Chủ nhật, 24/11/2024 06:08 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/08/2020 12:30 (GMT+7)

Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles

Theo dõi KTMT trên

La Nina sẽ quay trở lại vào mùa thu năm nay, cháy rừng ở phía Bắc hạt Los Angeles thiêu rụi hơn 4.000 ha rừng khiến hàng trăm người phải di tản... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

La Nina có thể trở lại vào mùa thu năm nay

Trung tâm dự báo khí tượng Quốc gia Mỹ cho biết, có thể sẽ xuất hiện La Nina vào khoảng tháng 8-10 và dự kiến ​​kéo dài đến hết mùa Đông năm 2020-2021.

Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles - Ảnh 1
Khi La Nina xuất hiện thì mùa Đông rất lạnh và sẽ gây ra hàng loạt các cơn bão khủng khiếp. (Ảnh minh họa)

Có khoảng 60% khả năng La Nina sẽ xuất hiện trong mùa thu tại Bắc bán cầu, với 55% khả năng mô hình này sẽ tiếp tục đến hết mùa đông năm 2020-2021.

Hiện tượng La Nina thuộc dòng biển lạnh làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua.

La Nina gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan đáng sợ trên toàn cầu như: lũ lụt vào mùa xuân, tuyết rơi kỷ lục vào mùa đông, hạn hán vào mùa hè... Ngoài ra, nó còn gây ra hàng loạt cơn bão và siêu bão cũng như bão tuyết khủng khiếp đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Hiện tượng thời tiết xuất hiện lần cuối vào tháng 11 năm 2017 và kéo dài đến đầu năm 2018.

Hàng trăm hộ dân phải sơ tán do cháy rừng ở Los Angeles

Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles - Ảnh 2
Lực lượng cứu hỏa tham gia chữa cháy tại Los Angeles. (Ảnh: AP)

Ngày 12/8, chính quyền bang California đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp khoảng 500 hộ dân do cháy rừng lan nhanh ở phía Bắc hạt Los Angeles, thiêu rụi hơn 4.000 ha rừng chỉ trong một buổi chiều.

Theo Sở Cứu hỏa hạt Los Angeles, đám cháy có tên gọi Lake Fire bắt đầu bùng phát vào chiều 12/8 (theo giờ địa phương) ở gần khu vực Lake Hughes trong khuôn viên Rừng quốc gia Angeles (cách thành phố Los Angeles khoảng 90 phút lái xe).

Chỉ trong hơn 3 giờ đồng hồ, diện tích rừng bị cháy đã tăng từ 20 lên đến hơn 4.000 ha. Khói bốc lên từ đám cháy có thể nhìn thấy từ cách đó hàng km. Hơn 300 lính cứu hỏa đã được huy động với sự trợ giúp của trực thăng và máy bay chuyên dụng.

Nhiều cơ quan chức năng cũng tham gia hỗ trợ lực lượng cứu hỏa dập lửa. Trên mạng xã hội Twitter, lực lượng chức năng Los Angeles thông báo cảnh sát địa phương đang tiến hành sơ tán cư dân trong khu vực.

Những năm gần đây, cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn ở bang California và ở phạm vi rộng hơn, nguyên nhân một phần do biến đổi khí hậu. Tháng 11/2018, khu vực phía Bắc California hứng chịu vụ cháy rừng Camp Fire nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang này khiến 86 người thiệt mạng.

Đập Tam Hiệp hứng chịu đợt lũ thứ tư

Theo công văn được Uỷ ban thủy lợi Trường Giang (Trung Quốc) ban bố rạng sáng 14/8 cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các tỉnh thành nằm trên dòng chảy sông Trường Giang cần tăng cường công tác dự báo lũ lụt và đưa ra các cảnh báo sớm.

Ngoài ra, đơn vị phụ trách quản lý đập Tam Hiệp cũng cần chú ý lưu lượng nước chảy vào các hồ chứa tại đây.

Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles - Ảnh 3
Đập Tam Hiệp xả lũ hôm 29/6. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Uỷ ban thủy lợi Trường Giang dự báo, lưu lượng sông Trường Giang chảy qua trạm thủy văn Cuntan tại thành phố Trùng Khánh trong đêm 14/8 có thể sẽ đạt 58.000 m3/giây, và lưu lượng nước chảy vào các hồ chứa của đập Tam Hiệp sáng 15/8 có thể sẽ đạt 59.000 m3/giây.

Trước đó, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc sáng 13/8 thông báo đợt mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 6 tới nay ở nước này đã khiến hơn 63,4 triệu người chịu ảnh hưởng, hơn 54.000 công trình bị phá hủy, 219 người thiệt mạng và mất tích.

Ước tính thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra đã lên tới gần 179 tỉ Nhân dân tệ (hơn 25,7 tỉ USD).

Kinh tế Anh rơi vào suy thoái

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 12/8 cho biết GDP giảm 20,4% quý II so với quý trước, do chính sách phong tỏa ngăn Covid-19.

Đây là quý tệ nhất lịch sử nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Hồi quý I, kinh tế Anh đã co lại 2,2%. Hai quý giảm GDP liên tiếp đã đẩy Anh vào suy thoái về mặt kỹ thuật.

Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles - Ảnh 4
Kinh tế Anh chính thức rao vào suy thoái. (Ảnh minh hoạ)

Mức giảm GDP quý của nước này cũng lớn hơn nhiều so với 12,1% của eurozone và 9,5% của Mỹ. Cả dịch vụ, xây dựng và sản xuất đều giảm kỷ lục trong quý II, đặc biệt tại các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất từ lệnh phong tỏa.

Dù vậy, GDP tháng 6 đã tăng 8,7% nhờ các biện pháp phong tỏa được nới lỏng. Con số này đang cải thiện dần, sau mức giảm 20,4% hồi tháng 4.

"Nền kinh tế đã phục hồi trở lại trong tháng 6, khi các cửa hàng mở lại, nhà máy tăng sản xuất và hoạt động xây nhà tái khởi động", Jonathan Athow – lãnh đạo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh nhận xét, "Dù vậy, GDP tháng 6 vẫn kém xa tháng 2 – thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện".

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý II của Anh giảm 21,7%. Dù vậy, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng lưu ý rằng số liệu ước tính của họ lần này khó chính xác như thường lệ, do việc thu thập thông tin gặp nhiều thách thức.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo quy mô nền kinh tế này chỉ quay lại thời kỳ tiền đại dịch vào quý cuối năm 2021. Tỉ lệ thất nghiệp cũng được dự báo tăng vọt.

Trước Anh, hàng loạt nền kinh tế đã bị đẩy vào suy thoái vì đại dịch. Từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và gần nhất là Philippines.

Thế giới hơn 21,3 triệu ca mắc, 762.283 trường hợp tử vong do Covid-19

Trang thống kê toàn cầu cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 6h00 ngày 15/8/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 21.328.199 ca mắc Covid-19 và 762.283 trường hợp tử vong do đại dịch này.

Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles - Ảnh 5
Dịch Covid-19 đang lây lan và phát triển mạnh trên toàn thế giới. (Ảnh minh hoạ)

Theo số liệu của Worldometer, danh sách 10 quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới bao gồm: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Ấn Độ, (4) Nga, (5) Nam Phi, (6) Peru, (7) Mexico, (8) Colombia, (9) Chile, và (10) Tây Ban Nha.

Trong khi đó, top 10 quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất toàn cầu như sau: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Mexico, (4) Ấn Độ, (5) Anh, (6) Italy, (7) Pháp, (8) Tây Ban Nha, (9) Peru, và (10) Iran.

Châu Mỹ vẫn là trọng điểm số 1 thế giới về đại dịch Covid-19 hiện nay. Còn Ấn Độ và Iran đứng đầu châu Á về cả 3 mặt – tổng số ca mắc Covid-19, tổng số ca tử vong do bệnh này, và số ca mắc mới sau 1 ngày.

Theo Worldometer, Mỹ hiện ghi nhận 5.473.254 ca mắc Covid-19 (tăng 57.588 ca sau 1 ngày) và 171.443 ca tử vong do bệnh này (tăng 1.028 trường hợp sau 1 ngày). Brazil có 3.275.520 bệnh nhân Covid-19, trong đó 106.523 người đã tử vong. Ấn Độ báo cáo 2.525.222 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 65.609 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là 2 ổ dịch Covid-19 lớn nhất của khu vực. Philippines ghi nhận 153.660 ca mắc Covid-19 và 2.442 ca tử vong do bệnh này. Indonesia có số ca mắc Covid-19 thấp hơn một chút (với 135.123 trường hợp) nhưng số ca tử vong do Covid-19 ở Indonesia thì lại cao hơn hẳn Philippines. Cho tới nay, đã có 6.021 người chết vì Covid-19 ở Indonesia.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Thế giới tuần qua: La Nina quay trở lại, hơn 4.000 ha rừng bị cháy rụi tại Los Angeles. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới