Thanh Hóa: Nghị quyết đặc thù và kỳ vọng vào sự phát triển đột phá
Từ 1/1/2023, Nghị quyết số 303, 298 và 299 của HĐND tỉnh Thanh Hoá về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân chính thức có hiệu lực.
Theo nghị quyết đặc thù, ngân sách TP.Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn với số tiền sử dụng đất không quá 7.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 10 công trình dự án trọng điểm trên địa bàn. Với điều kiện hằng năm phải hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh và tăng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn TP.Thanh Hóa từ 10% trở lên. Trường hợp số thu tiền sử dụng đất thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất lớn hơn 7.000 tỷ đồng thì phần vượt thu thực hiện theo quy định hiện hành về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa cho biết: “Khi ban hành nghị quyết đặc thù cho thành phố, Ban thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của địa phương. Nghị quyết này sẽ tạo ra nguồn lực lớn, với định hướng rất rõ ràng để cho các địa phương phát triển, nhất là TP.Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, TP.Thanh Hóa đã ban hành chương trình hành động và xây dựng các dự án đầu tư để thu ngân sách. Đây là một ưu đãi rất lớn nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi cán bộ và nhân dân phải rất là nỗ lực, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ban ngành cấp tỉnh thì mới thực hiện được”.
Bên cạnh đó, TP.Thanh Hóa được bổ sung đến mức tối đa lên 140 tỷ đồng/năm theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phục vụ phát triển đô thị hiện đại. Ngoài ra TP.Thanh Hóa được hưởng tỷ lệ điều tiết 100% từ nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền trên địa bàn trong điều kiện tổng nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền trong năm không hụt thu.
Đối với TP.Sầm Sơn, ngân sách được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 5 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn với số thu tiền sử dụng đất không quá 5.000 tỷ đồng. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất các mặt bằng (không bao gồm các dự án đã thanh toán dự án BT) trong khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn (sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng) TP.Sầm Sơn được hưởng 3.000 tỷ đồng (có Phụ lục 1 kèm theo) để thực hiện đầu tư xây dựng 9 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn (có Phụ lục 2 kèm theo) với điều kiện hằng năm phải hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh và tăng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn từ 10% trở lên.
Trao đổi với PV, ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy TP.Sầm Sơn cho biết: “Với mục tiêu phát triển TP Sầm Sơn trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện thì cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước để năm 2025 đạt được tiêu chí đô thị loại 2, năm 2030 sẽ lên loại 1. Để làm được những điều đấy, cơ chế đặc thù chính là lời giải cho bài toán trên. Nhưng cần phải hiểu rõ, tỉnh cho cơ chế chứ không phải cho tiền, vì vậy Sầm Sơn phải tự lực cố gắng để thực hiện thành công cơ chế đặc thù này”.
Theo nghị quyết, TP.Sầm Sơn được bổ sung đến mức tối đa 24 tỷ đồng/năm (theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từ năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính trên địa bàn.
Đối với huyện Thọ Xuân, ngân sách huyện được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 15 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn huyện với số thu tiền sử dụng không quá 5.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 8 dự án trọng điểm trên địa bàn với điều kiện hằng năm phải hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh và tăng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn từ 10% trở lên. Trường hợp số thu tiền sử dụng đất thu được từ 15 dự án khai thác quỹ đất lớn hơn 5.000 tỷ đồng, thì phần vượt thu thực hiện theo quy định hiện hành về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lý Đình Sỹ, PCT UBND huyện Thọ Xuân nhận định: “Cơ chế đặc thù mà HĐND tỉnh dành cho huyện sẽ tạo ra nguồn lực rất là lớn trong việc thực hiện một số dự án trọng điểm và có tính chất lan tỏa nhất là liên kết vùng. Từ đó huyện có nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện lên thị xã”.
Như vậy, cơ chế đặc thù dành cho ba đơn vị trên sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm (2023-2027). Căn cứ hạn mức vay của tỉnh, hình thức vay, đối tượng vay và tình hình thực tế, Thanh Hoá sẽ ưu tiên lựa chọn và đầu tư một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân từ nguồn vốn vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước và các nguồn vốn vay khác theo quy định của pháp luật.
Hoàng Đức