Chủ nhật, 24/11/2024 09:50 (GMT+7)
Thứ tư, 29/04/2020 14:40 (GMT+7)

Thanh tra hoạt động xuất khẩu gạo, có hay không trục lợi?

Theo dõi KTMT trên

Thanh tra chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý xuất khẩu gạo sau khi xảy ra nhiều lùm xùm, doanh nghiệp phản ánh có dấu hiệu kém minh bạch thông tin, trục lợi khi hạn mức xuất khẩu gạo tháng 4 chỉ có 400.000 tấn.

Thanh tra hoạt động xuất khẩu gạo, có hay không trục lợi? - Ảnh 1
Thanh tra hoạt động xuất khẩu gạo, có hay không trục lợi?

Ngày 29/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Buổi công bố quyết định thanh tra có sự tham dự của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và một số đơn vị liên quan.

Trước đó, ngày 24/4, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký Quyết định số 305 về thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1 đến 31/5/2020, nhưng đoàn thanh tra xét thấy cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định). Đoàn thanh tra này do ông Lê Quang Tiệp, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ, làm Trưởng đoàn.

Quyết định thanh tra này được đưa ra sau khi hoạt động xuất khẩu gạo bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, thời tiết diễn biến thất thường nên Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo phải ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, không để thiếu gạo, phục vụ đời sống nhân dân trong mùa dịch.

Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Sau khi có Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ánh lên Bộ Công Thương về những bất cập khi không thể đăng kí tờ khai hải quan, tờ khai bị xoá trên hệ thống, bất cập khi không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai hoặc không tiếp cận được hệ thống. Với hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ có 400.000 tấn nên nhiều doanh nghiệp phải “chen chân” để có thể đăng kí tờ khai, xuất được gạo khi hàng hoá đã tập kết và bị ách tắc trên kho cảng từ lâu.

Ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính công bố danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết về việc thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu.

Đại diện Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong thời gian từ 0h-6h15 ngày 12/4/2020, đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu với số lượng gạo đã đăng ký trên tờ khai xuất khẩu là 399.989 tấn, gần hết hạn mức được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Đối với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (143.453 tấn). Số lượng xuất khẩu gạo sẽ trừ vào hạn ngạch tháng 5/2020.

Trước những lùm xùm bất cập trong cách điều hành gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có liên quan đến chỉ đạo của Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, ngày 20/4, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo vào lúc "nửa đêm"; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đề nghị điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu 400.000 tấn gạo thuộc hạn ngạch tháng 4; đề nghị xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra hoạt động xuất khẩu gạo, có hay không trục lợi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới