Chủ nhật, 24/11/2024 08:00 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/01/2022 07:06 (GMT+7)

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu

Theo dõi KTMT trên

Với đa dạng nhiều nền văn hóa khác nhau, thế giới đang cùng vẫy chào tạm biệt một năm đã qua và đón chào một năm mới đến bằng những phong tục và truyền thống độc đáo. Nhiều nước trên thế giới chào đón năm 2022 bằng những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu.

Quốc gia nào đón năm mới đầu tiên?

Đảo Tonga ở Thái Bình Dương là nơi đầu tiên đón năm mới 2022 nơi ngày 1/1/2022 bắt đầu lúc khoảng 17h00 chiều 31/12/2021, giờ Việt Nam. Điều này có nghĩa là người Việt Nam sẽ đón thời khắc đầu tiên của năm mới 2022 sau đó 7 tiếng đồng hồ. 

Được biết, châu Đại Dương là khu vực đón năm mới đầu tiên trên thế giới. Trong đó, khoảnh khắc giao thừa 2021-2022 sẽ tới đầu tiên ở 3 địa điểm: Samoa, Tonga và đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati. 

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu - Ảnh 1
Đảo Tonga ở Thái Bình Dương là nơi đầu tiên trên thế giới đón năm mới 2022. (Ảnh: CNN)

Cũng thuộc top đón Tết Dương lịch sớm nhất là New Zealand và Australia, chỉ "chậm chân" hơn Samoa 1 tiếng đồng hồ. Lúc đó, ở Việt Nam mới là 18h ngày cuối cùng của năm 2021. Cùng với Việt Nam, các nước láng giềng có cùng thời điểm gồm Thái Lan, Lào, Campuchia.

Quốc gia nào đón năm mới cuối cùng?

Trong vòng 24 giờ, năm mới sẽ đi trọn một vòng Trái đất. Nơi cuối cùng bước sang năm 2022 là đảo Baker và đảo Howland của Mỹ, tuy nhiên sẽ không có ai đốt pháo hoa ăn mừng ở đây vì các đảo này không có cư dân nào sinh sống. Xếp thứ 2 trong danh sách đón năm mới muộn là quần đảo American Samoa thuộc Mỹ, nằm phía bên kia của đường đổi ngày quốc tế so với Samoa, chỉ cách nơi đầu tiên đón năm mới vỏn vẹn 164 km. Cụ thể, vùng lãnh thổ này sẽ đón năm mới vào lúc 11 giờ sáng ngày 1/1 theo giờ GMT (tương đương 18 giờ Việt Nam).

Phong tục đón năm mới trên toàn thế giới

Gạt bỏ những mối lo ngại về dịch Covid-19 vẫn đang lây lan trên toàn cầu, người dân thế giới đã bắt đầu đón mừng Năm mới 2022 trong không khí hân hoan với nhiều hy vọng dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt và nhịp sống sôi động sẽ trở lại bình thường.

Tại châu Âu, nơi có gần một triệu người thiệt mạng vì virus corona trong 12 tháng qua, các buổi hòa nhạc truyền thống và bắn pháo hoa chào đón năm mới 2022 đã bị hủy bỏ ở hầu hết các thành phố lớn, gồm cả London (Anh), Zurich (Thụy Sĩ), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ), Warsaw (Ba Lan) và Rome (Italia).

Tại Pháp, đây là năm thứ 2 liên tiếp, người dân Pháp sẽ phải đón một năm mới trong bầu không khí "không trọn vẹn". Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại Pháp, hầu như tất cả các hoạt động văn hóa, lễ hội chào đón Năm mới 2022 sẽ bị hạn chế một cách tối đa. Các địa điểm bắn pháo hoa nơi công cộng để chào đón giao thừa đêm 31/12 đều đã bị cấm, đặc biệt tại đại lộ Champs-Élysées ở trung tâm thủ đô Paris.

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu - Ảnh 2
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người dân Pháp sẽ phải đón một năm mới trong bầu không khí "không trọn vẹn".

Đêm giao thừa năm nay, nhà chức trách Pháp không áp đặt lệnh giới nghiêm nhưng cũng ra lệnh cho tất cả các nhà hàng, quán bar chỉ được mở cửa đến 2h sáng ngày 1/1.

Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích thực hiện các xét nghiệm liên tục trước khi tham gia các bữa tiệc mừng năm mới, bằng tất cả các hình thức như tự xét nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh mua trong các siêu thị, xét nghiệm kháng nguyên tại các hiệu thuốc hoặc chắc chắn nhất là xét nghiệm bằng phương pháp PCR tại các trung tâm y tế.

Đáng chú ý, tại Paris, các lệnh hạn chế liên tiếp được bổ sung trước lễ mừng năm mới. Từ ngày 31/12, toàn bộ người dân Paris bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, trừ trẻ em dưới 11 tuổi. Các hoạt động tụ tập nhảy múa hoặc sử dụng đồ uống có cồn tại các địa điểm công cộng, đặc biệt quanh hai bờ sông Seine, cũng bị cấm. Khoảng 9.000 cảnh sát và quân đội sẽ được chính quyền Paris huy động để tuần tra thường xuyên các tụ điểm tập trung đông người và những người vi phạm các quy định sẽ bị phạt 135 euro.

Tại Mỹ, một quả cầu pha lê đã được lắp đặt tại Quảng trường Thời đại, New  York, Mỹ. Trong truyền thống có từ hơn 100 năm trước, quả cầu pha lê sẽ được thả từ đỉnh chiếc cột cao 23,5 mét đặt trên nóc tòa nhà One Time Square vào đúng khoảnh khắc năm mới.

Quãng thời gian hạ của quả cầu kéo dài tròn một phút và xuống chân cột đúng vào lúc 0h00 của năm mới. Một bảng điện tử bên dưới quả cầu hiển thị số đếm ngược để mọi người cùng đếm tới thời khắc chuyển giao giữa hai năm.

Do ca Covid-19 tăng đột biến, điểm đón giao thừa nổi tiếng thế giới này sẽ phải hạn chế số người tụ tập từ 58.000 xuống 15.000 để đảm bảo giãn cách. Theo đó, sự kiện năm nay sẽ chỉ có quy mô bằng 1/4 so với thông thường, trong khi người tham dự được yêu cầu phải đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp giãn cách và phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19.

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu - Ảnh 3
Sydney (Australia) đón chào khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, bằng màn pháo hoa ngoạn mục. (Ảnh: Reuters)

Tại châu Á, các buổi lễ mừng năm mới chủ yếu phải thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng. Ở Hàn Quốc, lễ rung chuông truyền thống vào đêm giao thừa đã buộc phải hủy bỏ trong năm thứ hai liên tiếp, khi nhà chức trách gia hạn các quy định giãn cách nghiêm ngặt trong vòng 2 tuần để đối phó với tình trạng gia tăng liên tục các ca nhiễm mới.

Tương tự, sẽ không có những màn chào mừng năm mới náo nhiệt tại khu Shibuya sầm uất của thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Thủ tướng Kishida Fumio đã lên mạng xã hội để kêu gọi người dân đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập trong các bữa tiệc mừng năm mới.

Theo thông lệ, người dân Nhật Bản thường đến thăm các đền chùa từ đêm 31/12 năm cũ đến ngày 3/1 đầu năm sau để cầu nguyện cho một năm sắp tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, các đền thờ tại Nhật Bản đã đề nghị người dân đến sớm hơn để tránh tình trạng đông đúc.

Ở Trung Quốc, một số địa phương đang trong tình trạng báo động cao vì dịch bệnh, với thành phố Tây An đang tiến hành phong tỏa, trong khi nhiều sự kiện chào năm mới ở các thành phố khác đã bị hủy bỏ.

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu - Ảnh 4
Pháo hoa rực sáng trong lễ đón năm mới ở Bangkok, Thái Lan trên bờ sông Chao Phraya. (Ảnh: Reuters)

Tại Đông Nam Á, nhà chức trách thủ đô Jakarta, Indonesia đã lên kế hoạch đóng cửa 11 tuyến đường thường thu hút đông đảo người dân vào đêm giao thừa đón năm mới. Malaysia cũng cấm các cuộc tụ tập đông người trên phạm vi toàn quốc và hủy bỏ màn bắn pháo hoa thường niên ở tháp đôi Petronas.

Trong khi đó, không khí đón năm mới tại Việt Nam khá trầm lắng khi các chương trình bắn pháo hoa không được tổ chức. Nhiều người dân TP.HCM xuống đường dự lễ đếm ngược đón năm mới. TP.HCM tổ chức chương trình Countdown chào đón Tết Dương lịch 2022 tại một điểm duy nhất trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (trước tòa nhà Sunwah) và không tổ chức trên đường Lê Duẩn như thường niên. Hoạt động diễn ra từ 22 giờ ngày 31/12 đến 0 giờ 10 phút ngày 1/1/2022.

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu - Ảnh 5
Chương trình Countdown chào đón Tết Dương lịch 2022 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: Báo Dân tộc)

Riêng tại Thủ đô Hà Nội, không khí đón năm mới 2022 tại nhiều khu vực trung tâm như hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền Plaza, nhà hát Lớn, phố cổ... vắng vẻ do thành phố năm nay không tổ chức bắn pháo hoa và các sự kiện đếm ngược đón năm mới.

Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu - Ảnh 6
Không khí đón năm mới vắng lặng tại Hà Nội. (Ảnh: tuoitre.vn)

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thế giới chào đón năm mới 2022 bằng những phong tục độc đáo và pháo hoa rực rỡ sắc màu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới