Thanh Hóa: Gần 35.000 tỉ đồng đang rót vào 43 dự án giao thông
Là tỉnh vươn lên dẫn đầu hút FDI khu vực miền Trung, 34.864 tỉ đồng là tổng mức đầu tư của 43 dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Thanh Hóa. Đây sẽ là cực tăng trưởng mới giai đoạn tới.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa mới khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư 2.242 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 1.100 tỉ đồng, còn lại ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác 1.142 tỉ đồng.
Với dự án cùng với các đoạn tuyến còn lại sau khi hoàn thành sẽ kết nối toàn tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, là điều kiện để Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác kinh tế của khu vực phía Bắc.
Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có chiều dài hơn 23,7 km đi qua ba huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dự án do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2024.
Mạng lưới giao thông đường bộ sẽ ngày càng dày đặc hơn, Thanh Hóa cũng có kế hoạch rót gần 35.000 tỉ đồng vào 43 dự án giao thông đang được triển khai từ nay tới năm 2025.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước vào năm 2030.
Có thể nói, nhìn lại kinh tế Thanh Hóa giai đoạn qua đã có những bước tiến khá rõ rệt. Trong các năm 201-2020, kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11,2%/năm.
Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 đạt 126.172 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.510 USD. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm 11% trở lên; đến năm 2025, GRDP/người đạt 5.200 USD trở lên.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo. Cụ thể, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,5%; ngành dịch vụ chiếm 32,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,8%; ngành khác chiếm 8,5%.
Với tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, đây cũng đã trở thành ngành trụ cột, tăng trưởng mạnh mẽ với hạt nhân là khu kinh tế Nghi Sơn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 19,5%; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 141.640 tỉ đồng.
Trong những năm qua, diện mạo kinh tế - xã hội của Thanh Hóa đã có nhiều thay đổi lớn với danh sách các nhà đầu tư liên tục được nối dài, các dự án đua nhau triển khai.
Thông tin từ Báo Thanh Hóa cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút 1.122 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 110.000 tỉ đồng và 3,85 tỉ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, TP có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.
Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 129 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,6 tỉ USD. Điều này cũng giúp cho Thanh Hóa trở thành địa phương thu hút FDI đứng thứ 8 cả nước và dẫn đầu khu vực miền Trung.
Tại khu vực miền Trung, theo sau Thanh Hoá, Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỉ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Quảng Nam ở vị trí thứ 3 với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỉ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký.
Bùi Hằng