái phép than tại Mỏ than Minh Tiến. Tổng khối lượng than và khoáng sản đi kèm bị khai thác trái phép là hơn 3 triệu tấn, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép trong thời hạn 18 năm. Linh còn chỉ đạo nhân viên hợp thức hồ sơ, chứng từ, hóa đơn để che giấu sai phạm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Châu Thị Mỹ Linh cũng bị cáo buộc là chủ mưu khi đồng ý cho bán “chui” gần 3 tấn thuốc nổ và gần 11 nghìn kíp nổ cho các đối tượng để khai thác than trái phép, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.

Thái Nguyên: Xét xử 33 bị cáo trong vụ án khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than - Ảnh 2
Các bị cáo tại phiên tòa

Trong vụ án này, nhiều bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Sở Công thương và Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên bị truy tố, gồm: Nguyễn Ngô Quyết (SN 1974, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Giám đốc Sở Công thương), Nguyễn Văn Phong (SN 1960), Đỗ Huy Cương (SN 1982, cùng nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công thương) cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1966, nguyên Giám đốc Sở TN&MT), Nguyễn Thế Giang (SN 1974, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT), Lại Trung Hiếu (SN 1975, nguyên Phó trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT), Cao Sỹ Linh (SN 1975, Chuyên viên Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT) cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điểm c khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 8/9, vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng phải hoãn lại do vắng mặt một số luật sư bào chữa cho bị cáo và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Dự kiến, phiên xét xử sơ thẩm diễn ra trong 5 ngày.

Được biết, năm 2014, Công ty CP Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại Mỏ than Minh Tiến (Đại Từ) với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031, tổng trữ lượng được phép khai thác là hơn 136.000 tấn.

Đến năm 2018, sau khi giải phóng mặt bằng, Công ty bắt đầu tiến hành khai thác. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, bà Châu Thị Mỹ Linh đã chuyển nhượng toàn bộ việc khai thác tại Mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương. Hợp đồng ký kết giữa hai bên thể hiện khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, thời hạn 5 năm, gấp hàng chục lần sản lượng được cấp phép.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Xét xử 33 bị cáo trong vụ án khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.
Chi tiết việc sáp nhập xã, phường tại Bắc Ninh
Sau khi sáp nhập tỉnh Bắc Ninh sẽ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 4 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 66 xã, 50 phường và 05 thị trấn (giảm 05 đơn vị hành chính cấp xã).

Tin mới