Chủ nhật, 24/11/2024 05:22 (GMT+7)
Thứ hai, 04/09/2023 22:12 (GMT+7)

Thanh Hóa: Hỗ trợ 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Từ năm 2009 đến nay Thanh Hoá đã hỗ trợ trên 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp trong đó chính sách hỗ trợ đối với sản xuất lương thực trên 800 tỷ đồng, chưa kể các chương trình, dự án đầu tư khác.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường xin được trích dẫn nguyên văn bài tham luận của ông Hoàng Viết Chọn, PGĐ Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa. Sau đây là nội dung chi tiết:

Được tham dự buổi toạ đàm phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức hôm nay, trước hết thay mặt cho lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hoá xin kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúng tôi trân trọng cảm ơn và đánh giá cao việc Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức diễn đàn này qua đó để ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung có những định hướng giải pháp đúng, trúng, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp trước những biến động của chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Phát triển nông nghiệp nói chung và đảm bảo an ninh lương thực nói riêng đối với tỉnh Thanh Hoá luôn luôn là nhiệm vụ căn bản, là một trong những chương trình trọng tâm trong suốt 19 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Thanh Hoá xác định nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế, an ninh lương thực là yếu tố then chốt để đảm bảo an sinh và bình ổn xã hội; trong giai đoạn mới hiện nay nông nghiệp còn có sứ mệnh là phát triển kinh tế, làm giàu cho người nông dân, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đồng thời phải bảo vệ được môi trường sinh thái.

Nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh nêu trên, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị chung tay, góp sức phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm gần đây (2021-2023) đạt 3,41%/năm. Quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 36.738,9 tỷ đồng, tăng 3.667,6 tỷ đồng so với năm 2020. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có những chuyển biến tích cực: Nông nghiệp giảm từ 69,1% năm 2020 xuống 67,2% năm 2023; Lâm nghiệp tăng từ 7,9% năm 2020 lên 9,2% năm 2023; Thủy sản tăng từ 23% năm 2020 lên 23,6% năm 2023; quy mô ngành chăn nuôi trong tốp đầu cả nước. Sản lượng lương thực 1,585 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng 53,6%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 97%, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện; 359 xã đạt chuẩn NTM; 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã NTM kiểu mẫu, 245 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 391 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng.

Thanh Hóa: Hỗ trợ 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi tọa đàm diễn ra sáng ngày 30/8

Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng và thiết thực luôn được tỉnh Thanh Hoá quan tâm thực hiện bằng nhiều chủ trương giải pháp, chính sách trong suốt cả giai đoạn vừa qua. Trước hết về quan điểm và mục tiêu an ninh lương thực: Thanh Hoá tiếp cận và nghiên cứu sâu sắc quan điểm và mục tiêu về an ninh lương thực được FAO  xác định dựa trên 4 trụ cột chính là: Đảm bảo đủ số lượng lương thực; Cung cấp kịp thời lương thực; Chất lượng lương thực đảm bảo và mọi người dân đều có thể tiếp cận nguồn lương thực

Thứ hai, Thanh Hoá cụ thể hoá chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước bằng những kế hoạch chương trình cụ thể trong mỗi thời kỳ, giai đoạn. Gần đây nhất là Quyết định 622-QĐ/TU của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 220-KH/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Kế hoạch số 152/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 02/12/2020 của Thủ tướng chính phủ và Kế hoạch số 220-KH/TU. Qua đó huy động được cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực.

Thứ ba, tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp nói chung và lương thực nói riêng đạt được những kết quả quan trọng, trong đó vấn đề quy hoạch, định hướng sản phẩm được xác định rõ theo đối tượng, theo vùng miền trên cơ sở xác định lợi thế so sánh và lợi thế tuyệt đối; các chính sách được ban hành và triển khai đồng bộ, nhận được sự hưởng ứng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (từ năm 2009 đến nay tỉnh đã hỗ trợ trên 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp trong đó chính sách hỗ trợ đối với sản xuất lương thực trên 800 tỷ đồng, chưa kể các chương trình, dự án đầu tư khác) qua đó hạ tầng sản xuất lương thực được hoàn thiện, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi, dịch vụ sản xuất, chế biến được nâng cấp, thị trường lương thực trong và ngoài tỉnh phát triển.

Từ đó, sản xuất lương thực của Thanh Hoá đạt được những kết quả quan trọng: Toàn tỉnh đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng hiệu quả cao với diện tích 75 nghìn ha, vùng ngô thâm canh gần 20 nghìn ha. 7 nhà máy chế biến lúa gạo, 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng, 19 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 3 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị máy móc, cùng với hệ thống đại lý, hộ kinh doanh rộng khắp ở tất các địa bàn cấp huyện; sản lượng lương thực hàng năm đạt từ 1,55- 1,6 triệu tấn, chất lượng lương thực ngày càng cao, khả năng tiếp cận lương thực đảm bảo đến mọi người dân.

Những kết quả đạt được nêu trên góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi, tham mưu và chỉ đạo phát triển nông nghiệp trong thời gian qua, cùng với những diễn biến khó lường về chính trị, quân sự, kinh tế của thế giới và nước ta trong giai đoạn tới cũng bộc lộ những hạn chế và thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực của Thanh Hoá, đó là:

Qua 15 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực (2009-2023) đã bộc lộ nhiều tồn tại như việc tiêu thụ nông sản bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đang đẩy mạnh xuất khẩu và chịu nhiều tác động từ chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị; thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là lương thực thực phẩm không ổn định; những yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều nhưng chưa đáp ứng được đỏi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, biến đổi khí hậu với những hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai gây ra hậu quả khó lường và sự thay đổi môi trường biển…đang tạo nhiều sức ép đối với an ninh lương thực quốc gia. Vì lẽ đó, sớm định hướng các mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và phù hợp với xu thế.

Tại Thanh Hoá, tổng sản lượng lương thực 1,5 triệu tấn (1,3 triệu tấn gạo, 0,2 triệu tấn ngô) trong đó  sử dụng làm lương thực khoảng 700 nghìn tấn/ năm, dùng làm giống 15 nghìn tấn, thu mua dự trữ quốc gia 30 nghìn tấn, phục vụ chế biến các sản phẩm sau gạo khoảng 200 nghìn tấn, dùng làm thức ăn chăn nuôi khoảng 100 nghìn tấn. Lượng còn lại 455 nghìn tấn được mua bán trao đổi trên thị trường tự do, dẫn đến chưa nâng cao được giá trị gia tăng, chưa hình thành được các chuỗi chế biến và tiêu thụ quy mô lớn, chất lượng cao làm cho hiệu quả sản xuất lương thực còn thấp.

Thanh Hóa: Hỗ trợ 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp - Ảnh 2
Ông Hoàng Viết Chọn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi tọa đàm.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, để phát triển toàn diện nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng, trong thời gian tới Tỉnh Thanh Hoá xác định tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:

1. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại,giá trị gia tăng cao

Trồng trọt: Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Dự báo, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây trồng. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng/ha trở lên.

Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng cho từng ngành hàng chăn nuôi; chăn nuôi hữu cơ, đặc sản.

Lâm nghiệp: Tiếp tục khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nhằm đa dạng hoá sản phẩm chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất. Phát triển mô hình nông lâm kết hợp; thực thi hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế rừng.

Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường; áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản xa bờ vùng khơi.

2. Đẩy mạnh tích tụ,tập trungđất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh (khóa XVIII): Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.

3. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách giai đoạn 2020 – 2025. Tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

4. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; chủ động hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

5. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, ATTP; Hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để tạo ra nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Thanh Hóa: Hỗ trợ 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp - Ảnh 3
Phó giám đốc sở NN&PTNT cùng các đại biểu thăm quan các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại buổi tọa đàm.

6. Đối với sản xuất lương thực:

Trước những diễn biến mới về địa chính trị, sự biến động của thị trường an ninh lương thực quốc tế, tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; Quyết định số 583/QĐ- TTg ngày 26 tháng 5 năm 2023của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Trong đó tỉnh Thanh Hóa xác định cần giải quyết những vấn đề trọng tâm xoay quanh 4 trụ cột chính về an ninh lương thực như sau:

Đảm bảo đủ lương thực: Tỉnh Thanh Hóa có đủ điều kiện và quy mô để sản xuất đảm bảo nguồn lượng thực trong tỉnh đồng thời tham gia vào thị trường lương thực trong và ngoài nước với quy mô diện tích trồng lúa 116.000 ha đến năm 2030, diện tích ngô 40-45 nghìn ha/năm, tổng sản lượng 1,5 triệu tấn trở lên

Cung cấp kịp thời lương thực: Quy hoạch đất lúa đảm bảo sự thống nhất, phù hợp về quy mô và địa bàn; Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách bảo vệ đất trồng lúa theo nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ, nhất là diện tích đất lúa trên địa bàn miền núi nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

Chất lượng lương thực đảm bảo: Đẩy mạnh tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị, ứng dụng các tiến bộ KHKT về giống, phân bón, cơ giới hoá, quy trình trình sản xuất tiên tiến...; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nhằm năng cao chất lượng nông sản nói chung và lương thực nói riêng, gia tăng giá trị và hiệu quả sản xuất.

Mọi người dân đều có thể tiếp cận nguồn lương thực: Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất đối với những vùng sản xuất lương thực tập trung, đẩy mạnh chuyển dịch ngành nghề trong nông thôn nhằm tăng nguồn thu nhập, tăng khả năng vận chuyển và tiếp cận lương thực, hình thành hệ thống dịch vụ cung cấp lương thực có kiểm soát chất lượng. Gắn với sản xuất lương thực, đẩy mạnh sản xuất các đối tượng cây trồng, vật nuôi để nâng cao chất lượng thực phẩm, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tham dự toạ đàm hôm nay, ngành nông nghiệp Thanh Hoá trân trọng và xin tiếp thu các ý kiến, tham luận của quý đại biểu, chúng tôi xác định đây là những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới . Một lần nữa xin chân thành cảm ơn và kính chức sức khoẻ các quý vị đại biểu, chúc diễn đàn của chúng ta thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Lê Hoa

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Hỗ trợ 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới