Chủ nhật, 24/11/2024 05:24 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 10:14 (GMT+7)

Thúc đẩy phục hồi xanh và ứng phó đại dịch, ADB cam kết 22,8 tỷ USD trong năm 2021

Theo dõi KTMT trên

Với số tiền 22,8 tỷ USD trong năm 2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết giúp các quốc gia khu vực châu Á và Thái Bình Dương ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi xanh.

Biến đổi khí hậu vẫn là trọng tâm trong các hoạt động của ADB

Mới đây, ngày 25/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo thường niên 2021, qua đó tóm tắt cách thức ngân hàng hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển của mình thông qua kết hợp tài chính, tri thức và quan hệ đối tác.

Theo đó, số tiền 22,8 tỷ USD cam kết trong năm 2021 bao gồm các khoản vay và bảo lãnh, viện trợ không hoàn lại, đầu tư cổ phần và hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân. Ngoài ra, ADB đã huy động được 12,9 tỷ USD đồng tài trợ.

Trong số các cam kết năm 2021 của ADB, chi tiết hơn đã có 13,5 tỷ USD (tương đương 59%) dùng để ứng phó đại dịch. Mặc dù nhiều cam kết trong số này, chẳng hạn như tăng cường lĩnh vực y tế - cũng sẽ giúp ích cho khu vực trong dài hạn sau khi đại dịch kết thúc. 

Bên cạnh đó, hỗ trợ ứng phó đại dịch của ngân hàng bao gồm 4,9 tỷ USD tài trợ giải ngân nhanh cho các chính phủ để hỗ trợ cải cách cơ cấu và khắc phục vấn đề tính bền vững của nợ. Khoản tài trợ này bao gồm 4,6 tỷ USD cho vay chính sách và 250 triệu USD thông qua Giải pháp Ứng phó đại dịch Covid-19.

Thúc đẩy phục hồi xanh và ứng phó đại dịch, ADB cam kết 22,8 tỷ USD trong năm 2021 - Ảnh 1
Giải quyết các thách thức phát triển dài hạn hơn, đặc biệt là như biến đổi khí hậu, vẫn là một trọng tâm quan trọng trong các hoạt động năm 2022 của ADB. (Ảnh minh họa)

ADB cũng đã cam kết 4,1 tỷ USD tài trợ việc mua sắm và cung cấp vaccine cho các quốc gia thành viên đang phát triển của mình. Ngân hàng cũng cung cấp 3,3 tỷ USD cho khu vực tư nhân để giữ cho các doanh nghiệp mở cửa, thương mại lưu thông và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ y tế…

Báo cáo cũng nêu rõ, giải quyết các thách thức phát triển dài hạn hơn, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, vẫn là một trọng tâm quan trọng trong các hoạt động năm 2022 của ADB. Để giúp đáp ứng mục tiêu tăng cường mới là tài trợ lũy kế 100 tỷ USD cho khí hậu vào năm 2030, ngân hàng đã công bố một loạt các sáng kiến tài trợ nhằm thúc đẩy quá trình phát triển carbon thấp của khu vực.

Tất cả các cam kết năm 2021 đều bao gồm những yếu tố mang lại lợi ích cụ thể cho phụ nữ và trẻ em gái. Ngân hàng cũng đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ các chính phủ huy động nguồn lực tài chính trong nước cần thiết cho tăng trưởng bền vững, bao gồm việc ra mắt Trung tâm Thuế châu Á - Thái Bình Dương, một phương tiện hỗ trợ cải cách thuế và các vấn đề liên quan trong toàn khu vực.

Về nguồn lực, các cam kết năm 2021 của ADB được huy động nhờ chương trình vay nợ có quy mô lớn thứ hai của ngân hàng cho đến nay, vào khoảng 35,8 tỷ USD thông qua các thị trường vốn. Năm ngoái, ADB đã bán khối lượng kỷ lục các trái phiếu chuyên đề và lần đầu tiên phát hành trái phiếu giáo dục và trái phiếu xanh vì sự lành mạnh của đại dương.

Cơ hội tăng trưởng mới cho ASEAN

Theo nhà lãnh đạo ADB, thách thức đầu tiên đối với ASEAN là cuộc xung đột Nga - Ukraine vốn đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề và làn sóng chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự tiếp xúc trực tiếp của ASEAN với Nga và Ukraine thông qua thương mại và đầu tư có vẻ hạn chế.

Nhưng với việc giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, lạm phát đang nhảy vọt. Các nước ASEAN nhập khẩu ròng dầu mỏ đang đối mặt với những thách thức đáng kể với hóa đơn gia tăng. An ninh lương thực và chuỗi cung ứng mỏng manh cũng đối mặt với nguy cơ cao hơn.

Thách thức thứ hai đến từ việc điều chỉnh lãi suất ở Mỹ, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng. Chênh lệch lãi suất ngày càng cao giữa các nền kinh tế ASEAN và Mỹ cùng với sự thay đổi niềm tin của nhà đầu tư có thể đột ngột đảo ngược dòng vốn, khiến đồng tiền mất giá và gây bất ổn tài chính.

ASEAN đối mặt với ba ưu tiên chính sách quan trọng là thúc đẩy hợp tác khu vực để bảo đảm phục hồi mạnh mẽ, tăng cường huy động nguồn lực trong nước và mở rộng quy mô đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Trong khi các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang từng bước mở cửa trở lại để đưa nền kinh tế vào guồng quay phục hồi, phải đối mặt với những thách thức về kinh tế đang ngày càng gia tăng.

Điều này đòi hỏi từng quốc gia trong khu vực phải tìm ra giải pháp nhằm nắm bắt cơ hội mới trong công cuộc phục hồi thích ứng, bao trùm và bền vững. Đây là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa trong bài viết mới nhất có tựa đề: “Nắm bắt những cơ hội tăng trưởng mới cho ASEAN”.

Để duy trì đà phục hồi, ASEAN phải cảnh giác và chuẩn bị các hành động tập thể nhằm ngăn chặn bất ổn tài chính khu vực. Đặc biệt, các nhà chức trách cần quản lý cẩn thận các tác động tổng hợp từ sự tăng giá dầu mỏ, động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ và việc dỡ bỏ dần các biện pháp kích thích tài khóa.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách ASEAN đang phải đối mặt với ba ưu tiên chính sách quan trọng, gồm tăng cường hợp tác khu vực nhằm đảm bảo phục hồi mạnh mẽ; tăng cường huy động nguồn lực trong nước; mở rộng quy mô đầu tư cho tăng trưởng xanh và toàn diện.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm nay được kỳ vọng sẽ mở rộng vùng đệm này. ADB vẫn sẽ là đối tác đáng tin cậy của các nền kinh tế khu vực trong lĩnh vực này thông qua việc cung cấp tài trợ thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tri thức.

Nhấn mạnh hợp tác khu vực có vai trò rất quan trọng để châu Á - Thái Bình Dương phục hồi và thích ứng với biến chuyển nhanh của kinh tế thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu ba vấn đề quan trọng mà các nước cần quan tâm:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác đa phương để phối hợp hiệu quả các nỗ lực phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận các nguồn cung vaccine nhanh chóng, kịp thời với chi phí hợp lý;

Thứ hai, phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực như APEC, ASEAN, Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, kết nối hệ thống giao thông và logistics trong khu vực, phát triển kinh tế số;

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu SDG 2030, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ về kinh tế xanh. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy phục hồi xanh và ứng phó đại dịch, ADB cam kết 22,8 tỷ USD trong năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới