Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 14:55 (GMT+7)

Thương mại điện tử tạo đà thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch

Theo dõi KTMT trên

Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 tại TP. HCM được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam phục hồi và tăng trưởng đột phá sau đại dịch Covid-19.

Ngày 10/5 vừa qua, Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF) với chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch” đã khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), diễn đàn năm nay thu hút hơn 1.000 người tham dự, gồm đại diện các Sở Công thương phía Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP. HCM tham dự.

Thương mại điện tử tạo đà thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch - Ảnh 1
Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 nhăm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Diễn đàn VOBF 2022 gồm 4 phiên thảo luận chuyên sâu dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia đầu ngành đến từ hiệp hội, tập đoàn lớn, xoay quanh việc đưa ra các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp có góc nhìn tổng quan về thị trường Thương mại điện tử, là cầu nối để trao đổi về thông tin, xu hướng và giải pháp trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại điện tử như: tiếp thị trực tuyến, chuyển phát, thanh toán, công nghệ, khởi nghiệp, đầu tư nước ngoài...

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, điều chỉnh định hướng kinh doanh trực tuyến trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai bên hoặc nhiều bên.

Cụ thể, 4 phiên thảo luận bao gồm: Tín hiệu phục hồi toàn cầu, sẽ thảo luận về những báo cáo số liệu chưa được công bố về thị trường và tình hình mua sắm thương mại điện tử tại Việt Nam và thế giới, cũng như đưa ra những gợi ý để tăng trưởng đơn hàng sau đại dịch.

Kết nối toàn cầu trở lại, thảo luận về chiến lược phục hồi tăng trưởng đơn hàng trở lại thông qua việc thúc đẩy kết nối Social Commerce (Bán hàng trực tiếp thông qua các nền mạng xã hội - Pv) và mở rộng thị trường quốc tế trên Amazon. Giải pháp đẩy mạnh đổi mới truyền thông, tận dụng cơ hội phục hồi du lịch Việt.

Lực đẩy, thảo luận về chủ đề phát triển và quản lý nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững cho SMEs. Giải pháp tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng từ các quỹ đầu tư, chính phủ, tổ chức tài chính, viện trợ Quốc Tế.

Công nghệ tương lai của Thương mại điện tử, thảo luận về những cơ hội, thách thức trong năm 2022 với SMEs ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Giải pháp triển khai thực tế Blockchain để giải quyết bài toán Công Nghệ & Tài Chính cho SMEs.

Ở phiên thảo luận thứ nhất, ông Nguyễn Tấn Vương - đại diện NielsenIQ Việt Nam đã chia sẻ thống kê thị trường của Nielsen sau giãn cách và nhận xét về tình hình phục hồi và phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2022.

Theo ông Vương, tác động của Covid-19 đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng của đại dịch và người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch.

Dưới góc độ sàn thương mại điện tử, bà Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam đánh giá, trong đại dịch thương mại điện tử là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. Với đà đó, bà Trang khẳng định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch.

Trong phiên theo luận thứ hai, bà Lương Thị Nhật Phương - Quản lý Nhà bán hàng TikTok Shop Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về nền tảng giải trí kết hợp mua sắm TikTok Shop mà sàn thương mại điện tử này phát triển trong thời gian gần đây. Còn ông Loic Gautier - CEO Leflair Group thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp cơ hội định hình kết nối và đẩy mạnh kinh doanh hàng hiệu phong cách sống tại thị trường Đông Nam Á.

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc thì Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Hiện ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng- đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Cũng theo báo cáo này, phân khúc giá 200.000-500.000 đồng dễ “chốt đơn” nhất trên tất cả các sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng, showroom uy tín.

Thương mại điện tử hứa hẹn sẽ “bứt phá” nhanh chóng

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết, nhằm tạo đà cho thương mại điện tử phát triển, Cục tiếp tục mở rộng chương trình gian hàng Việt trực tuyến quốc gia cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn tập trung hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và bức tranh toàn cảnh cho thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2022-2025 sẽ có nhiều bứt phá.

Đánh giá lại thị trường thương mại điện tử thời gian qua, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, hai năm trở lại đây, người tiêu dùng đã dần quen và trở nên ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này thể hiện qua số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần. Đáng lưu ý, đến thời điểm này đã có một nửa dân số của Việt Nam mua sắm qua thương mại điện tử.

Thương mại điện tử tạo đà thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch - Ảnh 2
Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia.

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng lại là chất xúc tác rút ngắn khoảng cách giữa người và người mua. Đặc biệt, trong việc phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử đến năm 2025 thì khoảng cách này đã rút ngắn từ 1-2 năm.

Dự báo đến năm 2025, quy mô Thương mại Điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành thị trường Thương mại Điện tử có quy mô lớn thứ 3 khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, tới đây, doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nhất là với các sàn thương mại điện tử thay vì chỉ có một website hoặc chỉ có một fanpage Facebook như hiện nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra các xu hướng như việc người tiêu dùng đang cần doanh nghiệp thương mại điện tử trợ giúp tìm sản phẩm họ cần, tinh gọn chuỗi cung ứng để rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm chuẩn.

Hơn nữa là sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.

Mặt khác, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng mong muốn các chính sách cần mang tính khuyến khích thương mại điện tử phát triển. Đặc biệt, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Thương mại điện tử tạo đà thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới