Thanh Hóa sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW trong lĩnh vực công nghiệp thương mại
Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thương mại.
Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp được Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 17,05%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân khoảng 14,3%/năm. Dự kiến đến hết năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 332.400 tỉ đồng, gấp 2,19 lần năm 2020, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước; giá trị gia tăng ước đạt 69.479 tỉ đồng, gấp 2,19 lần năm 2020. Tỷ trọng giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh dự kiến tăng từ 29% năm 2020 lên 39% năm 2025; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2025 chiếm khoảng 79,4%, tăng 4,2% so với năm 2020. Giai đoạn 2020 - 2025, có thêm nhiều dự án, cơ sở sản xuất công nghiệp mới đi vào hoạt động, một số dự án công nghiệp quy mô lớn được chấp thuận đầu tư; tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển.

Đối với hoạt động thương mại, dịch vụ mặc dù đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song đã phục hồi nhanh và có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt khoảng 10%. Dự kiến đến hết năm 2025, tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh ước đạt 209.000 tỉ đồng, gấp 1,85 lần so với năm 2020; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 08 tỉ USD, gấp 2,24 lần năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 304 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị.
Trong phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại, hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 45.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2020 và quy mô ngày càng lớn hơn; có khoảng 420.000 lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tăng 40% so với năm 2020. Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 07 khu công nghiệp, 46 cụm công nghiệp đang được triển khai đầu tư hạ tầng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 390 chợ, 30 siêu thị, trung tâm thương mại, 586 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 04 kho xăng dầu đang hoạt động và nhiều cơ sở hạ tầng thương mại đang đầu tư xây dựng.
Về phát triển hạ tầng cung cấp điện, toàn tỉnh hiện có 39 dự án nguồn điện và nguồn điện tiềm năng đã được bổ sung vào các quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 5.509,2 MW, có 17 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 2.473,8 MW. Sản lượng điện sản xuất năm 2024 đạt khoảng 12,96 tỷ kWh, gấp 2,1 lần so với năm 2021. Hệ thống lưới điện không ngừng được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo. Đến nay, toàn tỉnh có trên 29.000 km đường dây truyền tải điện, gần 10.300 trạm biến áp với tổng công suất khoảng 11.500 MVA, đảm bảo cấp điện cho 100% xã, thôn, bản trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ hộ gia đình được cấp điện từ điện lưới quốc gia đạt 99,9%.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW trong lĩnh vực công nghiệp thương mại vẫn còn những hạn chế, như: Nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách còn gặp khó khăn. Công tác lập, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, thương mại còn chậm. Tốc độ phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại mặc dù đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực còn chậm trễ… đòi hỏi Thanh Hóa phải nỗ lực hơn nữa.
Đình Đông