Chủ nhật, 24/11/2024 08:25 (GMT+7)
Thứ ba, 14/07/2020 16:00 (GMT+7)

Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm

Theo dõi KTMT trên

Trong khi đánh bắt hải sản ngoài biển đảo xa chẳng may bị hư hỏng máy tàu, hoặc ngư dân dân gặp nạn, điều đầu tiên những ngư chài nghĩ đến là vào âu tàu của hải quân để được giúp đỡ. Những âu tàu ấy thực sự là điểm tựa cho hàng trăm ngàn tàu cá ngư dân các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ yên tâm đánh bắt và trú tránh mùa mưa bão.

Không có các anh, tôi đã bỏ mạng ở đại dương

Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm - Ảnh 1

Quân y của Hải đoàn 129 Hải quân khám sức khỏe cho các ngư dân gặp nạn sau khi tàu của Hải đoàn đưa về đất liền. (Ảnh: Minh Nhân)

Tôi gặp ông Phạm Văn Danh, Thuyền trưởng Tàu BĐ 99137 TS (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tại Quân cảng Hải đoàn 129 Hải quân. Ông đến đây để cảm ơn các anh chiến sĩ tàu 624 và bộ đội đảo Đá Tây A đã cứu vớt và chăm sóc ông và 12 ngư phủ thoát khỏi “lưỡi hái biển khơi” hồi tháng 10/2019.

Ông bảo: “Sau sự cố tàu chìm, đến bây giờ tôi mới có dịp gặp các anh hải quân để nói lời cảm ơn. Bây giờ tôi coi các anh chiến sĩ ở Hải đoàn 129 như người thân trong một gia đình”- ông Danh nói.

- Vì sao ông lại coi họ như người thân thiết? Tôi hỏi.

- Vì họ đã cứu sống chúng tôi. Thực sự nếu không có họ cứu ngày ấy, chúng tôi đã nằm dưới đại dương rồi, đâu còn sống mà đứng ở đây - ông Danh phân trần từ đáy lòng.

Ông Danh đứng lặng trên cầu cảng nhìn về phía biển xa- nơi tàu cá của ông đang neo đậu “ăn hàng” để ra khơi vài ngày tới. “Tháng 10 năm ngoái (2019-PV), tàu của tôi đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển Đá Tây thì bị phá nước. Không có các anh hải quân cứu vớt thì đã bỏ mạng rồi” - ông Danh bắt đầu câu chuyện với đôi mắt rưng rưng.

Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm - Ảnh 2
Âu tàu Đảo Đá Tây A- điểm tựa của ngư dân vươn khơi bám biển. (Ảnh: Lê Khanh)

Ngày 7/10/2019, tàu cá BĐ 99137 TS của ông thực hiện chuyến biển dài ngày xuất phát từ Bình Định. Sau thời gian “chồm lên ngụp xuống” giữa biển mặn mùa gió chướng, tàu đến vùng biển đảo Đá Tây (Trường Sa). Sớm ngày 9/10 năm ấy, giông gió ở đâu bỗng dưng ầm ầm ập đến. Con tàu “lá tre” của ông hút vào lòng biển rồi bị phá nước chìm dần xuống biển. Trước khoảng khắc nước tràn vào các khoang, 12 thuyền viên đã kịp thời mặc áo phao và phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp.

Giữa sóng gió cuồng phong, tất cả chỉ còn một hy vọng bộ đội Hải quân bắt được tín hiệu và cho tàu đến cứu vớt. Một ngày trôi qua, một đêm trắng trôi qua, 12 ngư phủ không còn hi vọng sống thì bỗng dưng một con tàu cờ đỏ sao vàng xuất hiện. 12 ngư dân được các chiến sĩ cứu vớt đưa lên tàu ổn định tinh thần, ủ ấm. Những chiến sĩ ấy là bộ đội hải quân trên tàu 624 của Hải đoàn 129.

Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm - Ảnh 3
Bộ đội Hải quân phát tờ rơi cho ngư dân trước khi tàu đi đánh bắt xa bờ. (Ảnh: Lê Khanh)

Sau khi cứu vớt, cán bộ chiến sĩ tàu 624 đã đưa 12 ngư dân đến đảo Đá Tây A. Tại đây, các ngư dân được thăm khám sức khỏe, ăn uống, bồi dưỡng cho lại sức, rồi được tàu 741 đón về đất liền. “Chuyến đi đó chúng tôi mất trắng tài sản, nhưng không chết là may mắn rồi. Thực lòng được sống là nhờ các anh chiến sĩ Hải đoàn 129 chứ làm gì còn đứng được ở đây” - ông Danh hồi tưởng lại.

Những điểm Check in cứu nạn biển xa

Bây giờ lần nào đưa thuyền ra khơi, ông Danh cũng check in những đảo, điểm đảo để có thể xin giúp đỡ bất cứ lúc nào khi cần: “Khi đánh bắt xa bờ chẳng may tàu cá gặp nạn hư hỏng, hoặc ngư phủ tai nạn, nếu không có bộ đội Hải quân giúp đỡ thì chuyến đó coi như trắng tay, thậm chí bỏ mạng giữa biển khơi. Giữa đại dương mênh mông, chỉ có tàu cá chúng tôi mới thấu hiểu tình cảm sâu đậm, sự giúp đỡ tận tình của bộ đội Hải quân . Những ngư chài chúng tôi luôn mang ơn họ. Bây giờ trước khi đi biển, tôi nằm lòng vị trí các đảo, điểm đảo. Gặp sự cố là xin nhờ giúp đỡ ngay”, ông Danh bày tỏ.

Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm - Ảnh 4
Treo cờ Tổ quốc trước khi tàu đi biển. (Ảnh: Lê Khanh)

Theo ông Danh, để mọi lao động nắm chắc được phương hướng, tọa độ từng vị trí âu tàu, các đảo, điểm đảo, ông đã cho ghi tất cả số liệu dán lên thành tàu để mọi lao động học thuộc và sẵn sàn xử lý khi có sự cố. Ngoài những âu tàu bắt buộc các lao động thuộc lòng tọa độ vị trí, các lao động còn được trang bị kiến thức cách nhận biết tàu hải quân, phát tín hiệu cấp cứu khi tàu chìm, kỹ năng khi gặp tàu nước ngoài uy hiếp bắt nạn trên biển. “Khi đánh bắt xa bờ, nếu chẳng may gặp nạn trên biển thì những âu tàu ở Trường Sa hoặc tàu hải quân là điểm check in nhanh nhất chúng tôi tìm tới” - ông Danh cho hay.

Điểm tựa lòng dân

Từ nhiều năm qua, những âu tàu ngoài Trường Sa do của bộ đội Hải đoàn 129 Hải quân chốt giữ và duy trì hoạt động được coi là điểm tựa vững của ngư dân đánh bắt xa bờ.

Trung tá Nguyễn Văn Kiên, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải đoàn 129 cho biết: Hiện nay, tại Quần đảo Trường Sa có 2 âu tàu: Sinh Tồn, Trường Sa và 2 làng chài: Tốc Tan, Núi Le, do Hải đoàn 129 quản lý. Đây là điểm tựa cho ngư dân an tâm bám biển, tránh trú bão trong những chuyến biển đánh bắt xa bờ ở quần đảo Trường Sa.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, các âu tàu, làng chài còn cung cấp các nhu yếu phẩm, nguyên liệu cho các tàu cá của ngư dân với giá bằng với đất liền và nước ngọt miễn phí. Với lực lượng cán bộ, kỹ sư lành nghề, khi tàu cá ngư dân bị hư hỏng có thể vào âu tàu để được kiểm tra, sửa chữa hoàn toàn miễn phí tiền công.

Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm - Ảnh 5
Tàu cá của ngư dân neo đậu ở đảo Đá Lớn. (Ảnh: Trọng Thiết)

Cùng với công tác sửa chữa, các âu tàu của hải đoàn là điểm tựa về hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho quân dân nơi đây. Chỉ tính riêng trong năm 2019, các đảo trên quần đảo Trường Sa đã khám, cấp thuốc cho gần 11.000 lượt người, riêng ngư dân gần 4.000 trường hợp; cấp cứu 162 người, trong đó có gần 100 ngư dân đánh bắt trên biển vào đảo cấp cứu, cứu chữa; 28 ca bệnh nặng đã được quân y trên đảo điều trị thành công.

Bên cạnh làm điểm tựa cho ngư dân biển xa, cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 129 khối ở bờ nhiều năm qua luôn thực hiện tốt công tác dân vận khéo, xây dựng “đơn vị dân vận tốt” do Bộ Quốc phòng phát động. Từ năm 2009 đến nay, Hải đoàn vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp kinh phí xây dựng 23 căn nhà tình thương, 7 nhà nghĩa tình đồng đội.

Riêng trong năm 2019, Hải đoàn vận động hơn 300 ngày công của cán bộ, chiến sĩ tham gia vệ sinh môi trường biển, khắc phục hậu quả thiên tai, củng cố 20 km đường giao thông nông thôn, thu gom hơn 20 tấn rác thải nhựa…

Nói về công tác tuyên truyền, vận động biển xa, Thượng tá Huỳnh Văn Đa, Chính ủy Hải đoàn 129 chia sẻ, cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 129 luôn nhận thức sâu sắc rằng, các âu tàu, điểm đảo mà hải đoàn đang chốt giữ và thực hiện nhiệm vụ cũng là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

“Thời gian tới Hải đoàn 129 sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực phối hợp với các lực lượng trong xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM, phát triển văn hóa - xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các lực lượng trên biển làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao”, Thượng tá Huỳnh Văn Ða, nhấn mạnh.

“Khi đánh bắt xa bờ chẳng may tàu cá gặp nạn hư hỏng, hoặc ngư phủ tai nạn, nếu không có bộ đội Hải quân giúp đỡ thì chuyến đó coi như trắng tay, thậm chí bỏ mạng giữa biển khơi. Giữa đại dương mênh mông, chỉ có tàu cá chúng tôi mới thấu hiểu tình cảm sâu đậm, sự giúp đỡ tận tình của bộ đội Hải quân Hải đoàn 129. Những ngư chài chúng tôi luôn mang ơn họ” - ông Nguyễn Văn Danh, tài công tàu cá BĐ 99137 TS nói.

Lê Khanh

Bạn đang đọc bài viết Thắm tình quân dân giữa đại dương xa thẳm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới