Chủ nhật, 24/11/2024 07:47 (GMT+7)
Thứ tư, 24/06/2020 06:48 (GMT+7)

Những phát minh có thể cứu đại dương khỏi thảm họa rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Rác thải biển đang là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Nếu tình trạng này kéo dài, đến năm 2050, rác thải nhựa được dự báo sẽ nhiều hơn so với cá trong các đại dương. Thậm chí, nhiều loại cá sẽ bị chết do nuốt phải các loại rác thải nhựa và không thể tiêu hóa.

Với mong muốn thu dọn rác trên biển tiện lợi và không quá tốn kém, những sáng chế độc đáo giúp bảo vệ môi trường đã được công bố và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định.

Thùng rác đại dương Seabin

Seabin là một loại thùng rác đặc biệt dưới nước, có chức năng hút các loại rác - từ chai nhựa, túi nilon tới giấy, dầu, xăng hay các chất tẩy rửa đang trôi nổi trên bề mặt đại dương. Đầu tiên, nước sẽ được hút bằng máy bơm nhỏ, rác hữu hình bị giữ lại ở màng lọc, trong khi rác vô hình như dầu, mỡ... sẽ được đưa lên máy bơm và lọc riêng. Cuối cùng, phần nước sạch sẽ được đưa trở lại biển.

Những phát minh có thể cứu đại dương khỏi thảm họa rác thải nhựa - Ảnh 1
Thùng rác nổi tự động thu gom rác trên biển. (Ảnh: News.com.au)

Theo Đài ABC (Úc), chiếc thùng gom rác đặc biệt có tên Seabin là phát minh từ năm 2015 của hai vận động viên lướt sóng người Úc là Andrew Turton và Pete Ceglinski. Sau khi huy động nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng, chiếc máy này đã được sản xuất thương mại.

Seabin có kích thước tương đương một thùng rác thông thường và có thể gom được 20kg rác mỗi lần. Không chỉ gom rác hiệu quả, cơ chế hoạt động của thiết bị này cũng đã được kiểm tra để không gây ảnh hưởng gì tới môi trường sống của các loài thủy sinh vật tại vùng biển đặt thiết bị.

Mô hình này hiện đã được áp dụng rộng rãi và chứng minh hiệu quả cực kì tốt trong việc lọc và loại bỏ rác nhựa ở các bờ biển. Thậm chí, Seabin còn được ứng dụng để lọc dầu khỏi bề mặt nước nhờ các lớp lọc đặc biệt bên trong.

Vỏ chai nước ăn được

Để giải quyết vấn nạn gia tăng rác thải nhựa khắp thế giới, một nhóm sinh viên thiết kế của Tây Ban Nha đã sáng chế ra một loại "chai" đựng nước có thể ăn được từ tảo. Họ đặt tên cho những "trái bóng nước" này là Ooho.

Những phát minh có thể cứu đại dương khỏi thảm họa rác thải nhựa - Ảnh 2
Bóng nước Ooho có thể thay thế nước đóng chai trong tương lai.

"Trái bóng nước" Ooho là một lớp màng gelatin kép được sản xuất canxi clorua và natri alginate, trích lấy trong tảo nâu. Nó được tạo ra nhờ sử dụng kỹ thuật biến chất lỏng thành dạng gel bằng cách thêm một keo hóa ăn được.

Quy trình sản xuất ra những trái bóng nước này cũng không quá phúc tạp. Để tạo ra Ooho, nhà sản xuất sẽ làm đông đặc nước lại thành quả cầu băng sau đó đổ chất lỏng tại màng bao trùm ra ngoài khối cầu. Khi khối nước đá tan, lớp màng sẽ đông đặc lại và ta có quả bóng nước hoàn chỉnh.

Ooho có thể được sản xuất với các kích cỡ khác nhau, giúp bảo vệ chất lỏng bên trong một cách hợp vệ sinh. Điều đặc biệt là Ooho có giá thành rất rẻ, chỉ 0,02 USD/chiếc.

Mặc dù Ooho có 1 điểm trừ khá lớn đó là chúng sẽ không thể được đặt trong túi hay túi xách của chúng ta bởi chúng có thể dễ dàng bị vỡ, chúng sẽ là 1 điều khá bất tiện trong việc bảo quản và đem theo người. Tuy nhiên, các nhà môi trường hy vọng rằng đây là một bước tiến mang tính cách mạng để giảm thiểu số lượng chai nhựa khổng lồ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.

Chai nước tự phân hủy làm từ tảo biển

Những phát minh có thể cứu đại dương khỏi thảm họa rác thải nhựa - Ảnh 3
Chai nước làm từ tảo biển có thể ăn được sau khi sử dụng.

Ari Jonsson - một nhà thiết kế, sinh viên của Học viện Nghệ thuật Iceland đã chế tạo ra những chai nước làm từ tảo biển.

Giải pháp thay thế nhựa và bảo vệ môi trường của Ari Jonsson xuất phát từ agar, một hợp chất làm từ tảo thường được dùng làm chất kết đông như thạch, bởi ưu điểm của nó là không chỉ đông đặc ở nhiệt độ dưới 40 độ C mà còn không bị vi sinh vật phân hủy làm biến tính.

Việc tạo ra chai nước với nhiên liệu từ tảo rất đơn giản. Đầu tiên, bột agar được trộn cùng với nước, khi hỗn hợp đạt được độ kết dính giống như thạch thì tăng thêm nhiệt độ trước khi đổ chúng vào khuôn lạnh.

Khuôn có hình chai nước được đặt trong thùng đá. Sau khi chai nước đã hình thành để chúng ở trong môi trường đá lạnh rồi mới đem ra sử dụng. Chai nước này sẽ giữ nguyên hình dạng của nó cho đến khi lượng nước trong chai cạn dần và quá trình tự phân hủy của nó bắt đầu. Nước đóng trong chai hoàn toàn uống được tuy nó có vị hơi mặn do hấp thụ một lượng muối nhỏ từ thạch (chất agar) trong thời gian “sản xuất” chai.

Sản phẩm của Jonsson được đánh giá rất cao tại Triển lãm Design March 2016 tại Thủ đô Reykjavik (Iceland). Sản phẩm này hứa hẹn khởi đầu cho những ý tưởng công nghệ thay thế trong ngành sản xuất nhựa hiện nay.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Những phát minh có thể cứu đại dương khỏi thảm họa rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới