Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên phải đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, không để diễn ra tình trạng chuyển nhượng để dự án kéo dài không triển khai.
Hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã trở nên khá sôi động từ cuối năm 2018. Lý giải nguyên nhân là do giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019 theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg tương đương 9,35 US cent/kWh, cao hơn tương đối so với giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 US cent/kWh.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, chi phí sản xuất điện mặt trời có thể đạt trung bình 3,9 US cent/kWh đối với những dự án được vận hành từ năm 2021, giảm 42% so với năm 2019.
Như vậy, ngay cả với mức giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh, hay nổi trên hồ là 7,69 US cent/kWh theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, dù đã thấp đi đáng kể so với tại Quyết định 11/QĐ-TTg, nhưng vẫn được cho là sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, cơ chế mua điện theo giá cố định (FIT) hiện tại ở Việt Nam được nhận định là tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5 - 6,0 US cents/kWh ở Trung Quốc, 4,2 - 5,7 US cents/kWh ở Malaysia... Vì vậy, trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng đổ xô vào đầu tư các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Trong thời gian qua, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Các hoạt động này thực hiện dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê Út.... Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư.
Cũng theo ông Dũng, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bất cứ bảo lãnh nào của Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.
Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.
“Đại gia” Malaysia mua lại cổ phần 5 dự án điện mặt trời tại Việt Nam
Theo thông tin trên trang Nikkei Asia ngày 7/3/2021, Công ty năng lượng tái tạo TNB Renewables trực thuộc Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia TNB dự kiến mua lại 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời áp mái của nhà cung ứng điện mặt trời hàng đầu Singapore - Sunseap Group tại Việt Nam.Theo đó, 5 dự án trong thỏa thuận này đặt tại miền Nam Việt Nam, có tổng công suất 21,6 MW và đã hoàn thành vào tháng 12/2020.
Tập đoàn Sunseap hiện nắm giữ 90% cổ phần trong 5 dự án này. Sau khi hoàn tất việc mua lại vào quý 1 năm nay, Sunseap sẽ sở hữu 51%, trong khi Sun Times Energy JSC, một cổ đông hiện hữu, sẽ tiếp tục nắm giữ 10% vốn chủ sở hữu.
Frank Phuan, Giám đốc điều hành của Sunseap cho biết: “Giao dịch này đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác với TNB, mở đường cho mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa Sunseap và công ty tiện ích hàng đầu của Malaysia, và sự mở rộng của TNB vào ngành năng lượng mặt trời trong khu vực”.
Trước đó, ngày 2/3, đại điện 2 tập đoàn Sunseap và Tenaga đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh để tham gia đấu thầu thử nghiệm kéo dài 2 năm của chính phủ Singapore để nhập khẩu 100 MW điện từ Malaysia. Sunseap hiện đang có nhiều dự án đầu tư lớn ở Singapore, Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Campuchia.
Năm 2020, quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings và ABC World Asia - một quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào khu vực châu Á, đã đầu tư 50 triệu SGD (tương đương 36,8 triệu USD) vào Sunseap. Năm 2019, công ty này đã hoàn thành dự án trang trại năng lượng mặt trời tại Việt Nam trị giá 150 triệu USD - một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Ông Datuk Bahrain Din, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TNB cho biết việc mua lại này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp TNB thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam và mở rộng sang thị trường năng lượng tái tạo và tiện ích đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, TNB không nêu rõ giá mua lại 39% cổ phần trong dự án 21,6 MW và nơi đặt các nhà máy điện mặt trời. Đây được coi như một bước tiến khác nhằm đạt được tham vọng của TNB trong việc phát triển các doanh nghiệp năng lượng tái tạo và điện năng ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, TNB cũng đã có mặt tại các nước Anh, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Pakistan, Ấn Độ và Indonesia, chủ yếu là các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Đến năm 2025, TNB đặt mục tiêu nâng công suất phát điện năng lượng tái tạo lên 8,3 GW.
Thái Lan cũng đầu tư số tiền “khủng”
Năm 2018, tập đoàn B.Grimm Power cũng ghi dấu ấn trong cơn sốt điện mặt trời ở Việt Nam với việc sở hữu các dự án tại Tây Ninh và Phú Yên. B.Grimm Power đã chi khoảng 34 triệu USD để mua 55% cổ phần tại tại Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh. Công ty này sở hữu dự án điện mặt trời được coi là lớn nhất Đông Nam Á, với công suất 420 MW.
Đến ngày 10/8/2018, B.Grimm lại tiếp tục ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. Số tiền B.Grimm bỏ ra để mua cổ phần TTP Phú Yên là 32,5 triệu USD.
Ngoài B.Grimm Power còn có sự xuất hiện của Tập đoàn năng lượng Thái Lan - Gulf Energy Development. Đây cũng là cái tên đáng chú ý khi liên tiếp đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án của Tập đoàn Thành Thành Công. Từ năm 2018, Gulf Energy Development đã nắm giữ cổ phần tại dự án Nhà máy điện mặt trời TTC 1 và 2 tại Tây Ninh. Đến tháng 4/2019, Energy Development công bố đã nắm giữ 95% cổ phần tại dự án năng lượng gió và mặt trời tại Bến Tre với tổng công suất gần 340 MW và giá trị đầu tư 650 triệu USD.
Cuối tháng 3/2020, Hội đồng Quản trị Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) đã gửi thư tới Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo về quyết định sẽ chi gần 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, nhà máy Lộc Ninh 1 (200 MW) là 99,7 triệu USD; nhà máy Lộc Ninh 2 (200 MW) là 140 triệu USD; nhà máy Lộc Ninh 3 (150 MW) là 105 triệu USD và nhà máy Lộc Ninh 4 (200 MW) là 112 triệu USD. Với 4 dự án này, trong vòng 20 năm, Super Energy sẽ thu về 678 triệu USD đến 868 triệu USD.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời, điện gió, đặc biệt là các dự án ven biển cần tính toán về mặt lâu dài, trong đó phải đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu; Thận trọng trong việc xem xét năng lực triển khai của doanh nghiệp; Không để diễn ra tình trạng chạy xin dự án rồi chuyển nhượng kiếm chênh lệch hoa hồng, dự án kéo dài không triển khai.
“Phải tính đến lợi ích quốc gia lâu dài hơn, an ninh quốc gia xa hơn nữa, xúc tiến huy động các nhà đầu tư dám đầu tư vào điện sạch bảo đảm bảo môi trường là đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng cần đảm bảo lợi ích, chủ quyền của quốc gia, dân tộc”, GS.TS Đặng Đình Đào trao đổi.
Thùy Linh