Chủ nhật, 24/11/2024 09:43 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/05/2020 13:37 (GMT+7)

Thủ tướng nêu sáu đề nghị với doanh nghiệp để vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Sáng 9/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) với chủ đề "Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế". Theo đó, Thủ tướng nêu sáu đề nghị với cộng đồng DN: yêu Tổ quốc; đoàn kết, cần hợp tác với nhau; không nản chí; năng động, quyết đoán; sáng tạo; cần có niềm tin.

Thủ tướng nêu sáu đề nghị với doanh nghiệp để vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế - Ảnh 1

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các hiệp hội DN, một số tổ chức quốc tế. Tại điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh.

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800 nghìn DN trên toàn quốc, trên năm triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước theo dõi.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, cộng đồng DN, các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị quan trọng này; đồng thời nhấn mạnh, có một Việt Nam hào khí trong thời khắc cách đây hàng chục năm. Người dân Việt Nam đang được sống trong không khí hân hoan của tháng 5 lịch sử và đầy ý nghĩa với dịp kỷ niệm những sự kiện lịch sử hào hùng. Chúng ta cũng đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiếm có biến cố y tế nào lại tác động mạnh khắp thế giới như dịch Covid-19 mà hậu quả hiện đã vượt xa các đại dịch khác, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, mạng sống của nhóm người, một cộng đồng mà đã ảnh hưởng hàng tỉ người trên thế giới.

Trên phương diện kinh tế, đại dịch ảnh hưởng lên chuỗi cung cầu, thị trường tài chính; sản xuất, kinh doanh (SXKD), từ công nghiệp đến dịch vụ, hàng không đến du lịch, bất kể các ngành nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi. Tuy nhiên, như bao biến cố lịch sử, loài người sẽ chiến thắng đại dịch dù có tổn thất. Kinh tế nhiều nước suy thoái, có thể kéo dài. Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2008-2009. Nhiều dự báo cho thấy các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU... đều tăng trưởng âm.

Nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, mặc dù khó khăn Việt Nam nhưng vẫn duy trì được nền tảng tăng trưởng, theo đó, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm các cải cách thể chế, cơ cấu, sớm vươn lên khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tại sao chúng ta có thể thành công được như vậy? Có được điều đó là do dân tộc ta có sẵn cách đề kháng của tinh thần đoàn kết, tuân thủ của người dân. Mỗi người chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng lo lắng. Việt Nam cơ bản đẩy lùi dịch Covid-19.

Trên phương diện kinh tế, mặc dù phải tuân thủ giãn cách xã hội và gián đoạn nguồn cung, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng bình quân cao hơn các nước khác. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam không phải phụ thuộc quá lớn thị trường thế giới. Năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam là vô cùng lớn. Nhiều DN duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao. Thị trường chứng khoán đi xuống nhưng nhiều cổ phiếu tăng trưởng cao. Nhiều DN vẫn hướng đến những giá trị thiết thực, lấy giá trị con người làm trung tâm, không phải giá trị ảo.

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách, hỗ trợ cho người dân và nền kinh tế. Chống dịch nhưng phải bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, nhịp sống xã hội đang dần bình thường, nền kinh tế sẽ như "chiếc lò xo bị nén lại" và bây giờ sẵn sàng bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng trên 5%. Đồng thời lãi suất lạm phát dưới 4%, Chúng ta đang thực hiện tập trung 5 mũi giáp công: thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là kinh tế tư nhân; thu hút đầu tư FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, Hội nghị này cần phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước phải hành động, quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới. Việt Nam chúng ta, DN chúng ta cần đóng góp vào sự phát triển theo hình chữ V chứ không phải chữ U, càng không phải là chữ W. Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn trăn trở điều này, nhưng Hội nghị này không phải dịp bàn lùi, kể lể, than vãn, mà phải nêu được những trở ngại lớn với nền kinh tế và đề ra các giải pháp. Chính phủ không trực tiếp tăng lợi nhuận cho DN nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy tăng năng suất vì chỉ tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, các ngành T.Ư, các địa phương, các DN phải hiến kế, đề xuất với Chính phủ. DN phải chủ động tham gia xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện kết tinh yêu nước của người dân và DN đối với sự phát triển của đất nước, quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém, tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Đây không chỉ là cơ hội tạo dựng đoàn kết, niềm tin, mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, yêu lao động, lao động là vinh quang, đóng góp cho xã hội, quê hương, đất nước.

Các DN, kể cả hệ thống ngân hàng, cùng sẻ chia, hợp tác, quyết tâm cao để đóng góp sự phát triển đất nước, phát triển bản thân DN, giải quyết việc làm người lao động. Tinh thần này phải được lan toả mạnh mẽ, có chiều sâu cả hệ thống, từ các cơ quan nhà nước, DN và người dân. Hội nghị này phải bắt buộc bằng mọi giá có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó; phải thể được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng tốc phát triển. Với trách nhiệm đó thì sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của người dân, DN, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành là rất lớn. Các bộ, ngành, địa phương "xắn tay áo" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho DN với một tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ, dám làm, kiến tạo, phát triển, dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân; lưu ý không phải "quyền anh, quyền tôi" lúc này mà phải vì đất nước. Cần quán triệt để hợp tác thành công. Thủ tướng yêu cầu các phát biểu phải nêu giải pháp, chính sách mới mẻ nào để hỗ trợ, đổi mới DN thay vì toàn chuyện biết rồi. Cán bộ, công chức phải được quản lý để chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và DN. Cùng với giáo dục thì phải sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong quản lý, điều hành. Hội nghị này phải nêu được những giải pháp, ý tưởng mới, chẳng hạn về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, chất keo dán lại sự đứt gãy thị trường, hay giải pháp về lao động, thuế, phí... Giờ đây, tinh thần chống trì trệ phải được thúc đẩy. Virus trì trệ ở đâu ? Đừng nhìn ở đâu xa mà ở ngay tổ chức, địa phương, DN của mình.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu sáu đề nghị với cộng đồng DN: yêu Tổ quốc; đoàn kết, cần hợp tác với nhau; không nản chí; năng động, quyết đoán; sáng tạo; cần có niềm tin. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn DN đã đồng hành và chia sẻ với Chính phủ khó khăn của đất nước. "Nhường cơm sẻ áo"; đặt vấn đề tầm nhìn của DN đến năm 2045 là thế nào? chúng ta sẽ có tập đoàn lớn vươn tầm quốc tế. Kinh tế Nhà nước thời gian qua đã phát huy vai trò tốt, tuy nhiên Việt Nam chưa có DN lọt vào top 50 DN lớn thế giới. Việt Nam có DN nào lọt vào DN tầm cỡ thế giới không, có đế chế kinh doanh tầm cỡ của Việt Nam không? Đồng thời Thủ tướng kêu gọi hãy dám nghĩ lớn, làm lớn; hãy ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực.

Sau thời gian giãn cách xã hội, DN có thời gian tư duy lại về con đường về sự phát triển. Đây là cơ hội cho DN trong nước, nếu không biết tận dụng, nắm bắt cơ hội đó thì DN nước ngoài sẽ đến lấy. Giá trị cam kết vốn FDI cam kết trong tháng 4 đã tăng trở lại. Chỉ riêng tháng 3, Việt Nam được xếp hạng cao về các thị trường mới nổi kể cả trong thời khắc khó khăn. Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm qua tăng trưởng tốt. Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch với nhiều chỉ số tích cực. Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Việt Nam tham gia nhiều FTA, mới nhất là EVFTA, CPTPP. Làn sóng chuyển dịch chuỗi giá trị của thế giới đang xem Việt Nam là ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các DN Việt Nam đang "cầm quân trắng" và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để chúng ta thể hiện sự đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, khí phách con người Việt Nam.

* Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn DN do Bộ KHĐT (Tổng cục Thống kê) thực hiện vào tháng 4 vừa qua (từ ngày 10 đến ngày 22/4) cho thấy: khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỉ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các DN có hoạt động xuất khẩu, tỉ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%, trong đó DN có quy mô lớn và vừa không xuất khẩu được hàng hóa chiếm 46,2%; tỉ lệ này thấp hơn ở nhóm DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỉ lệ lần lượt 40,7% và 28%. Theo loại hình DN, DN FDI là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ đầu ra, với 61,2% DN, và có đến 53,8% DN có hoạt động xuất khẩu không xuất khẩu được hàng hóa. Theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn khi hầu hết các DN quy mô lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, cụ thể: đối với DN xuất khẩu ngành may mặc và da giày, tỉ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lần lượt là 64,5% và 65%; tiếp theo, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô-tô cũng gặp khó khăn khi DN không xuất khẩu được hàng hóa chiếm tỉ lệ khá cao, trên 45%.

Doanh thu quý I-2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hằng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng,... Theo quy mô, DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất. Dự kiến doanh thu quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm trước của hai nhóm DN này chỉ đạt 59,9% và 61,4%; nhóm ngành đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, lưu trú, ăn uống và hàng không đều đang phải trải qua giai đoạn khó khăn khi doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, chỉ còn lần lượt là 44%; 47,6%; 56%; 59,7% và 76,5%.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), trong đó khu vực DN nhà nước là nhóm có tỉ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD cao nhất với gần 50% số DN. Theo ngành kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỉ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất với trên 51% số DN. Nhiều DN đã ví dòng tiền như là máu trong cơ thể, thiếu máu thì cơ thể không thể khoẻ mạnh được và nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng sức sống của DN...

* Văn phòng Chính phủ cho biết: được khai trương tháng 12 năm 2020, Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, DN, phù hợp với từng đối tượng. Với một địa chỉ truy cập duy nhất (www.dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dùng có thể đăng nhập được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Người dùng có thể theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết, và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Các thông tin, dữ liệu được chia sẻ, tái sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC, đặc biệt là những TTHC có liên quan nhiều cơ quan.

Từ tám nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên CDVCQG đã tích hợp, cung cấp 389 DVCTT (160 cho công dân, 229 cho DN). CDVCQG đã cung cấp chức năng thanh toán trực truyến, trong đó cho phép người dân, DN kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết TTHC và các dịch vụ công khác.

Tính đến ngày 7/5/2020, CDVCQG đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên bảy triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua CDVCQG; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, DN. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVCTT khoảng 6.490 tỉ đồng/năm, trong đó, riêng CDVCQG đóng góp 3.036 tỉ đồng/năm. Đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.

Thanh Giang - Trần Hải

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng nêu sáu đề nghị với doanh nghiệp để vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới