Chủ nhật, 24/11/2024 07:59 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/05/2020 12:00 (GMT+7)

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng

Theo dõi KTMT trên

Thế giới tuần qua: Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về ca nhiễm và ca tử vong do dịch bệnh Covid-19. Indonesia ngăn chặn cháy rừng bằng công nghệ mưa nhân tạo....

Thế giới vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19

Theo Worldmometer, tính đến 6h ngày 30/5/2020 (giờ Việt Nam) thế giới có 6.012.571 ca mắc Covid-19 và 366.137 trường hợp tử vong do bệnh này.

10 quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới hiện nay lần lượt là: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Nga, (4) Tây Ban Nha, (5) Anh, (6) Italy, (7) Pháp, (8) Đức, (9) Ấn Độ, và (10) Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn xét về số ca tử vong do Covid-19, 10 nước đứng đầu thế giới gồm: (1) Mỹ, (2) Anh, (3) Italy, (4) Pháp, (5) Brazil, (6) Tây Ban Nha, (7) Bỉ, (8) Mexico, (9) Đức, và (10) Iran.

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng - Ảnh 1
Đưa bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở New York (Mỹ) lên xe lạnh. (Ảnh: AFP)

Mỹ vẫn đang là ổ dịch số 1 thế giới khi đứng đầu cả 2 danh sách này. Cụ thể, nước này ghi nhận 1.791.397 ca mắc Covid-19 và 104.477 trường hợp tử vong do bệnh này.

Tại khu vực Đông Nam Á, các điểm nóng đáng chú ý về Covid-19 là Singapore (33.860 ca mắc, 611 tử vong), Indonesia (25.216 ca mắc, 1.520 tử vong), Malaysia (7.732 ca mắc, 115 tử vong), và Thái Lan (3.076 ca mắc, 57 tử vong).

Hiện nay đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Đầu tư năng lượng toàn cầu giảm kỷ lục do khủng hoảng Covid-19

Ngày 27/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đầu tư năng lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 20% ​​tương đương 400 tỉ USD vào năm 2020. Đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử, do sự bùng phát Covid-19.

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng - Ảnh 2
Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế trao đổi với giới truyền thông trong Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF). (Ảnh: Reuters)

Theo IEA, sự suy giảm đầu tư này diễn ra “một cách đáng kinh ngạc về cả quy mô và tốc độ” sẽ tác động đến mọi lĩnh vực chính, từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá đến các nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng sạch bao gồm năng lượng gió và mặt trời. Nhưng đáng nói, sự suy giảm đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ năng lượng sạch có thể làm suy yếu quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững.

Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA cho biết: “Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 mang lại lượng khí thải CO2 thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đạt được mức giảm phát thải toàn cầu lâu dài, thì chúng ta sẽ cần phải thấy sự gia tăng nhanh chóng trong đầu tư năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu”.

Giám đốc điều hành của IEA cũng bày tỏ lo ngại hiệu ứng lâu dài của đầu tư giảm này có thể mang lại những tác động nghiêm trọng đối với an ninh nhiên liệu trong tương lai, như thiếu hụt nguồn cung trong những năm tới và quá trình chuyển đổi CO2 thấp khi nhu cầu được phục hồi ngay sau đó.

Kinh tế của Mỹ suy giảm mạnh, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao.

Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong quý I đã chính thức giảm 5%. Đây được đánh giá là mức sụt giảm theo quý lớn nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong quý II - giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh nhất ở Mỹ, GDP được dự báo sẽ giảm sâu tới 40% khi các lệnh giới nghiêm được áp dụng trên toàn đất nước. Mức suy giảm này là điều tồi tệ nhất mà lịch sử nước Mỹ từng chứng kiến.

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng - Ảnh 3
Nền kinh tế Mỹ lao dốc tồi tệ, hơn 40 triệu lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp.

Bộ Lao động Mỹ cũng vừa cho biết đã có thêm 2,1 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước. Như vậy, trong 10 tuần qua, đã có hơn 40 triệu lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, tương đương 25% lực lượng lao động của đất nước này.

Hiện nay, vẫn có nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bật tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai sẽ gây ra những cản trở nghiêm trọng cho việc phục hồi kinh tế.

Khí thải CO2 toàn cầu giảm mạnh trong đại dịch

Theo một báo cáo này đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, các nhà nghiên cứu cho biết, lượng khí thải CO2 tính theo ngày của thế giới giảm tới 17%, trong bối cảnh người dân khắp nơi trên thế giới được yêu cầu ở nhà do đại dịch Covid-19.

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng - Ảnh 4
Khí thải CO2 giảm mạnh trong đại dịch Covid-19.

Nhóm phân tích chính sách phong tỏa của chính phủ 69 nước (thải nhiều khí CO2 nhất), tiếp đó phân tích thay đổi về lượng khí CO2 phát thải từ nhiên liệu hóa thạch mỗi ngày ở từng nước trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.

Theo đó, lượng khí thải mỗi ngày của Trung Quốc giảm 23,9% so với năm ngoái. Các chuyên gia ước tính mức giảm ở Nhật Bản là 26,3% và ở Mỹ là 31,6%.

Theo các nhà khoa học, gần một nửa mức giảm khí thải toàn cầu là nhờ giảm khí thải từ các hình thức giao thông ngoài hàng không, ví dụ như từ xe cộ, tính vào thời điểm phong tỏa rộng nhất là ngày 7/4.

Indonesia ngăn chặn cháy rừng bằng công nghệ mưa nhân tạo

Indonesia đã bắt đầu sử dụng công nghệ mưa nhân tạo để ngăn chặn cháy rừng khi nước này đang chuẩn bị vào mùa khô.

Vào năm 2019, khoảng 3.300 km2 rừng trên đảo Borneo và Sumatra đã bốc cháy. Jakarta đã phải triển khai hơn 9.000 người và 52 máy bay để đối phó.

Tuy nhiên, thời tiết khô ráo khiến việc kiểm soát đám cháy trở nên vô cùng khó khăn. Khói mù từ các vụ cháy là nguyên nhân chính gây ra hơn 200.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp và khiến hơn 1.500 trường học ở Malaysia phải đóng cửa vào năm ngoái.

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng - Ảnh 5
Ảnh minh họa. (Nguồn: thenewstribe.com)

Ông Tri Handoko Seto - chuyên gia trong lĩnh vực tạo mưa của Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ Indonesia cho biết, trong hai tuần qua, Indonesia đã bắt đầu sử dụng công nghệ mưa nhân tạo. Trọng tâm ban đầu sẽ là các vùng đất than bùn giàu carbon, những vùng đất dễ cháy khi chúng bị rút nước để trồng trọt.

"Chúng tôi đang thực hiện bước này trước khi đám cháy rừng bắt đầu", Ông Seto cho biết thêm.

Hoạt động này sẽ kéo dài trong suốt mùa khô, dự kiến ​​sẽ kết thúc vào khoảng tháng 9.

Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng - Ảnh 6
Cháy rừng tại Indonesia nhìn từ trên cao. (Ảnh: Bloomberg)

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Thế giới tuần qua: Vượt mốc 6 triệu ca nhiễm Covid-19, mưa nhân tạo ngăn chặn cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới