Chủ nhật, 24/11/2024 09:55 (GMT+7)
Thứ năm, 05/08/2021 10:26 (GMT+7)

Thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa

Theo dõi KTMT trên

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương chỉ đạo tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hơn tại nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đã đặt ra 3 nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới.

Trước hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

Thứ ba là duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa - Ảnh 1
Bộ Công Thương chỉ đạo tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp. (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Trong đó, về việc cung ứng hàng hóa, Vụ Thị trường trong nước có nhiệm vụ làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía nam mà phải mở rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước, nhằm xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong lưu thông, bảo đảm nguồn cung hàng hóa.

Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh bảo đảm trong mọi tình huống cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải giao Cục Công nghiệp làm đầu mối làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… Từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Cục Xúc tiến thương mại phải có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận đây là phương thức rất quan trọng và là xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, vì vậy Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát huy hơn nữa hiệu quả của phương thức này.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối, nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời đề ra giải pháp hoặc tham mưu chính sách phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ tăng cường sự phối hợp, bám sát các thị trường xuất khẩu để có thông tin về thị trường, từ đó có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 185,33 tỉ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là dấu hiệu lạc quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng.

Thời gian tới, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều dư địa để tăng trưởng, khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường sẽ tác động đến cả hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở những địa phương đang có dịch; đảm bảo sản xuất công nghiệp, nhất là trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo, duy trì đà tăng của hoạt động xuất nhập khẩu".

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới