Tỉ phú Việt: Không xin hỗ trợ tiền, chỉ mong cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh để vượt 'bão' Covid-19
Với tinh thần “cứu doanh nghiệp như cứu hoả”, Câu lạc bộ (CLB) doanh nhân Sao Đỏ mong muốn Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế để đưa ra các quyết sách kịp thời. Đặc biệt, doanh nghiệp kiến nghị sự cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường kinh doanh.
Các doanh nghiệp kiến nghị sự cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường kinh doanh để hồi phục nhanh sau dịch Covid-19. |
Thủ tục nhanh gọn, môi trường thông thoáng
Tại buổi thảo luận “Định hướng mới thời kỳ hậu Covid-19” ngày 5/5, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về lĩnh vực bất động sản, công nghệ, bán lẻ, tài chính... đều đánh giá những giải pháp chống dịch Covid-19 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả thời gian qua. Và giờ là lúc cần có những giải pháp để “cứu doanh nghiệp như cứu hoả”, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5% năm nay.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho rằng các doanh nghiệp đang thiếu nhất hiện nay là dòng tiền nhưng lại không thể “xin” tiền Chính phủ được. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhất lúc này là những quyết sách, cơ chế từ Chính phủ.
“Đối với những dự án đang triển khai trước dịch phải cho khởi động lại. Thậm chí có cơ chế vừa làm vừa “xin” nếu chưa hoàn thiện. Phải hành động quyết liệt như thời chiến. Có chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực như hàng không, du lịch... Đây cũng là dịp tạo ra cơ chế mới trong hành động của Chính phủ. Từ đó, truyền cảm hứng tới người dân và doanh nghiệp”, ông Tiền kiến nghị.
Theo ông Tiền, không ai nghĩ thay, làm thay doanh nghiệp được. Cùng với các quyết sách tốt từ Chính phủ, doanh nghiệp cần “thắt lung buộc bụng”, làm đúng lĩnh vực chuyên sâu của mình, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng xuất lao động, năng lực cạnh tranh thì mới vượt qua dịch bệnh.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. |
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay, cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi của FLC gồm: hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản nghỉ dưỡng… đều chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
“Hàng ngàn phòng khách sạn phải tạm dừng hoạt động, hàng không chỉ bay được 1% công suất trong giai đoạn 2 tuần cao điểm phòng chống dịch hồi đầu tháng 4. Chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng nhiều mục tiêu tăng trưởng phải hoạch định lại”, ông Quyết nói và dẫn chứng tập đoàn đã điều chỉnh lại kế hoạch tuyển mới từ 5.000-7.000 lao động phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways và các khu nghỉ dưỡng do kinh doanh khó khăn.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. |
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng các doanh nhân trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ không nên kiến nghị Nhà nước hỗ trợ tiền, mà chỉ nên kiến nghị về cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách (có thể bao gồm các chính sách về thuế, phí…), để tạo nên những đột phá mới thời hậu Covid-19. Đây chính là sự hỗ trợ quan trọng và khả thi nhất mà Chính phủ cũng như ban, ngành các cấp có thể dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn rất đặc biệt hiện nay.
Sự cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, như thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý theo hướng giải quyết nhanh hơn, thoáng hơn... sẽ đem lại lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp hồi phục nhanh sau dịch.
Cần có Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế
Nhận định về thách thức của doanh nghiệp thời đại dịch Covid-19, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng hiện có 3 loại virus: “virus” gây Covid- 19, “virus” sợ hãi và “virus” tiêu dùng tối thiểu đang bóp chặt chi tiêu của người dân. Dịch bệnh có thể kéo dài 18-24 tháng nhưng 2 loại virus sau có thể kéo dài 3-5 năm, gây ra sự trì trệ, khó phát triển.
“Vì vậy, lúc này phải chiến đấu trên cả 3 mặt trận: chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp. Lúc này cũng là lúc xem lại, tháo gỡ những nút thắt của cơ chế, phải xác định sống chung với lũ (dịch bệnh). Hãy coi Covid- 19 là cú hích đẩy thế giới thay đổi nhanh! Thế giới biến đổi theo một mô hình khác thì phải xây dựng được thể chế phù hợp”, ông Bình bày tỏ.
Do đó, Chủ tịch Tập đoàn FPT kiến nghị, hiện có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch hoạt động rất hiệu quả, giờ rất cần có Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Ban này nên có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Ban chỉ đạo sẽ đưa ra các quyết sách đặc thù và đặc biệt không hồi tố, hành động như thời chiến.
Trước những khó khăn và thách thức thời hậu Covid-19, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ cho biết, CLB sẽ sớm tập hợp kiến nghị của các doanh nhân để đề xuất với Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Bởi những giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn vốn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ tồn tại vượt "bão" Covid-19, mà liên quan đến sự tồn vong của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn đang tạo ra nhiều việc làm, dẫn dắt giá trị và tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế. Quan trọng hơn, giải cứu doanh nghiệp chính là sự bảo vệ nội lực kinh tế quốc gia.
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch. Nhiều ngành trong khối này đã giảm, như hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm tới 94,2%. CPI tháng 4 đã giảm 1,54% so với tháng trước, nhưng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 4,9% – mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Trong 4 tháng đầu năm, có 22.700 doanh nghiệp trong nước tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Các ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt, kinh tế tăng trưởng quý 1 đạt 3,82%. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải tập trung hơn nữa để “khởi động” lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, cao gấp đôi mức 2,7% như dự báo của IMF, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này. |
Hải Hà