Chủ nhật, 24/11/2024 11:03 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/07/2020 09:07 (GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để miền trung - Tây Nguyên trì trệ, tăng trưởng thấp

Theo dõi KTMT trên

Sáng 18/7, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền trung và vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để miền trung - Tây Nguyên trì trệ, tăng trưởng thấp - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, 12 tỉnh miền trung và Tây Nguyên; các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, miền trung như “chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước”, đã tích cực trong phòng, chống Covid-19, đóng góp vào thành công của cả nước. Tuy nhiên, trong khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh, thành phố miền trung – Tây Nguyên bị thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, theo Thủ tướng, hội nghị này là để lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm.

Cỗ máy kinh tế như “cỗ xe tam mã” với ba con ngựa kéo là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, “chúng ta suy nghĩ để xử lý các thành tố này để có sự tăng trưởng cần thiết ở địa phương”, Thủ tướng nói. Đồng thời, Thủ tướng nhắc lại tiềm năng rất lớn của các tỉnh, thành miền trung – Tây Nguyên với chín sân bay, 14 cảng biển, chín khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc…

Con người miền trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động. “Không chỉ trong kháng chiến, nơi hy sinh nhiều nhất là ở khu vực này, mà trong hòa bình, trong phát triển kinh tế, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp như vậy”, Thủ tướng nêu rõ.

“Làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng”, Thủ tướng đặt vấn đề và lấy thí dụ về Hà Nội, Thanh Hóa vừa qua tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thành công, thu hút nhiều tỉ USD. “Biết bao nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ. Biết bao dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ”.

Các tỉnh miền trung – Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp, đã khó khăn mà làm chậm chạp. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để miền trung - Tây Nguyên trì trệ, tăng trưởng thấp - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền trung và vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tháo gỡ có giá trị để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ, nhất là chính sách đột phá, táo bạo, có thể thực thi ngay.

Thủ tướng nêu rõ, các địa phương cần đưa ra cam kết đồng hành với Chính phủ, khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của tỉnh nhà cũng như cả nước. Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc điều chuyển vốn giữa các địa phương. “Địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động, hay địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đưa ra nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách; công tác quy hoạch; các chương trình, dự án đầu tư; thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài... Các địa phương khẳng định cam kết đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 90%. Không địa phương nào muốn chuyển nguồn vốn sang địa phương khác; lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho rằng, khó khăn gấp hai lần thì sẽ cố gắng gấp ba lần. Hội đồng nhân dân các địa phương sẽ tổ chức họp thường xuyên hơn về vấn đề giải ngân, ít nhất mỗi tháng một lần; đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục. Các ý kiến cũng đề cập nhiều đến đầu tư các dự án kết nối vùng, trong đó có tuyến đường ven biển…

Hội nghị cũng thảo luận về phát triển văn hóa, xã hội, con người, đặc biệt cần quan tâm hỗ trợ đối tượng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.

Nêu ra những tiềm năng rất lớn của khu vực này với hệ thống sân bay, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp hạ tầng tốt, du lịch biển đặc sắc, Thủ tướng đề nghị cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn. Thủ tướng cũng lưu ý giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đạt tỉ lệ thấp và yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp phát triển du lịch nội địa, phát triển các mô hình mới, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, thúc đẩy dịch vụ hành chính công trực tuyến. Cùng với đó là đề xuất các giải pháp đột phá kết nối vùng, liên vùng; phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, logistics…, trong đó thúc đẩy xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển.

Thủ tướng nêu bật tầm quan trọng của việc thống nhất ý chí trong hệ thống chính trị các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên nhằm triển khai hiệu quả tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đồng thời thông qua đó, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quản lý điều hành. Do đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương vừa lo tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, vừa lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Đề cập mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cam kết đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu không để địa phương nào trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên tăng trưởng âm. Các tỉnh đang phát triển tốt thì phải nâng cao quy mô; đi liền với bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công ở mức gần 100%, kể cả vốn ODA; kiên quyết kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thu hút dòng đầu tư mới, với quyết tâm mới, lan tỏa.

Thủ tướng cho rằng, với vai trò, vị thế như “chiếc đòn gánh giữ cho đất nước cân bằng” của 12 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, các địa phương trong khu vực này cần phấn đấu phát huy lịch sử hào hùng, xứng đáng với những hy sinh, mất mát của bao thế hệ quân và dân trên mảnh đất này. Thủ tướng khẳng định, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cũng còn nhiều khâu yếu; đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước, trừ một vài tỉnh.

Hoan nghênh quyết tâm cao của 12 địa phương tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cần chấm dứt tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chế tài mạnh mẽ đối với lãnh đạo địa phương trong vấn đề này. Cho rằng đây là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần xây dựng chương trình hành động có thời gian cụ thể, thiết thực, hiệu quả với giải pháp đột phá để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm trong bối cảnh thời gian còn rất ngắn và mùa mưa bão sắp đến.

Mục tiêu là năm 2020, khu vực miền Trung - Tây Nguyên không tăng trưởng thấp hơn mức bình quân của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị cần coi đây là quyết tâm chính trị để thực hiện; tìm cách kết nối các chuỗi giá trị; tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay ở từng địa phương, từng dự án, từng chương trình; khắc phục những lực cản. Chú trọng kinh tế tư nhân, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; tạo hành lang thông thoáng thu hút đầu tư FDI, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới.

Các địa phương trong khu vực cũng cần nghiên cứu, tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đưa các sản phẩm thế mạnh vào các chuỗi giá trị lớn toàn cầu; đẩy mạnh phát triển mô hình quản lý, mô hình kinh tế hiện đại, phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế số đón bắt thời cơ để phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương trong khu vực tuyệt đối không chủ quan, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đồng hành cùng các địa phương miền Trung - Tây Nguyên vượt qua khó khăn. Trung ương bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng thị trường; sửa đổi, bổ sung kịp thời, nghiêm túc thể chế, chính sách gây trở ngại cho địa phương phát triển.

Tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, giám sát việc triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn tại các ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, chậm; cắt vốn đầu tư ở các công trình, dự án chậm triển khai.

* Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáu tháng đầu năm, GRDP của vùng kinh tế trọng điểm miền trung ước giảm 3,22%, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%.

Đây cũng chính là ba địa phương có tỉ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong sáu tháng đầu năm thì ngành dịch vụ giảm 4,81%.

Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 30/6, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của bảy địa phương miền trung là 13.013 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25 nghìn tỉ đồng, chiếm hơn 60%.

Hà Thanh Giang - Quang Hiếu

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để miền trung - Tây Nguyên trì trệ, tăng trưởng thấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới