Chủ nhật, 24/11/2024 05:27 (GMT+7)
Thứ tư, 17/06/2020 14:00 (GMT+7)

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước

Theo dõi KTMT trên

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp thiết, cần sự chung tay và nhiệt tâm của cả cộng đồng xã hội. Trong đó, truyền thông về bảo vệ môi trường vẫn giữ một vai trò chủ lực. PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường trao đổi về những hướng đi khác biệt của Tạp chí Kinh tế Môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tận dụng thời cơ 4.0

PV: Trong xu thế tin tức 4.0 hiện nay, các vấn đề về môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Là chuyên gia đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực môi trường, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về môi trường nói riêng và đóng góp vào ngành tài nguyên – môi trường nói chung?

- PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Trong xu thế hiện nay, có thể thấy rõ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó tất nhiên vấn đề môi trường được hưởng lợi nhiều, để ngày càng làm tốt hơn trong công tác cập nhật truyền thông về bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, môi trường đã được đặt ở vị trí xứng tầm, là một trong ba trụ cột chính, cùng với kinh tế, xã hội của phát triển bền vững.

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước - Ảnh 1
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Gần nửa thế kỷ đã qua, nhiều Hội nghị thượng đỉnh Trái đất được tổ chức với những chủ đề khác nhau, từ “Môi trường Con người” (1972), “Môi trường và Phát triển” (1992), “Phát triển bền vững” (2002), “Nền Kinh tế xanh” (2012) và hiện tại là “Nền Kinh tế tuần hoàn”.

Đây là cả một quá trình từ nhận thức tới hành động. Tất cả sẽ là quá muộn nếu chúng ta không thực sự đoàn kết thống nhất cùng hành động để bảo vệ môi trường ngay hôm nay cho các thế hệ hiện tại và các thế hệ con cháu mai sau!

Để khẳng định hướng đi đúng của thế giới, trong đó có Việt Nam, tôi nghĩ đây là thời cơ tốt, những người làm báo nếu không tận dụng được thì quả thật rất đáng tiếc. Không thể phủ nhận rằng, các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền, đề cao trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng mô hình, đề xuất sáng kiến và tích cực tham gia các hành động như: Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Chúng ta có hẳn một cuộc thi Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường do Bộ TN&MT phát động, nhằm động viên, khen thưởng tác giả, tác phẩm báo chí phản ánh, tuyên truyền các đề tài, chủ đề, nội dung về tài nguyên và môi trường có chất lượng và sức lan tỏa cao; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Dù hiện nay, mạng xã hội cũng như các hình thức truyền tải thông tin thông minh khác, nhưng để làm tốt công tác truyền thông về môi trường thì báo chí vẫn là phương tiện chủ lực. Khi chúng ta làm tốt, đúng theo trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp và ý thức chính trị thì sẽ làm cho dư luận xã hội, bạn đọc thêm niềm tin, mang đến những đóng góp không nhỏ cho ngành tài nguyên môi trường, cho sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước - Ảnh 2
Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn tiên phong và định hướng trong tuyên truyền các đường lối, chính sách về phát triển nền kinh tế xanh, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. (Ảnh: Tường Vân)

PV: Là Tạp chí đi sâu vào lĩnh vực đặc biệt quan trọng hiện nay là kinh tế môi trường, thời gian qua Tạp chí Kinh tế Môi trường (KTMT) đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

- PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Tạp chí KTMT ra đời năm 2006, đến nay đã được 15 năm, đây là sự mở đầu của một Tạp chí thuộc TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (được thành lập từ năm 2000). Khi đó, những vấn đề liên quan đến kinh tế môi trường chưa được phổ cập rộng, những nhà khoa học Việt Nam dự những hội thảo, hội nghị tiếp nhận những thông tin, tài liệu liên quan để hình thành nhiều vấn đề kinh tế môi trường trong các viện, trường là chính. TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam được thành lập cũng với mục đích tập hợp lực lượng này. Tạp chí KTMT ra đời gần như là tạp chí đầu tiên về kinh tế môi trường, bảo vệ môi trường, góp phần hình thành nhận thức sau này về kinh tế xanh và các vấn đề khác của phát triển bền vững.

Tạp chí KTMT trước hết phải thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ đã ghi trong Đại hội Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của TƯ Hội, phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong các văn bản Nhà nước dần dần nêu rất cụ thể. Lần đầu tiên có một văn bản của Đảng nói về bảo vệ môi trường, đó là Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Rất mừng là vấn đề môi trường đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận đúng đắn, đặc biệt quan tâm với hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị kịp thời liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Tạp chí KTMT nắm được rất chắc những vấn đề mà Đảng và Nhà nước đã nêu và tuyên truyền kịp thời.

Thứ hai, mảng kinh tế môi trường cũng là vấn đề mới, được đưa vào trong các chương trình giảng dạy đại học cũng như các viện nghiên cứu. Chính vì thế, Tạp chí ưu tiên dành những số trang nhất định để đăng các bài khoa học, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức về lĩnh vực quan trọng này, giúp cho công tác đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực ngày một tốt hơn.

Thứ ba, những vấn đề liên quan đến khoa học, công nghệ, kĩ thuật cũng được nghiên cứu để có được các giải pháp tốt, vừa bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, vừa đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hợp lý, đảm bảo chất thải ra môi trường được xử lý triệt để. Đó là sự cân bằng giữa kinh tế và môi trường. Nếu làm được như vậy thì chúng ta có thể đảm bảo giữ được nguồn tài nguyên hài hòa, chất thải của quy trình sản xuất này là nguyên liệu cho việc tái chế sản xuất tiếp theo, hay nói đơn giản “rác cũng là tài nguyên”.

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước - Ảnh 3
Vấn đề môi trường muốn truyền thông được tốt thì trước hết phải quan tâm đến giáo dục môi trường từ bậc học nhỏ nhất. (Ảnh minh họa)

Truyền thông hiệu quả, lý thuyết phải đi đôi với thực tiễn

PV: Có một thực tế phải thừa nhận rằng, trong số rất nhiều thông tin về môi trường hàng ngày thì những thông tin phản ánh về điểm nóng, ô nhiễm luôn lấn át những tin về mô hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Theo ông, chúng ta phải làm gì để “cân bằng” được lượng thông tin giữa cái được và cái chưa được trong công tác bảo vệ môi trường đến với bạn đọc?

- PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Thực tế, những bài viết dễ câu view, giật gân, thường dễ viết, dễ được để ý hơn, còn những vấn đề liên quan đến gương người tốt, việc tốt thì lâu nay thường ít được viết, có những người cũng ngại xuất hiện trước báo chí. Nếu trên thực tế, chúng ta làm tốt như Hồ Chí Minh đã dạy, có hẳn hệ thống bài viết về gương người tốt, việc tốt, thì có thể mức độ lan tỏa của thông tin cũng sẽ tốt hơn.

Thực tế, theo tôi, việc đưa những thông tin tốt rất cần được khuyến khích vì đó là “đòn bẩy”, tạo điều kiện để công chúng học và làm theo. Ví dụ: Những điển hình về bảo vệ thiên nhiên, liên quan đến sáng kiến, công nghệ mới, kỹ thuật để giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, sản xuất, chế tạo sản phẩm tạo ít chất thải, tiến tới không có chất thải.

Từ truyền thống xa xưa của cha ông ta, có rất nhiều tấm gương điển hình về việc tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có trong thiên nhiên để sáng tạo ra các bài thuốc quý, nhằm duy trì và phát triển nguồn dược liệu chữa bệnh đa dạng và hiệu quả của Việt Nam. Thiết nghĩ, đây cũng là một mảng đề tài báo chí nên quan tâm và đẩy mạnh.

Riêng với Tạp chí Kinh tế Môi trường, các mảng đề tài tích cực và tiêu cực luôn được khuyến khích theo tỉ lệ 7/3, không nhất thiết phải cân bằng hài hòa.

Chúng tôi đã đăng tải nhiều tấm gương bảo vệ môi trường tốt, nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Việt Nam, những tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”, những sáng kiến, phát minh có lợi cho môi trường,…

Một trong những lợi thế quan trọng của báo chí mà các hình thức truyền thông khác không có được, đó là tính định hướng thông tin cho dư luận. Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta làm tốt việc hướng bạn đọc tới những hành động tích cực, bảo vệ cho môi trường, đó là lúc những người làm báo hoàn thành tốt sứ mệnh của người cầm bút mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước - Ảnh 4
Viết làm sao để tác động được người dân có thể thay đổi thói quen hàng ngày, để giảm thiểu tối đa rác thải ra môi trường, đó là sứ mệnh của những người làm báo về môi trường.

PV: Mảng đề tài môi trường rất phong phú và gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên khi báo chí tác nghiệp phản ánh về môi trường thường gặp phải những cản trở hữu hình và vô hình, đặc biệt với các vấn đề tiêu cực, như: Cản trở từ tiếp cận thông tin, chưa có quy định hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận thông tin; khó tiếp cận tư pháp, cản trở từ cơ chế quản lý,… Theo ông làm thế nào để báo chí có thể tiếp cận, phản ánh thông tin sâu đậm ngay cả ở vùng “nhạy cảm” có nghi vấn tiêu cực ở lĩnh vực môi trường?

- PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Những vấn đề môi trường rất nhiều, bao gồm phạm vi rộng, viết hay hay không còn tùy phương pháp thể hiện của mỗi người viết.

Nếu ta đặt vấn đề về môi trường ở một khái niệm chung thì không nên trình bày “hàn lâm” hay quá rộng, mà nên đi vào các việc cụ thể, dù nhỏ thôi nhưng có điểm nhấn nổi bật. Khi đưa thông tin trúng vào mong muốn của người đọc thì sẽ hiệu quả hơn.

Ví dụ đơn giản, để bảo vệ môi trường, gần đây, dư luận đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao để xóa bỏ những hủ tục phức tạp trong cưới hỏi, lễ tang, lễ hội để hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường: Tạo thói quen không lãng phí thức ăn, số thức ăn bị thừa có thể giúp đỡ được biết bao nhiêu người nghèo đói khác, vừa không gây ô nhiễm môi trường; hoặc có thể hạn chế các vòng hoa giả trong các lễ tang, hạn chế đốt vàng mã,... Việc làm này tuy nhỏ nhưng nó cũng tác động đến các vấn đề mà Đảng, Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa ra. Quan niệm của Phật Giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ... Ý thức được điều này, con người sẽ cẩn trọng trong hành động của mình khi tác động đến thiên nhiên.

Rõ ràng, chúng ta không nên quan trọng hóa, viết về những điều “đao to búa lớn” mà viết từ hành động nhỏ nhất mà mỗi gia đình đều ủng hộ. Viết làm sao để tác động được người dân có thể thay đổi thói quen hàng ngày, để giảm thiểu tối đa rác thải ra môi trường.

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước - Ảnh 5
Cùng hành động để bảo vệ môi trường ngay hôm nay cho các thế hệ hiện tại và các thế hệ con cháu mai sau.

PV: Trong thời gian tới, Tạp chí KTMT sẽ có những phương hướng, điều chỉnh gì trong đổi mới công tác truyền thông, làm sao để tiếp tục thực hiện sứ mệnh trong việc gìn giữ hành tinh xanh và phát triển nền kinh tế xanh của đất nước?

- PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Trong xu thế cách mạng 4.0, tôi đánh giá cao các Tạp chí điện tử đang phát triển mạnh, đưa thông tin nhanh và hiệu quả đến với người đọc.

Việc truyền thông nói chung, giờ phải hài hòa với tất cả nguồn thông tin khác. Tạp chí KTMT muốn đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, phải phối kết hợp với các tờ báo, tạp chí khác, thông tin không nên biệt lập. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo xu hướng “hòa nhập nhưng không hòa tan”, Kinh tế Môi trường luôn làm tốt vai trò tiên phong và định hướng trong tuyên truyền các đường lối, chính sách về phát triển nền kinh tế xanh.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường đang được Quốc hội xem xét, có sự điều chỉnh rất lớn, được coi là quyết sách lớn để phát triển bền vững. Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều chú trọng đến bảo vệ môi trường, một trong những lĩnh vực “sống còn”, ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia. Các quốc đảo có thể bị biến mất vì vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự nóng lên toàn cầu. Đối với Việt Nam, một đất nước ven biển, có thể mất hai vựa lúa: Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, không chỉ là nguồn lương thực chính trong nước mà còn xuất khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến anh ninh lương thực thế giới.

Hiện nay, có lẽ vấn đề môi trường muốn truyền thông được tốt thì trước hết phải quan tâm đến giáo dục môi trường. TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã từng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung ban hành Luật Giáo dục các vấn đề môi trường nên được tích hợp vào một số môn học của các bậc học, thậm chí từ bậc học nhỏ nhất.

Truyền thông là phương tiện truyền tải thông tin mong muốn đến người dân, cần phải mang tính phổ thông, tránh hàn lâm. Kinh tế Môi trường cũng không phải là ngoại lệ, truyền thông không chỉ nói suông mà vấn đề mình tuyên truyền nên có ví dụ cụ thể, về công tác bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên (nên đóng box thông tin để làm dầy hơn nội dung thông tin), lý thuyết phải đi đôi với thực hành.

Tạp chí sẽ hướng theo cách đó và không đứng ngoài xu thế chung, nâng cao việc tích hợp công nghệ 4.0, tiếp tục duy trì các bài khoa học, đào tạo cán bộ trình độ cao để có thêm nguồn lực làm tốt hơn công tác truyền thông.

Minh Phương (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới