Chủ nhật, 24/11/2024 07:33 (GMT+7)
    Thứ ba, 14/06/2022 10:15 (GMT+7)

    Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội rất chậm

    Theo dõi KTMT trên

    Cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.

    Chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) mới đây cho thấy, hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn nhà ở xã hội gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.

    Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội rất chậm - Ảnh 1
    Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm.

    Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo như kế hoạch; trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị đạt khoảng 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

    Hiện cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.

    Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội rất chậm - Ảnh 2
    Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng.

    Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng khi nói về vấn đề để đảm bảo nguồn cung ra thị trường đã đề xuất các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung ngay cho thị trường.

    Ông Khởi khẳng định: "Về phía Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn làm việc với các tỉnh thành để đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường bất động sản. Theo đó, UBND các tỉnh sẽ lập danh sách các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay vốn gửi Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ công bố công khai danh sách và ngân hàng sẽ cho vay theo công văn Bộ Xây dựng công bố".

    Cũng tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng, ông Khởi cho biết, năm 2014, khi trình Chính phủ sửa Luật nhà ở, Bộ đã đặt ra 2 tình huống quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài. Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc hội cho rằng đề xuất này cần tiếp tục nghiên cứu.

    Sau 7 năm, mới đây khi đề xuất hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ, Bộ có nêu ra 2 phương án. Phương án 1, thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Cụ thể, thời hạn sử dụng công trình có thể là 50 năm hoặc hơn bởi thời hạn này được tính theo hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng có thể dài hơn. Khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt. Phương án 2 là xác định theo thời hạn sử dụng đất để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội 2 phương án này.

    Trên thế giới các nước đều có quy định thời hạn sở hữu, chỉ là vấn đề thời hạn khác nhau. Ở thực tiễn Việt Nam, đến thời điểm hiện nay Bộ cho rằng cần thiết phải đưa ra quy định này, ông Khởi cho hay.

    Ông Khởi khẳng định: "Đây cũng mới chỉ là đề xuất chính sách để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng, sau khi được Quốc hội đồng ý đưa vào Luật nhà ở 2023 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân".

    Được mời giải trình thêm về các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN chiều nay (8/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, đây là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế. Theo ông Nghị, cần rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.

    Liên quan tín dụng bất động sản, Bộ trưởng Bọ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Ông cũng cho rằng phải tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật.

    “Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án BĐS để góp phần có thêm nguồn cung” – ông Nghị nói, đồng thời đề nghị ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội rất chậm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới