Chủ nhật, 24/11/2024 08:29 (GMT+7)
Thứ năm, 30/07/2020 12:49 (GMT+7)

'Thảm họa' cháy rừng Australia ảnh hưởng tới 3 tỉ động vật

Theo dõi KTMT trên

Cháy rừng tại Australia 2019 là một trong những thảm hoạ động vật hoang dã tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

'Thảm họa' cháy rừng Australia ảnh hưởng tới 3 tỉ động vật - Ảnh 1
Ngọn lửa từ các đám cháy không chỉ giết chết các loài động vật mà còn đẩy chúng vào nguy cơ chết đói, mất nước... vì môi trường sống bị phá hủy. (Ảnh: The Guardian)

Gần 3 tỉ động vật đã bị giết hoặc phải di dời vì môi trường sống bị phá hủy trong mùa cháy rừng tàn khốc của Australia năm 2019 và 2020. Đây là kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Newcastle, Đại học Charles Sturt và nhóm bảo tổn BirdLife Australia phối hợp thực hiện.

Theo kết quả nghiên cứu, trong số 3 tỉ động vật hoang dã chịu tác động của cháy rừng có 143 triệu con thuộc động vật có vú, 2,46 tỉ bò sát, 180 triệu con chim và 51 triệu con ếch.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học Cris Dickman cho biết nghiên cứu này không đề cập tới có bao nhiêu con vật bị chết trong các vụ cháy rừng, song khả năng sống sót của những con thoát khỏi "thần lửa" có thể là không lớn do chúng thiếu lương thực, không nơi ẩn nấp và trở thành mồi của loài lớn hơn.

"Thống kê này là một cú sốc ngay cả với các nhà nghiên cứu. 3 tỉ động vật có xương sống bản địa là một con số khủng khiếp. Đó là một con số lớn đến nỗi bạn không thể hiểu được nó. Đây là gần một nửa số lượng loài người trên trái đất" - Chris Dickman cho biết.

Theo Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Australia, số động vật bị tác động đã vượt xa ước tính 1 tỉ động vật trước đó.

Dermot O'Gorman, giám đốc điều hành của WWF cho biết: "Nói về một thảm hoạ diệt vong của các loài động vật, thật khó nghĩ đến một thảm nào khác ngoài vụ cháy rừng này. Đây được xếp hạng là một trong những thảm họa động vật hoang dã tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng mà các đám cháy gây ra, đa dạng sinh học của Australia đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, hậu quả tồi tệ này dấy lên lời cảnh báo cần phải giải quyết khủng hoảng khí hậu và ngăn chặn việc đốt rừng để lấy đất cho nông nghiệp và phát triển.

'Thảm họa' cháy rừng Australia ảnh hưởng tới 3 tỉ động vật - Ảnh 2
Một con chim bản địa đã chết cháy trên bãi biển Boydtown, Eden. (Ảnh: Reuters)

Kể từ cuối những năm 1980, các nhà khoa học Australia đã cảnh báo rằng việc gia tăng lượng khí nhà kính sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng. Một phân tích hồi tháng 3 cho thấy nhiệt độ nóng và khô đã khiến cho các đám cháy tại Australia tăng lên gấp 4 lần kể từ năm 1900. Thậm chí, các đám cháy sẽ có khả năng tăng cao hơn 8 lần nếu nhiệt độ toàn cầu vượt mức 2 độ C.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi 3 giáo sư sinh thái trước đó đã kết luận rằng các vụ hỏa hoạn đã gây ra sự suy giảm môi trường sống nghiêm trọng, nhất là đối với các loài đang nằm trong danh sách bị đe doạ. Dữ liệu của chính phủ Australia cho thấy 471 loài động vật không xương sống cần được chú ý khẩn cấp.

Nhiều nhà khoa học đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ các loài động vật bị đe dọa sau cháy rừng, bao gồm cả việc giám sát đa dạng sinh học tốt hơn. Các nhà bảo tồn đã liên kết việc giám sát động vật hoang dã hạn chế của Australia với nguồn tài trợ cho các chương trình môi trường bị cắt giảm hơn 1/3 kể từ khi chính phủ Liên minh bảo thủ được bầu vào năm 2013.

'Thảm họa' cháy rừng Australia ảnh hưởng tới 3 tỉ động vật - Ảnh 3
Một con gấu túi bị thương nằm trong giỏ giặt tại công viên động vật hoang dã đảo Kangaroo. (Ảnh: Getty Images)

O'Gorman nói rằng báo cáo nên được coi là một phần của đánh giá độc lập đang diễn ra về Luật môi trường quốc gia của Australia. Theo ông, sau khi gây thiệt hại nặng nề cho động vật hoang dã của Australia, việc củng cố luật này đang trở nên vô cùng cấp thiết.

Một báo cáo tạm thời từ đánh giá được công bố tuần trước cho biết Australia đang mất đa dạng sinh học ở mức đáng báo động và quốc gia này đang có một tỉ lệ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.

Chính phủ Australia ngay sau đó đã phản hồi bằng tuyên bố sẽ đưa ra các tiêu chuẩn môi trường quốc gia mới nhằm đáp ứng vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết 'Thảm họa' cháy rừng Australia ảnh hưởng tới 3 tỉ động vật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới