Chủ nhật, 24/11/2024 09:50 (GMT+7)
Thứ tư, 25/09/2019 14:00 (GMT+7)

Thành lập Khu bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững các quần thể rùa nguy cấp của Việt Nam và môi trường sống của chúng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Cụ thể, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Khu bảo tổn loài rùa quý hiếm nhất thế giới sẽ được thiết lập tại Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nơi sinh sống của hai trong ba cá thể rùa Hoàn Kiếm còn lại trên thế giới.

Theo đó sẽ điều tra, đánh giá hiện trạng các loại rùa nguy cấp tại Việt Nam; phân loại và đề xuất tình trạng bảo tồn của các loài rùa cạn và rùa nước ngọt đối với Sách đỏ Việt Nam và Danh mục Đỏ IUCN. Khảo sát, đánh giá và xác định các sinh cảnh ưu tiên, các bãi đẻ tự nhiên cần được bảo vệ cho các loài rùa nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Thành lập Khu bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm - Ảnh 1
Rùa Hoàn Kiếm đứng đầu trong danh sách các loài rùa đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Để thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp sẽ được triển khai trong đó thành lập ba khu bảo tồn loài và sinh cảnh mới cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp.

Dự kiến triển khai đối với quần thể rùa Hoàn Kiếm tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) tại khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và nhóm các loài rùa hộp thuộc giống Cuora tại khu vực huyện Đông Hòa và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

Cơ quan chức năng phối hợp các tổ chức quốc tế sẽ xây dựng, thực hiện các dự án phục hồi quần thể đối với một số loài rùa cạn và rùa nước ngọt thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa.

Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu tiên từ năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN xếp loài này vào mức cực kỳ nguy cấp (CR) năm 2010. Đứng đầu trong danh sách các loài rùa đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Theo kế hoạch, trước mắt tập trung bảo vệ an toàn Rùa Hoàn Kiếm tại 2 hồ, nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời tiến hành điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được.

Từ đó đến 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội.

Rùa Hoàn Kiếm được biết đến là loài rùa quý hiếm nhất thế giới. Sau cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc vào tháng 4 năm nay, cả thế giới chỉ còn 3 cá thể được biết đến. Một cá thể đực ở Trung Quốc. Hai cá thể ở Việt Nam gồm một cá thể ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) và một cá thể ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh mới được phát hiện năm 2018 bằng kỹ thuật gene môi trường.

Quang Huy (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thành lập Khu bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới