Chủ nhật, 24/11/2024 05:54 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/01/2021 08:33 (GMT+7)

Thí điểm kiểm tra khí thải ở Hà Nội: Chưa được triển khai trên thực tế

Theo dõi KTMT trên

Đến thời điểm hiện tại chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố” vẫn chưa triển khai theo như đề xuất tháng 9/2020.

Sáng 15/1, đại diện Phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố” vẫn chưa được triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội.

Thí điểm kiểm tra khí thải ở Hà Nội: Chưa được triển khai trên thực tế - Ảnh 1
Hà Nội vẫn chưa triển khai thí điểm kiểm tra khí thải xe máy so với dự kiến đưa ra từ tháng 9 đến tháng 12/2020.

“Sở TN&MT Hà Nội đã trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố” lên UBND TP.Hà Nội, sau khi UBND TP.Hà Nội có văn bản phê duyệt xuống lần thứ nhất, phía đơn vị vẫn cần phải xin ý kiến các sở ban ngành. Sau khi sở TN&MT thông nhất các ý kiến đã trình lên thành phố lần 2 , nhưng phía UBND TP.Hà Nội vẫn chưa có văn bản xuống Sở TN&MT nên vẫn chưa triển khai chương trình này. Khi nào bên Sở triển khai và có kết quả thì sẽ thông tin đến cơ quan báo chí”, cán bộ Phòng quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết thêm.

Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2020, Sở TN&MT Hà Nội đề xuất UBND TP.Hà Nội chấp thuận phối hợp với Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố".

Theo dự thảo chương trình này, TP.Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.

Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2-4 triệu đồng/trường hợp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng từ tháng 9-12/2020 với số lượng ước khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.

Như vậy, người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Những chiếc mô tô, xe máy cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng.

Ngoài ra, trong chương trình còn lên kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất để lưu trữ và phối hợp với các công ty tái chế để bảo đảm xe máy cũ được thu hồi và xử lý 100% không tái sử dụng theo quy định.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Chương trình nếu được triển khai sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng từ khí thải xe máy đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Trước đề xuất của Sở TN&MT, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao, các quận và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/9.

Thí điểm kiểm tra khí thải ở Hà Nội: Chưa được triển khai trên thực tế - Ảnh 2
Bộ TN&MT đã đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm (ảnh internet).

Cuối tháng 12/2020, Bộ TN&MT đã đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm. Theo Bộ TN&MT, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (do hiện tượng nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.

"Chúng tôi đưa ra đề nghị trên để các địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình thích hợp khi ban hành quy chuẩn. Trước mắt là vận động người dân tự giác bỏ các loại xe cũ, lạc hậu", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Liên quan đến câu chuyện thí điểm nghiên cứu đo đếm khí thải và hỗ trợ đổi xe, tháng 5/2020  TP.HCM đã thực hiện "Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM". Sau khi kết thúc thí điểm việc kiểm tra khí thải hơn 10.000 xe gắn máy của người dân, đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe gắn máy tại TP.HCM về cơ bản đã hoàn tất và chuyển sang giai đoạn lấy ý kiến phản biện để sớm triển khai trong năm 2021.

Cần thay thế phương tiện cũ nát

TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, trong thời điểm kinh tế khó khăn và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ hợp lý để không ảnh hưởng đến người dân. Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ những xe máy cũ nát thay vào đó là hỗ trợ người dân một số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Số tiền này có thể được trích từ tiền xử phạt những xe vi phạm để hỗ trợ người dân mua chiếc xe khác. “Tôi nghĩ chính sách này rất hợp lý và nhân văn mà lại mang tính thực tế cao. Hơn nữa chúng ta vẫn có thể giám sát được vấn đề ô nhiễm môi, trường mặt khác tạo điều kiện cho người dân”, TS Thủy chia sẻ.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Thí điểm kiểm tra khí thải ở Hà Nội: Chưa được triển khai trên thực tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới