Thị trường mặt bằng bán lẻ có dấu hiệu hồi phục tích cực
Nhiều nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước như: MM Mega Market, AEON Mall, Central Retail, Thế giới di động,… đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2021, khiến nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tăng lên.
Mặt bằng bán lẻ có dấu hiệu hồi phục tích cực
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2022, thị trường mặt bằng thương mại, mặt bằng bán lẻ đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại và siêu thị lớn tăng nhẹ so với quý IV/2021 và tiếp tục giữ ở mức cao khoảng 90-95. Mặt bằng bán lẻ nhà phố, các cửa hàng kinh doanh cũng đã dần mở cửa hoạt động trở lại; tình trạng dừng kinh doanh, sang nhượng cửa hàng không còn xuất hiện phổ biến như các quý trước.
Giá cho thuê mặt bằng thương mại bình quân thị trường trong quý I/2022 tăng nhẹ so với quý IV/2021, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với thời điểm trước dịch Covid-19 diễn ra. Cụ thể, tại Hà Nội, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm khoảng 550.000 đồng/m2/tháng; khu vực trung tâm khoảng 2.500.000 đồng/ m2/tháng. Tại TP.HCM, giá chào thuê hai khu vực trên lần lượt là 850.000 đồng/m2/ tháng và khoảng 3.100.000 đồng/ m2/tháng.
Thêm lực đẩy từ chính sách mở cửa du lịch
Mặc dù thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng đáng kể trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng chiến lược mở rộng quy mô và sự chú trọng đầu tư về trải nghiệm mua sắm của các thương hiệu bán lẻ cho thấy vai trò quan trọng của mô hình cửa hàng trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, việc những nhà bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước liên tục cho ra mắt điểm bán mới với quy mô lớn đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Chuyên gia của Savills nói: “Nhiều thương hiệu quốc tế quan tâm thị trường Việt Nam từ năm 2019, nhưng kế hoạch bị trì hoãn do Covid-19. Hiện những thương hiệu này đang tái khởi động kế hoạch ra mắt”.
Đáng chú ý, từ ngày 15/3, bên cạnh việc mở cửa du lịch, Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày kể từ khi nhập cảnh cho công dân của 13 quốc gia, được xem là một trong những tín hiệu lạc quan với thị trường bất động sản bán lẻ, khi dự báo về lượng khách du lịch tăng, sức tiêu dùng sẽ ngày càng lớn.
Hiện nay, giá thuê mặt bằng bán lẻ đang tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2021, song khách thuê vẫn đang thăm dò.
Đánh giá về mức độ phục hồi, bà Võ Phương Mai, Trưởng bộ phận bán lẻ của CBRE cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường này sẽ chưa có nhiều sự chuyển biến lớn. Giai đoạn này thị trường vẫn còn có sự “dò xét” khi các doanh nghiệp bán lẻ vẫn dành thời gian để khảo sát và đánh giá hiệu quả từ các chính sách mở cửa của Chính phủ.
Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, CBRE dự đoán thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, khi việc tiêm vắc-xin được bao phủ diện rộng, các chính sách mở cửa quốc tế đạt được những hiệu quả nhất định. Cùng với đó, thời điểm cuối năm cũng là dịp các thương hiệu trong nước và quốc tế mở rộng chuỗi kinh doanh, bởi thế thị trường này cũng sôi động trở lại.
Theo bà Mai: “Trong năm nay, dự tính có thêm 4 dự án mới khai trương, đóng góp thêm 137.000 m2 diện tích thực thuê cho thị trường. Đây hầu hết là những dự án có kế hoạch khai trương trong năm 2021 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh”.
Bùi Hằng