Chủ nhật, 24/11/2024 05:44 (GMT+7)
Thứ năm, 18/06/2020 08:00 (GMT+7)

Không thể 'bao cấp' phí rác thải

Theo dõi KTMT trên

Thay đổi cách thức thu phí rác thải theo khối lượng, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý rác thải từ quá trình sản xuất, nâng chế tài xử phạt vi phạm môi trường… là những việc cần làm ngay để giảm bớt gánh nặng xử lý rác thải.

Ông Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) chia sẻ về những điểm “nóng” của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) sửa đổi.

Thu phí rác thải theo khối lượng là hợp lý

PV: Bộ Tài Nguyên Môi trường vừa đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn luận tại tổ về dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), trong đó có đề xuất đáng chú ý là thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì cào bằng thu phí theo nhân khẩu hiện nay. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Phan Chí Hiếu: Như chúng ta đều biết, lâu nay vấn đề rác thải ngày càng nhức nhối và trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia, gây ra không ít hệ lụy xấu cho môi trường. Tại Việt Nam, việc xử lý rác thải được giao cho các địa phương tự xoay sở, xử lý trong điều kiện khó khăn về nguồn nhân lực, chi phí, cách làm cũ… Đặc biệt, tại các đô thị lớn, lượng rác thải khổng lồ trong sinh hoạt, sản xuất công nghiệp thực sự là gánh nặng cho chính quyền các cấp, mà để có thể xử lý hiệu quả, hạn chế tác động tới môi trường sẽ đòi hỏi các giải pháp xử lý rác thải tiên tiến, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý theo quy trình hiện đại, đội ngũ nhân lực thực hiện...

Không thể 'bao cấp' phí rác thải - Ảnh 1
Ông Phan Chí Hiếu - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Lâu nay, ở các địa phương đang áp dụng hình thức thu phí theo nhân khẩu cào bằng, điều này đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Với suy nghĩ đóng tiền phí rác như nhau, thì nhiều người vẫn vô tư xả rác, phó mặc cho đơn vị vệ sinh môi trường xử lý. Thực tế, có không ít người dân đã có ý thức trong việc hạn chế xả rác ra môi trường, trong khi nhiều người lại không hề có ý thức này. Để người xả rác nhiều lại nộp tiền bằng người xả rác ít là bất hợp lý.

Hơn nữa, các địa phương đang chịu gánh nặng chi phí thu gom, xử lý rác thải, vận hành hoạt động, trong đó chủ yếu là các công ty công ích phụ thuộc nguồn ngân sách, không thể “bao cấp” mãi được... Họ cần có nguồn thu hợp lý, hợp lệ để vận hành bộ máy, xử lý rác thải nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách thức thu phí xử lý rác thải và đề xuất cơ chế thu phí tính theo khối lượng rác là hợp lý. Mức phí rác thải có thể được thu trực tiếp từng hộ dân, hoặc thông qua việc tính vào giá thành sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng…

Không chỉ tạo ra sự công bằng, tạo nguồn thu hợp lệ cho hoạt động xử lý rác thải, mà đó chính là ràng buộc trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đối với hoạt động xử lý rác thải.

Để đảm bảo tính thực thi mạnh mẽ thì cần “luật hóa” việc thu phí theo cách thức mới, quy định rõ các khung bậc lũy tiến thu phí, chế tài xử phạt, để sớm bổ sung, sửa đổi nội dung này vào Luật BVMT đang được Quốc hội thảo luận.

Không thể 'bao cấp' phí rác thải - Ảnh 2
Các doanh nghiệp cần tuân thủ quy trình sản xuất khép kín, đặc biệt cần tính đến đầu tư hệ thống xử lý, tái chế chất thải. (Ảnh minh họa)

PV: Tiếp nhận chính sách mới về thu phí rác thải, tâm lý chung người dân chưa ủng hộ bởi nó đánh vào “hầu bao” của dân. Ông có thể phân tích mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích của vấn đề môi trường?

- Ông Phan Chí Hiếu: Chính sách thu phí rác thải phải được nghiên cứu, đề xuất mức thu phí phù hợp với thực tiễn của người dân, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cũng không thể cào bằng mức thu phí ở khu vực thành phố với khu vực nông thôn, miền núi – nơi mà điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Dự thảo Luật cần tính toán, đưa ra các khung phí thu hợp lý, tính tới các trường hợp đặc thù, cũng có thể miễn giảm cho một số nhóm đối tượng đặc biệt.

Tôi cho rằng, với nhiệm vụ gìn giữ và bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp thì tất cả người dân cùng nâng cao ý thức, góp sức, có trách nhiệm. Khi bạn mua một chai nước lọc chỉ có 5.000 đồng, sau đó vỏ chai trở thành rác thải nhựa nguy hại cho môi trường, phải mất vài trăm năm để tự phân hủy. Còn chi phí để thu gom, xử lý, hay tái chế chai nhựa cũng khá lớn, nhưng có thể tái sử dụng được, vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế.

