Chủ nhật, 24/11/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ ba, 07/12/2021 18:00 (GMT+7)

Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay chỉ còn 1.000 đồng/lít?

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2021 ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành hàng không, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc với đề xuất mức giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng trong năm 2022.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Trên cơ sở phân tích và phản ánh từ các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc với đề xuất mức giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng trong năm 2022.

Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay chỉ còn 1.000 đồng/lít? - Ảnh 1
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh suy yếu dòng tiền, âm thanh khoản. (Ảnh minh họa)

Theo VCCI, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành hàng không, nên đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (xăng Jet A1) là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngành hàng không trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội, VCCI cho rằng, quyết định giảm phí, lệ phí trong năm 2022 là chính sách phù hợp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã bị kiệt quệ trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và đánh giá cao khi Nhà nước tiếp tục soạn thảo và ban hành Thông tư giảm phí, lệ phí.

Hiện, dự thảo đang đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít (giảm 50% so với mức 3.000 đồng/lít tại Nghị quyết 57/2018/UBTVQH14). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, việc hỗ trợ cho ngành hàng không cần mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay xuống còn 1.000 đồng/lít (áp dụng trong năm 2022).

Lý giải nguyên nhân là do ngành hàng không đã trải qua 2 năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, năm sau nặng hơn năm trước. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020 và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019.

Mặt khác, các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không thời gian qua cũng chỉ hỗ trợ được một phần, các hãng vẫn trong trạng thái suy kiệt dòng tiền và khả năng cạnh tranh. Theo đó, dòng tiền hoạt động của các hãng hàng không bị thiếu hụt nghiêm trọng, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng lên tới 50.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, việc phục hồi nền kinh tế và việc đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Vì thế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ giúp doanh nghiệp và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục.

Nhiên liệu bay là nhiên liệu đầu vào không thể thiếu để thực hiện các chuyến bay. Và thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay. Năm 2020, để hỗ trợ cho ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đã được giảm 30% về 2.100 đồng một lít, hiệu lực từ tháng 8/2020 đến hết năm nay. Việc đề xuất tăng mức giảm thuế từ 30% lên 50% theo Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ hơn nữa cho ngành hàng không.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, từ đầu tháng 5 đến nay, gần như 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế "đóng băng". Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm 60%, dự kiến năm nay giảm thêm. Đồng thời, số lỗ năm 2021 sẽ lớn hơn mức 16.000 tỉ đồng của năm ngoái, số tiền nộp ngân sách dự kiến giảm 10.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, vận tải hàng không là ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường theo Bộ Tài chính sẽ giúp giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh suy yếu dòng tiền, âm thanh khoản. Ngoài ra, nó cũng tác động gián tiếp thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác như thương mại, dịch vụ, du lịch...

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay chỉ còn 1.000 đồng/lít?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới