Chủ nhật, 24/11/2024 08:50 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/10/2020 14:39 (GMT+7)

Thiên tai, lũ lụt lịch sử: Chìa khóa then chốt để ứng phó

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, tình hình mưa lũ "chưa từng thấy" ở miền Trung có khả năng sẽ trở thành "bình thường mới" trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Thiên tai, lũ lụt lịch sử: Chìa khóa then chốt để ứng phó - Ảnh 1
Tình hình mưa lũ được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung trong những ngày tới. (Ảnh: VGP)

Tại cuộc làm việc ngày 24/10 với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở Miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích), mặc dù vậy, tổn thất do mưa lũ vẫn rất lớn.

Chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài cho công tác ứng phó thiên tai, Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa.

Yêu cầu cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất.

Thứ hai, phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó. Kinh nghiệm nữa là Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Vì sao mưa lũ lớn dồn dập ở miền Trung?

TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định, dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền nước ta kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn, sự kết hợp của các hình thế này là nguyên nhân chính gây nên các đợt mưa, lũ lớn dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua.

Lũ lớn, ngập lụt là do điều kiện địa hình đặc thù của các lưu vực sông ở miền Trung như các sông thường ngắn, có độ dốc lớn do đó thời gian tập trung lũ thường rất nhanh. Ngoài ra, khu vực này có vùng đồng bằng rất nhỏ và hẹp, lại thường bị chắn bởi các roi cát dọc theo bờ biển, do đó làm giảm sự tiêu thoát lũ. Ngập lụt của trận lũ trước chưa giảm hết trận sau đã đến dẫn đến ngập sâu và kéo dài.

“Hiện nay đang trong mùa mưa lũ chính ở khu vực miền Trung, do đó việc xuất hiện mưa, lũ trong giai đoạn này là phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, việc xảy ra mưa với cường độ và tổng lượng lớn, kéo dài đã khiến cho mực nước đỉnh lũ tại nhiều trạm đã vượt giá trị lịch sử trong thời gian qua”, TS Mai Văn Khiêm đánh giá.

TS Mai Văn Khiêm cho biết, ngay từ đầu năm 2020, trên cơ sở phân tích diễn biến khí quyển, đại dương toàn cầu và khu vực, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có bản tin đặc biệt nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Bắt đầu từ giữa năm 2020, trong các bản tin dự báo mùa (phát hành tháng 5 và tháng 6/2020) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã bắt đầu đưa ra những nhận định đầu tiên về một mùa bão dồn dập vào cuối năm, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11/2020 và tập trung ở khu vực Trung Bộ. Trong tháng 10, Trung tâm đã liên tiếp đưa ra các bản tin dự báo tình hình mưa rất lớn và kéo dài ở Trung Bộ. Trong các bản tin dự báo, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được cảnh báo ở cấp độ 2-3.

Đặc biệt, trong bản tin cảnh báo ngày 15/10, Trung tâm đã nhận định sẽ xuất hiện đợt lũ lớn và đặc biệt lớn, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Bản tin ngày 18/10 nhận định tình hình rất khẩn cấp, Trung tâm đã nâng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét và sạt lở lên cấp 4. Các dự báo sát với thực tế, là kết quả của việc đầu tư vươn tầm quốc tế của nhà nước cho ngành Khí tượng rhủy văn.

Với tư cách là thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm cho biết, trong các đợt thiên tai gần đây, Ban Chỉ đạo cũng triển khai nhiều hình thức truyền tin mới như nhắn tin chủ động tới các thuê bao trong vùng cảnh báo nguy hiểm của thiên tai, đưa ra các cảnh báo sớm tới các địa phương.

“Có thể nói, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Ngay cả các nước tiến tiến trên thế giới cũng thường xuyên chịu thiệt hại về người và của do thiên tai trong những năm gần đây và chúng ta cũng đã có những chia sẻ thiệt hại với các nước... Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục có sự phối hợp, hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân trong mọi tình huống thiên tai có khả năng đe dọa tới tới tính mạng và tài sản của người dân để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai”, ông Mai Văn Khiêm nói.

Có thể sẽ trở thành "bình thường mới" trong tương lai

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cũng nhận định, nguyên nhân gây mưa rất to ở Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng trong 1 tuần trở lại đây do chịu ảnh hưởng hình thế gây mưa lớn điển hình.

Đó là tổ hợp của dải hội tụ với bão/áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và địa hình chắn gió Đông Bắc của khu vực nên đã gây ra một đợt mưa rất to và đặc biệt to ở tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, chỉ trong gần 2 tuần, miền Trung đón liên tiếp 2 đợt không khí lạnh. Ngoài ra, sườn phía Đông của dãy Trường Sơn cũng đón một luồng gió mùa Đông Bắc đem hơi ẩm từ trên cao lục địa vào đất liền.

Đây là 2 hình thái thời tiết rất điển hình gây ra mưa lớn cho Trung Bộ hàng năm. Năm nay, các hình thái này xuất hiện cùng lúc, dồn dập, tạo thành một tổ hợp thời tiết cực đoan khiến mưa lũ xuất hiện với lượng lớn và kéo dài nhiều ngày. Trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa phổ biến 1.000 - 2.000 mm, có nơi mưa đến 2.000 - 3.000 mm. Số liệu này cao gấp 3-5 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thời gian tới, cần tiếp tục đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2020.

Ông Nguyễn Xuân Tiến cũng nhất trí với các nhận định của chuyên gia quốc tế về lũ lụt ở miền Trung là hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, có thể trở thành "bình thường mới" trong tương lai. Dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm mực nước biển dâng lên làm cho nước lũ sẽ khó thoát ra biển và lũ dâng cao hơn với trước đây. Hơn nữa dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét… Đặc biệt làm gia tăng các cơn bão có cường độ lớn, mưa lớn với cường độ lớn.

Ông Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại về người và tải sản, cơ quan chức năng cũng như người dân cần thường xuyên theo dõi, liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai để có biện pháp phòng, chống thích hợp. Như có quy hoạch, thiết kế công trình phù hợp; có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh kịp thời và hiệu quả. Các lựa chọn gồm xây tường chắn, tìm khu tái định cư cho người dân hoặc tìm sinh kế mới cho họ, quy hoạch lại khu vực nông thôn và thành thị.

Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công đồng về phòng, tránh thiên tai để người dân chủ động phòng, tránh thiên tai. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm của mưa và bão, do đó những kinh nghiệm trước đây có thể không còn hữu ích trong những thập kỷ tới, cần có phản ứng sáng tạo để các nước khác có thể coi như bài học kinh nghiệm, nếu không sẽ phải hứng chịu các thảm họa lũ lụt liên tiếp trong tương lai.

TS Mai Văn Khiêm: Bão số 8 đang hướng về đất liền miền Trung, tương tác với không khí lạnh có khả năng suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền; hoàn bão số 8 được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa vừa đến mưa to và gió giật cho các khu vực đất liền các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ trong đêm 24 và ngày 25/10. Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới và không khí lạnh nên có thể xuất hiện mưa to đến rất to.

Dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện thêm khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung những ngày cuối tháng 10 và trong tháng 11, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ; trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Các đợt rét đậm, rét hại có thể xuất hiện sớm hơn trung bình, từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Hà Chính

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai, lũ lụt lịch sử: Chìa khóa then chốt để ứng phó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới