Chủ nhật, 24/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/04/2020 10:07 (GMT+7)

Thủ tướng đốc thúc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 442/CĐ-TTg về việc giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Trong công điện, Thủ tướng nhắc lại hạn hoàn thành GPMB cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam là quý II/2020. Tuy nhiên, đến nay tiến độ GPMB của các dự án chậm, mới chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng cho khoảng 457/653,61 km chiều dài tuyến (đạt 70%).

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nếu các địa phương, các chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật không quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB trong quý II/2020 như đã cam kết với Thủ tướng.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua phải xác định GPMB là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công trong quý II/2020.

Các địa phương phải khẩn trương hoàn thành 114 khu tái định cư trong quý II/2020 để di dời các hộ dân vào khu tái định cư (đặc biệt các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang).

Đối với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương, các chủ quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác GPMB, bàn giao trong quý II/2020;

“Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát kinh phí GPMB thực tế tại các địa phương, trường hợp kinh phí này tăng vượt tổng mức đầu tư của tiểu dự án GPMB (bao gồm cả chi phí dự phòng) trong tổng mức đầu tư được duyệt, Bộ GTVT khẩn trương xem xét xử lý, đảm bảo đủ kinh phí, kịp thời phục vụ công tác GPMB”, Công điện nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông, xăng dầu,… thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình đẩy nhanh tiến độ công tác lập, phê duyệt phương án và triển khai thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong quý II/2020.

Thủ tướng đốc thúc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1
Đến nay, dự án mới giải phóng được 70% mặt bằng. Ảnh minh họa.

Liên quan đến công tác GPMB, tại cuộc với các địa phương ngày 14/4 về công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, tuy khối lượng mặt bằng giải phóng của dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã đạt 70% nhưng 30% diện tích còn lại là việc khó khăn nhất như di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tái định cư cho người dân...

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc giải phóng mặt bằng để chậm nhất là trong tháng 6/2020 bàn giao đủ mặt bằng sạch để khởi công 8 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam như chỉ đạo của Thủ tướng nếu được Quốc hội phê chuẩn chuyển đổi 8 dự án này từ đầu tư đối tác công tư sang hình thức đầu tư công.

Theo kế hoạch, các tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý 2/2020. Nhưng đến nay hầu hết các địa phương chưa hoàn thành việc bồi thường đất nông nghiệp. Khối lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời rất lớn nhưng đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù.

Bộ Giao thông vận tải nhận định việc xây dựng khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật là hết sức quan trọng, quyết định tiến độ giải phóng 30% mặt bằng còn lại của dự án.

PV

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng đốc thúc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới