Chủ nhật, 24/11/2024 05:00 (GMT+7)
Thứ hai, 21/09/2020 07:45 (GMT+7)

Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều lo lắng?

Theo dõi KTMT trên

Mục tiêu đến năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ đạt 50%. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu sử dụng tiền mặt.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỉ lệ sử dụng tiền mặt còn cao.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã giảm chi phí, có lợi cho người mua sắm tiết kiệm thời gian, công sức khi thanh toán… cũng như đảm bảo quá trình giao dịch an toàn hơn. Tốc độ thanh toán nhanh hơn, xác thực dễ dàng và linh hoạt. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng có thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn còn cao. Thậm chí còn e dè khi tiếp cận với phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

“Tôi nhận lương qua thẻ ATM, cũng có thẻ dùng để quẹt khi đi mua sắm, nhưng vẫn thường sử dụng tiền mặt để thanh toán nhiều hơn. Bởi vì thói quen dùng từ xưa đến nay rồi, vẫn quen như vậy nên tôi cũng ngại thay đổi. Ví dụ như vào quán ăn bát bún, bát phở thì phải trả tiền mặt chứ dùng các phương tiện thanh toán hiện đại cũng khó. Hơn nữa là rất lo ngại những vấn đề về bảo mật hoặc là vấn đề về lãi suất cao khi dùng thẻ tín dụng” - chị Nguyễn Hồng Lam ở quận Hà Đông, Hà Nội nói.

Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều lo lắng? - Ảnh 1
Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều trở ngại. (Ảnh: KT)

Việt Nam hiện có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán đã cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet và điện thoại di động thông minh. Riêng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm nay tăng trên 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.

Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cho đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt như mong muốn, có lẽ là vì vấn đề cơ sở pháp lý của chúng ta chưa hoàn thiện, mặc dù chúng ta có những quy định của Nghị định của Chính phủ, thế nhưng một cơ sở pháp lý, Luật về thanh toán không dùng tiền mặt thì hiện tại chúng ta chưa có. Cùng với đó, thói quen tiêu tiền mặt còn phổ biến trong nhân dân…

Nguyên nhân của tình trạng này là do hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp, người dân nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho hay, việc doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa có sự đồng bộ về hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt là dịch vụ công. Do đó cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược tài chính toàn diện đến 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ.

“Rà soát lại, hoàn thiện các Nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, hay là các thông tư mà hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán định danh xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử. Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thuế để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đảm bảo việc kiểm soát được các hoạt động liên quan đến trốn thuế” - bà Nguyễn Thị Hải Bình nêu ý kiến.

Để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng dịch vụ và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo sự phát triển bứt phá. Các ngân hàng thương mại tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính-thanh toán an toàn, hợp lý. Đồng thời, để tạo niềm tin cho khách hàng thì xây dựng quy định pháp luật bảo vệ người sử dụng dịch vụ để đề phòng rủi ro trong thanh toán tiêu dùng.

Thu Hằng

Bạn đang đọc bài viết Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều lo lắng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới