Chủ nhật, 24/11/2024 06:04 (GMT+7)
Thứ ba, 24/01/2023 17:46 (GMT+7)

Thanh Hóa: Luôn xem chuyển đổi số là động lực để phát triển

Theo dõi KTMT trên

Kết quả bước đầu về chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hoá là tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cần thiết yếu của người dân, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá, trong năm 2022 trang thông tin chuyển đổi số của tỉnh đã thu hút được khoảng 1.931.606 người theo dõi; đã đưa được hơn 1.620 lượt tin, bài lên trang thông tin điện tử để tuyên truyền nâng cao nhận thức. Ngoài ra, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về thương mại điện tử (TMĐT); phát hành 1.350 sổ tay truyền thông và 8.000 tờ gấp bảo đảm an toàn, an ninh hoạt động trên hạ tầng bưu chính khi tham gia TMĐT…

Về hạ tầng số, hiện hạ tầng CNTT được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã, từng bước đáp ứng việc ứng dụng CNTT; Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu luôn bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7 cho hệ thống CNTT dùng chung. Trang thiết bị cho 113 cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh; 80 cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan cấp huyện và 505 đơn vị cấp xã: 4.552 bộ máy tính, 726 bộ máy in và 340 bộ thiết bị chuyển mạch Switch. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được trang bị máy vi tính; 100% các đơn vị đã có mạng LAN, các máy tính được kết nối mạng Internet băng thông rộng phục vụ công tác.

Thanh Hóa: Luôn xem chuyển đổi số là động lực để phát triển - Ảnh 1
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm sản phẩm chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa.

Về dữ liệu số, hiện đã hoàn thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp; việc triển khai các ứng dụng CNTT tại các ngành, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngoài các ứng dụng dùng chung của tỉnh; các ngành, đơn vị còn triển khai các ứng dụng chuyên ngành, xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nhằm phục vụ công tác quản lý.

Về chính quyền số, hiện đã đạt 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 3.436.164 lượt văn bản; tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 99,07%.

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp 182 dịch vụ công mức độ 3 và 707 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 899 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 986.337 hồ sơ; đã xử lý 947.069 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 98,26%.

Thanh Hóa: Luôn xem chuyển đổi số là động lực để phát triển - Ảnh 2
Chợ Điện Biên, TP.Thanh Hóa là đã áp dụng thành công chuyển đổi số, người dân đến chợ không cần mang theo tiền mặt để giao dịch.

Về kinh tế số, hiện có 22.673 doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia chương trình chuyển đổi số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; 100% các doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 1.400.000 hóa đơn điện tử; đã triển khai thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile) giúp tiết kiệm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí đi lại.

Hỗ trợ 33.130 hộ SXNN đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; 22.889 hộ SXNN có tài khoản bán hàng/gian hàng, đưa 66 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn và 38 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn và 612 sản phẩm lên cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn của tỉnh; cung cấp 55.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ trên 551.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

Về xã hội số, hiện đã triển khai ứng dụng du lịch thông minh tại 04 khu, điểm du lịch; 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 14.478 thành viên tham gia; triển khai tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho 4.688 học viên là các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và 890 học viên là cán bộ, công chức các xã, thị trấn những kiến thức cơ bản để về chuyển đổi số, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, sử dụng DVC trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa cho biết: “Để thực hiện tốt nhất việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, công việc đều được cụ thể hoá bằng các quyết định, điều hành, UBND tỉnh hàng năm giao chỉ tiêu về việc giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3-4; giao chỉ tiêu về việc chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã, hiện nay toàn tỉnh đã có 92 xã đạt chỉ tiêu chuyển đổi số”.

Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường mạng, đến nay 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 99,07%, tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 98,72%; đã có sự thay đổi tích cực từ cách làm việc hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử, công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.

Thanh Hóa: Luôn xem chuyển đổi số là động lực để phát triển - Ảnh 3
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa vừa được vinh danh lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021 tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Luôn xem chuyển đổi số là động lực để phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới