Thanh Hóa: Kinh tế tư nhân vươn lên phát triển mạnh mẽ
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thực hiện nhất quán chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 29.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn hơn 255.000 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đạt 8,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng mạnh so với trước. Hiện có trên 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động cùng hơn 155.000 hộ kinh doanh cá thể. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân khoảng 58,7% GRDP, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và gần 37% tổng thu nội địa. Năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 90.500 tỷ đồng, gấp 1,73 lần so với năm 2017.
Các doanh nghiệp tư nhân tại Thanh Hóa ngày càng mở rộng quy mô, năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ. Toàn tỉnh có 304 doanh nghiệp xuất khẩu, với 55 chủng loại hàng hóa vươn tới 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 6,3 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2017.
Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân cũng đã tạo việc làm cho hơn 1,16 triệu lao động với thu nhập bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân Thanh Hóa còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2022–2026 và Đề án phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021–2025, cùng với đó, cũng đã dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số với tổng kinh phí trên 129,5 tỷ đồng.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được chú trọng. Thanh Hóa thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không”, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 1.200 lớp đào tạo, bồi dưỡng khởi nghiệp, quản trị, điều hành doanh nghiệp với gần 86.000 lượt học viên.
Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn không ít hạn chế, như: Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 97%), năng lực cạnh tranh thấp, khó tiếp cận vốn, đất đai và công nghệ; mức độ liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI còn hạn chế; công tác cải cách thủ tục hành chính một số nơi chưa thực sự đột phá.
Trong bối cảnh Thanh Hóa đang vươn mình trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu cấp thiết, là giải pháp đột phá nhằm huy động nguồn lực xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thanh Hóa tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân; thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, công nghệ, vốn và mở rộng thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao năng lực liên kết, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp; phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn dắt”, các hiệp hội ngành nghề trong kết nối, phản biện chính sách và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Phát triển kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII. Với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và phát triển của khoa học công nghệ, việc phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là điều cần thiết. Từ kết quả phân tích cho thấy, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trên một cách hiệu quả để hạn chế những tiêu cực và phát huy hơn nữa hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Đình Đông