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế.

Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi. Lượng rác thải hàng ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã lên đến hơn 4.000 tấn/ngày, có khi 6.000 tấn/ngày. Hiện nay Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã có nhà máy đốt rác Nedo được xây dựng theo công nghệ Nhật Bản, công suất đốt rác cũng chỉ đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm, đồng nghĩa không thể xử lý hết số lượng rác thải lên đến hàng nghìn tấn/ngày.

Áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải với các cơ quan chức năng TP Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác. Việc đóng góp chi phí rác thải của người dân sẽ tạo thêm nguồn tiền để thành phố đầu tư nâng cấp các nhà máy và đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiệu quả hơn.

Tận dụng “tài nguyên rác”

PV: Thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến khái niệm “kinh tế chất thải”. Xin ông nói rõ về khái niệm này và việc xử lý chất thải hiệu quả có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế nói chung, thưa ông?

- Ông Phan Chí Hiếu: Không phải đến bây giờ, khái niệm “kinh tế chất thải” mới được nhắc đến, mà thực tế nhiều nước đã thành công với ngành công nghiệp tái chế rác thải. Còn ở Việt Nam, “kinh tế chất thải” còn khá mới mẻ, nhưng thực sự, đây đang là “mảnh đất màu mỡ” để khai phá, phát triển thành một ngành công nghiệp tái chế rác, đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Không thể 'bao cấp' phí rác thải - Ảnh 3
Vấn đề rác thải ngày càng nhức nhối và trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia, gây ra không ít hệ lụy xấu cho môi trường. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, khối lượng chất thải sinh hoạt khoảng 23 triệu tấn/năm; chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất… khoảng 20 triệu tấn/năm. Chất thải từ hoạt động xây dựng, phụ phẩm nông nghiệp thải bỏ từ 60 - 80 triệu tấn/năm.

Mỗi năm, lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 25 triệu tấn, nhất là tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Hoạt động sản xuất của các nhà máy giấy, nhiệt điện, hóa chất, phân bón, dệt may, cao su, cũng tạo ra lượng chất thải rắn, các chất thải nguy hại cho môi trường. Đối với chất thải nguy hại, lượng phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 800.000 tấn/năm.

Nguồn rác thải khi được phân loại, xử lý tái chế thành các vật liệu, nguyên liệu có thể tái sử dụng trong kinh tế tuần hoàn.

Dự thảo Luật BVMT sửa đổi cũng đưa ra yêu cầu chất thải rắn phải được phân loại để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng để tận dụng tài nguyên. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm thải bỏ (như các mặt hàng điện tử, bao bì…) phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí để thu hồi, tái chế các sản phẩm do mình đưa ra thị trường, tái sử dụng chất thải.

Với quan điểm coi chất thải là tài nguyên, Chính phủ và Bộ TNMT có định hướng kích thích phát triển xử lý, tái chế chất thải đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường.

Không thể 'bao cấp' phí rác thải - Ảnh 4Thủ tướng: 'Xử lý không nghiêm thì nói mãi cũng nhờn'

PV: Hiện nay, ngoài rác thải sinh hoạt, theo ông để giải quyết bài toán môi trường thì nên ứng xử như thế nào với rác thải công nghiệp, đặc biệt chất thải lỏng, khí thải khó định lượng như bụi mịn, bụi amiang… gây độc hại cho sức khoẻ con người?

- Ông Phan Chí Hiếu: Các địa phương tập trung phát triển công nghiệp hiện đang đối mặt với bài toán nan giải về quản lý, xử lý các nguồn rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các chất thải nguy hại, chất độc, khí độc phát ra từ quá trình sản xuất của nhà máy thép, xi măng, phân bón, bóng đèn… Như sự cố cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông năm 2019, lượng thủy ngân lỏng, các khí độc đã phát thải ra môi trường nước, đất, phát tán trong không khí tại khu vực này. Hệ quả gây ra cho môi trường, cuộc sống của người dân Hà Nội là thấy rõ.

Trong quá trình sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải theo đúng quy trình, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nước thải ra nguồn nước, chất thải rắn, khí thải; đảm bảo ngăn chặn nguy cơ chất thải, khí thải độc hại phát tán ra môi trường.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý chất thải, khí thải của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xả thải ra môi trường mà không qua xử lý, xả thải chất thải vượt mức cho phép, đặc biệt là sự cố môi trường nghiêm trọng.

Cần nâng khung chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm về xả thải chất thải nguy hại, gây ra sự cố thảm họa môi trường để đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi sai phạm.

Đối với người tiêu dùng, họ có thể xem xét không sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp có vi phạm về xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Thủy (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Không thể 'bao cấp' phí rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới