Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ tư, 16/08/2023 06:00 (GMT+7)

Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Bài báo trình bày các quan niệm, chí số, chỉ tiêu và phương pháp cũng như kết quả đánh giá thành phố xanh của các nước phát triển trên thế giới, trên cơ sở đó phân tích các vấn đề có liên quan đến thành phố Hà Nội.

Bài báo trình bày các quan niệm, chí số, chỉ tiêu và phương pháp cũng như kết quả đánh giá thành phố xanh của các nước phát triển trên thế giới. Trên cơ sở đó phân tích các vấn đề có liên quan đến thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố xanh” vào năm 2050 theo “Quyết định Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 222/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 02 năm 2012”. Bài báo nhấn mạnh yêu cầu biên soạn Bộ chỉ số và chỉ tiêu “thành phố xanh” và áp dụng trong việc thực hiện Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  1. Đặt vấn đề

Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ [1] về Phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ghi rõ: mục tiêu phát triển dài hạn - tầm nhìn của Hà Nội đến năm 2050 là thành phố xanh. Khái niệm này hiện đang được hiểu là thành phố có nhiều cây xanh, mặt nước phong phú,…mà chưa gắn với quan điểm phát triển bền vững hoặc tăng trưởng xanh. Vậy sau 10 năm thực hiện Quyết định 222/QĐ-TTg, Hà Nội cần thực hiện những gì để đạt được mục tiêu để trở thành thành phố xanh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm, thành phố Hà Nội đang triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ cố gắng làm rõ khái niệm, tiêu chí, phương pháp đánh giá thành phố xanh và một số bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác để Hà Nội đạt được mục tiêu thành phố xanh vào năm 2050.

  1. Khái niệm và tiêu chí thành phố xanh

Trong khoảng hai thập kỷ qua, nhiều khái niệm, định nghĩa, công cụ và phương pháp đánh giá liên quan đến khái niệm thành phố xanh đã được phát triển [2,3,4,5,6,7.8]. Các nghiên cứu này đã cố gắng khái niệm hóa thành phố xanh thông qua các phương pháp và công cụ, như: chỉ số đo lường tính bền vững, chỉ số hiệu quả môi trường, các định hướng vấn đề ưu tiên và các hành động để cải thiện hiệu quả môi trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa hoặc khái niệm được thống nhất chung, đơn giản về thành phố xanh.

Dù chưa có khái niệm chung được đưa ra bởi một tổ chức quốc tế, nhưng các nghiên cứu mới nhất trên thế giới đang sử dụng Khung khái niệm thành phố xanh được phát triển bởi Phòng Đô thị bền vững và Thích ứng biến đổi khí hậu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển nhà ở và đô thị, Hà Lan năm 2018 [3]. Khung khái niệm này được xây dựng trên quan niệm thành phố xanh là thành phố bền vững và đáng sống; bao gồm: 4 chủ đề và 7 lĩnh vực hoạt động liên kết với nhau (Hình 1).

Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội - Ảnh 1
Hình 1. Khung khái niệm thành phố xanh

Bốn chủ đề:

Hiệu quả năng lượng cao và sử dụng năng lượng tái tạo trong toàn bộ các lĩnh vực:

Ưu tiên đầu tiên và quan trọng nhất để trở thành thành phố xanh là sử dụng năng lượng hiệu quả và gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo trong tất cả các hoạt động của thành phố. Năng lượng là yếu tố trung tâm để thúc đẩy và định hướng việc đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần vào sự cải thiện tổng thể hoạt động của thành phố xanh. Năng lượng được liên kết với nhiều yếu tố của quá trình đô thị hóa như: giao thông, dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng, mật độ dân cư, nước, sử dụng đất, thực phẩm, chất lượng môi trường sống, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, v.v. . Các hành động thay đổi nhỏ hay lớn liên quan đến năng lượng sẽ có tác động kéo theo nhiều hoạt động đô thị khác, do đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài nguyên của thành phố.

Chủ đề “xanh hóa” được sử dụng rộng rãi trong toàn bộ các lĩnh vực của thành phố: “Xanh hóa” ở đây có liên quan đến ý tưởng mang lại hoặc trả lại thiên nhiên cho các thành phố. Theo đó, cần tạo dựng sự cân bằng giữa không gian xanh và không gian xây dựng thông qua việc sử dụng rộng rãi các hoạt động “xanh hóa” như: tăng cường không gian xanh đô thị, công viên cây xanh kết hợp với nguồn nước ở mọi nơi nào có thể; các mái nhà xanh, mặt tiền xanh, hành lang xanh… “Xanh hóa” góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân; cải thiện sức khỏe, tăng các giá trị về mỹ quan và sức hấp dẫn của thành phố; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động bất lợi của khí hậu, hiện tượng đảo nhiệt; tạo ra vi khí hậu quy mô thành phố; giảm thiểu khí nhà kính; góp phần giảm ngập úng đô thị; và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch không gian với sử dụng đất hỗn hợp, đa mục tiêu, liên kết xã hội: Chủ đề thứ 3 này thúc đẩy sự phát triển của các thành phố nhỏ gọn hơn bằng cách hợp khối quy hoạch không gian, sử dụng các yếu tố thiết kế hợp khối, nhỏ gọn, “xanh hóa”, phát triển định hướng giao thông công cộng. Chủ đề này hướng tới sử dụng đất hỗn hợp, đa mục tiêu để cải thiện hiệu suất xanh của thành phố; xây dựng các dự án phát triển cộng đồng. Ví dụ, tạo ra nhiều mục đích sử dụng trong cùng một tòa nhà hoặc khu vực phát triển chung như: nhà ở, văn phòng, cửa hàng bán lẻ, khu y tế, giải trí, thương mại hoặc công nghiệp; nhằm tạo ra môi trường tiện lợi nơi mọi người có thể sống, làm việc, vui chơi, đáp ứng nhu cầu mua sắm và lối sống hàng ngày mà không cần di chuyển xa. Bên cạnh đó việc gắn kết xã hội có thể thực hiện bằng việc xây dựng các căn hộ vừa túi tiền cho các mức thu nhập khác nhau trong cùng một tòa nhà; góp phần làm giảm sự phân biệt xã hội bằng cách cho phép các gia đình có thu nhập khác nhau sống cùng nhau.

Tăng trưởng xanh và các nguyên tắc công bằng: Chủ đề thứ tư của Khung khái niệm thành phố xanh là yêu cầu áp dụng các yếu tố cấu thành của hai khái niệm “tăng trưởng xanh” và “các nguyên tắc công bằng” trong tất cả các hoạt động phát triển của thành phố. Các yếu tố chính của chủ đề này là thúc đẩy các công nghệ carbon thấp, tăng hiệu quả năng lượng và các công cụ, thực hành tài chính và quản lý đổi mới, sáng tạo để nâng cao sự phát triển của nền kinh tế toàn diện tại thành phố, ít gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và phân bổ một cách công bằng sự tăng trưởng.

Liên kết 4 chủ đề trên là những yếu tố hoặc công cụ được đề xuất để quản lý thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho tích hợp các hành động đa dạng được đề xuất bởi từng chủ đề nhằm cải thiện hiệu quả môi trường của thành phố. Viễn thông và công nghệ thông minh (ICT) đóng vai trò quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công cụ hỗ trợ đa dạng và đơn giản hóa việc sử dụng như hỗ trợ kết nối giữa các nhà quản lý thành phố, người dân và các bên liên quan khác.

Bảy lĩnh vực:

Giao thông xanh: Giao thông xanh trong khái niệm này tập trung vào việc cải thiện sự di chuyển của người dân, ưu tiên thúc đẩy đi bộ, đi xe đạp, giao thông công cộng hiệu quả. Các yếu tố chính của giao thông xanh bao gồm: thúc đẩy tích hợp đa phương tiện trong quy hoạch giao thông vận tải, thúc đẩy sử dụng rộng rãi các mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư và hình thành hệ thống giao thông phân tán với công nghệ phát thải thấp hoặc bằng không, nhiên liệu xanh, ô tô điện và thông minh.

Nông nghiệp đô thị xanh: Khoảng cách xa để vận chuyển và phân phối thực phẩm đến người tiêu dùng sẽ làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính của vận chuyển hàng hóa. Do đó, trong khu vực đô thị cần quy hoạch vùng sản xuất để quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ thực phẩm gần thị trường tiêu dùng; giúp rút ngắn chuỗi cung ứng thực phẩm, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí. Nhiều thành phố đang sử dụng các công nghệ mới để phát triển và sản xuất thực phẩm trên mái nhà của các tòa nhà và trong các trang trại xanh thẳng đứng.

Chất lượng môi trường và an ninh nguồn nước: Chất lượng môi trường trong khái niệm thành phố xanh tập trung vào việc áp dụng các thực hành xanh để giữ và cải thiện chất lượng nước, không khí và chất lượng đất theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng môi trường. Tiết kiệm, tích trữ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước là biện pháp mà các thành phố xanh có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh nước.

Công nghệ thông tin, truyền thông thông minh và công nghệ xanh: Công nghệ thông tin và truyền thông trong khái niệm này bao gồm: toàn bộ các công nghệ viễn thông liên quan và các công cụ thông minh thuận lợi cho việc sử dụng ở lĩnh vực công cộng và tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp, quản lý và thực hiện các hành động cải thiện tổng hiệu quả môi trường và kinh tế - xã hội. Công nghệ xanh trong khái niệm này cũng bao gồm tất cả các công nghệ và thực hành dẫn đến cải thiện hiệu quả sản xuất, tiêu thụ và sử dụng năng lượng.

Xây dựng xanh: Lĩnh vực xây dựng là một trong ba lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất của các thành phố. Các yếu tố chính của lĩnh vực này bao gồm việc sử dụng các phương pháp quản lý nước mưa bền vững ở các khu vực đô thị khi xây dựng các tòa nhà mới và trang bị thêm các khu dự trữ nước mưa cho các tòa nhà hiện có; sử dụng nhãn năng lượng tòa nhà và chứng chỉ hiệu quả năng lượng để cải thiện hiệu suất năng lượng trong xây dựng; tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải xây dựng, cùng với việc áp dụng công nghệ và phương pháp tháo dỡ các công trình xây dựng.

Dịch vụ công cộng xanh: Thuật ngữ dịch vụ công cộng xanh hoặc xanh hóa các dịch vụ công được sử dụng để chỉ các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo trong các dịch vụ công cộng như: nước uống, nước thải, chất thải rắn, năng lượng, v.v. Một trong các yếu tố quan trọng khác là việc sử dụng các biện pháp làm tăng khả năng phục hồi vật lý của hệ thống cơ sở hạ tầng thích ứng với các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai.

Cơ sở hạ tầng xanh: Cơ sở hạ tầng xanh chủ yếu liên quan đến hệ thống nước mưa, tập trung vào việc xây dựng các hệ thống thu hồi nước mưa mới hoặc cải tạo các hệ thống hiện có để có thể giảm lũ lụt ở khu vực thấp và cải thiện chất lượng nước của các thủy vực tiếp nhận nước. Các yếu tố quan trọng trong nội dung này là việc sử dụng các phương pháp thấm, bay hơi, làm chậm hoặc giữ lại một phần nước mưa gần nguồn; xây dựng hệ thống tích trữ nước mưa mới hoặc bổ sung thêm cho các hệ thống hiện có để tăng diện tích mặt nước; cải thiện cảnh quan khu vực và tạo ra các không gian đa chức năng cho việc bảo tồn môi trường sống của động vật hoang dã đô thị và mục tiêu giải trí; thúc đẩy việc xây dựng mái nhà xanh, mặt tiền xanh, hành lang xanh, đất ngập nước có hoặc không có hồ điều hòa, cá công viên đô thị và sử dụng vật liệu bán thấm hoặc thấm hoàn toàn nước.

Như vậy, khung khái niệm thành phố xanh với 4 chủ đề và 7 lĩnh vực đã đưa ra một khung khái niệm trong đó hiệu quả năng lượng trong tất cả các hoạt động của thành phố sẽ giúp quản lý việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần cải thiện hiệu quả môi trường, tính bền vững và khả năng đáng sống của thành phố.

  1. Phương pháp đánh giá thành phố xanh

Khung khái niệm thành phố xanh nêu trên đã đưa ra phương pháp đánh giá thành phố xanh theo chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu. Chỉ số này được đánh giá và định lượng dựa trên 2 yếu tố là hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội. Mỗi chỉ số gồm nhiều chỉ thị, có giá trị trọng số riêng khác nhau (Bảng 1).

Bảng 1. Bộ chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu

Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội - Ảnh 2
Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội - Ảnh 3

Dựa vào Bảng 1, từ các số liệu thu thập được của từng chỉ thị nhân với trọng số để có được kết quả là chỉ số thành phố xanh hay chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu.

  1. Một số tính toán thành phố xanh

Áp dụng chỉ số “Hiệu quả thành phố xanh” (Bảng 1), Brilhante cùng cộng sự [3] đã tính toán chỉ số thành phố xanh cho 50 thành phố tên thế giới (Hình 2). Theo kết quả tính toán chỉ số thành phố xanh, 50 thành phố được chia thành 3 nhóm, trong đó: nhóm 1  có chỉ số thành phố xanh cao (30 đến gần 35), nhóm 2 có chỉ số thành phố xanh trung bình (trên 20 đến 30) và nhóm 3 có chỉ số thành phố xanh thấp (trên 17 đến trên 20).  

Hình 3 thể hiện mối tương quan giữa các chỉ thị và chỉ số thành phố xanh. Chỉ thị vệ sinh, chất lượng không khí, nước và giao thông vận tải có mối tương quan cao nhất với chỉ số thành phố xanh. Vệ sinh và chất lượng không khí là hai lĩnh vực có hệ số tương quan cao nhất với chỉ số thành phố xanh, lần lượt là 0,71 và 0,70. Vì lĩnh vực chất lượng không khí chỉ có một chỉ thị (PM10), vậy riêng chỉ thị này đã quyết định 70% chỉ số thành phố xanh.

Huang và cộng sự năm 2023 [8] đã đánh giá chỉ số thành phố xanh cho 36  thành phố ở Trung Quốc sử dụng tổng hợp nhiều chỉ thị và phương pháp trong nghiên cứu của Brilhante và cộng sự [2,3]. Theo đó, chỉ số thành phố xanh của Trung Quốc được chia thành 4 nhóm như sau: Loại-A (chỉ số ≥80), Loại-B thành phố xanh (70 ≤ chỉ số<80), Loại-C (60≤ chỉ số thành phố xanh<70) và Loại-D (chỉ số thành phố xanh<60), chỉ số càng cao thể hiện mức độ thành phố xanh càng cao. Kết quả của nghiên cứu của Huang và cộng sự [8] (Hình 4) chỉ ra rằng: không có thành phố nào của Trung Quốc có chỉ số thành phố xanh thuộc loại A, 3 thành phố thuộc loại B, 24 thành phố loại C và 9 thành phố loại D, trong đó thủ đô Bắc Kinh thuộc loại B với 70,95 điểm. So với kết quả chỉ số thành phố xanh tính theo chỉ số của ASEAN thì Bắc Kinh ở mức trung bình [7].

Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội - Ảnh 4
Hình 2. Chỉ số thành phố xanh của 50 quốc gia theo tính toán của Brilhante. (Chỉ số thành phố xanh)
Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội - Ảnh 5
Hình 3. Mối tương quan giữa các chỉ thị đến chỉ số thành phố xanh.
Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội - Ảnh 6

Hình 4. Chỉ số thành phố xanh của 36 thành phố ở Trung Quốc

  1. Hà Nội với định hướng thành phố xanh

Theo báo cáo của Siemens [7] Hà Nội có chỉ số thành phố xanh đánh giá theo hiệu quả môi trường năm 2011 là dưới mức trung bình. Đánh giá hiệu quả theo từng tiêu chí thì: năng lượng và CO2 xếp mức trung bình; sử dụng đất và xây dựng ở dưới mức trung bình nhiều; giao thông ở mức dưới trung bình; chất thải ở mức trung bình; nước ở mức dưới trung bình; vệ sinh ở dưới mức trung bình nhiều; chất lượng không khí ở mức trung bình và quản trị môi trường ở mức dưới trung bình nhiều [7].

Như vậy, khái niệm “thành phố xanh” còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau; trong đó phần lớn hiểu là không gian, cây xanh, mặt nước mà chưa thực sự gắn với quan điểm phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Bộ Xây dựng bước đầu đưa ra Thông tư 01/2018/TT-BXD [9]: quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh với các tiêu chí về môi trường, kinh tế, xã hội và thể chế. Tuy nhiên, thông tư này chỉ mới chỉ đánh giá ở mức độ riêng lẻ của từng tiêu chí mà chưa có phương pháp để đánh giá tổng hợp để tính đến một kết quả cuối cùng. Các nội dung trong thông tư đã được đề cập trong Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường [10]: “về báo cáo công tác bảo vệ môi trường”. Hà Nội cũng đã có một loạt các biện pháp về quản lý, chính sách, công nghệ,…[11] với nhiều tiêu chí đặt ra để định hướng tới mục tiêu thành phố xanh vào năm 2050, tuy nhiên theo Khung khái niệm thành phố xanh và Bộ chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu đang được sử dụng ở các quốc gia trên thế giới; nhiều chỉ thị thành phố xanh đạt được vẫn còn rất thấp. Ví dụ. như: đảm bảo diện tích cây xanh bình quân đầu người đạt khoảng 10 - 12 m2 kể từ năm 2020 trở về sau, trong khi thực tế tỷ lệ này ở năm 2022 là 2m2/người. Do đó, Hà Nội nên cân nhắc Khung hiệu quả thành phố xanh và Bộ chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu để đạt mục tiêu xây dựng thành phố xanh theo Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thời điểm thực hiện và hoàn thành “Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do UBND thành phố Hà Nội theo Luật Quy hoạch năm 2017.

  1. Kết luận và kiến nghị

Thành phố xanh là tương lai hướng tới của các thành phố trên thế giới và là mục tiêu của thành phố Hà Nội cần đạt vào năm 2050. Với quan niệm thông dụng hiện nay trên thế giới về Khung khái niệm thành phố xanh và Bộ chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu cần quan tâm tới 4 chủ đề và 7 lĩnh vực trong việc quy hoạch và quản lý phát triển của thành phố. Thành phố Hà Nội hiện nay theo các tiêu chí và tính toán về bộ chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu đang ở xếp vào loại trung bình thấp. Phần lớn các chủ đề và các lĩnh vực liên quan đến Khung khái niệm thành phố xanh chưa được quan tâm trong quy hoạch phát triển thành phố Hà Nội thời gian qua.

Hà Nội đang có cơ hội lớn để xây dựng thành phố xanh vào năm 2050 theo mục tiêu của Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn xây dựng và thông qua Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017; cũng như thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc cấp thiết đối với các cơ quan khoa học và quản lý thành phố Hà Nội hiện nay là xây dựng và ban hành một bộ chỉ số thành phố xanh dựa theo Khung khái niệm thành phố xanh và Bộ chỉ số hiệu quả thành phố xanh toàn cầu; cũng như các các tiêu chí đã được đề cập trong các quyết định và thông tư của các bộ, ngành như Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Quyết định Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 222/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 02 năm 2012.

[2] Brilhante, O. & Skinner, J. Making Asian Cities Greener: A Tool to Measure Environmental Performance Over Time and a Method to Implement a Green City Action Plan. Highlights Sustain.1, 113–128 (2022).

[3] Brilhante, & Klaas, J. Green city concept and a method to measure green city performance over time applied to fifty cities globally: Influence of GDP, population size and energy efficiency. Sustain.10, (2018).

[4] Shafique, M. & Kim, R. Retrofitting the Low Impact Development Practices into Developed Urban areas Including Barriers and Potential Solution. Open Geosci.9, 240–254 (2017).

[5] Mitchell, M. & Roca Iglesias, A. Urban agriculture in Kathmandu as a catalyst for the civic inclusion of migrants and the making of a greener city. Archit. Res.9, 169–190 (2020).

[6] Hakim & Endangsih, T. Evaluation of Environmental Performance Using the Green City Index in Depok City, Indonesia. in Journal of Physics: Conference Series 1625 (2020).

[7] Asian Green City Index. http://www.thecrystal.org/assets/download/Asian-Green-City-Index.pdf (2011).

[8] Huang, W. et al. Evaluating green city development in China using an integrated analytical toolbox. Clean. Prod.400, (2023).

[9] Thông tư Bộ Xây dựng, số 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng nhanh, ngày 05/01/2018.

Thông tư Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 19/2016/TT-BTNMT ngày 24/08/2016.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Báo cáo Hiện trạng môi trường Hà Nội 2016 - 2020.

Nghị quyết của Bộ Chính trị, số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 05/05/2022.

Lưu Đức Hải1[*], Nguyễn Thị Diễm Hằng2, Nguyễn Thùy Linh1,3

1Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

2Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

3Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Thành phố xanh: Khái niệm, tiêu chí và phương pháp đánh giá áp dụng cho Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới