Tiếp viên hàng không:'Chừng nào hành khách vẫn lựa chọn, chúng tôi sẽ bay'
Mặc dù lường trước những rủi ro và hiểm nguy lây nhiễm dịch Covid-19 trên mỗi chuyến bay quốc tế, nhưng nhiều tiếp viên hàng không vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Mỗi chuyến bay giờ đây thực sự là một trận chiến.
Nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đi Châu Âu phải khoác trên mình những bộ quần áo bảo hộ đặc chủng để chống dịch. (Ảnh: Báo Giao thông) |
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều 18/3, tại Việt Nam có 68 trường hợp nhiễm Covid-19, trong số này có đến 2 người là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Cùng với đó, khoảng 566 tiếp viên của hãng này đang bị cách ly được xác định là từ F0 - F2 có nguy cơ lây nhiễm corona.
Con số này khiến không ít người giật mình, chia sẻ sự cảm thông, lo lắng với các tiếp viên vì liên tục phải đối mặt với rủi ro hiểm nguy trên những chuyến bay, đặc biệt là bay tới vùng dịch như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc trong thời gian qua. Đã có không ít những bình luận kỳ thị, thậm chí đòi tẩy chay, khiến người trong cuộc không khỏi chạnh lòng.
Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên 169 quốc gia, vùng lãnh thổ, có thể nói tiếp viên hàng không giờ đây đang là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm và gian khổ nhất.
Trước khi thực hiện chuyến bay đi vào tâm dịch Anh tối 17/3, nữ tiếp viên Nguyễn Nguyệt Minh đã có những tâm sự khiến nhiều người không khỏi nghẹn ngào. “Đêm nay, con cùng 15 thành viên khác sẽ trải qua 12 tiếng đồng hồ để bay thẳng vào tâm dịch đón đồng bào về. Nằm miên man lại nghĩ tới tin nhắn mẹ gửi: “Tình hình dịch bệnh sợ thế này hay là xin nghỉ đi con”, cô viết vội vài dòng chia sẻ.
Nữ tiếp viên hàng không bày tỏ trăn trở: "Nếu hỏi rằng có lo lắng hay không? Tất nhiên lo. Hỏi có sợ hay không? Tất nhiên có. Nhưng điều mà con lo hay sợ không phải việc mình có thể bị nhiễm bệnh, hay phải đi cách ly. Vì con luôn tin, Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, chẳng may mắc bệnh cũng được chữa khỏi. Điều khiến con lo sợ là sự kỳ thị, soi xét, tìm đủ mọi lý do đổ lỗi, dùng những từ ngữ thậm tệ nhất để chỉ trích, trì triết với người nhiễm bệnh là 1 tiếp viên hàng không. Chẳng ai muốn bản thân mình sẽ thành cái tên tiếp theo đi kèm 1 con số bị đưa lên tất cả phương tiện truyền thông”.
Nữ tiếp viên Nguyễn Nguyệt Minh. |
Gia đình anh Tuấn (Hà Nội) luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo lắng khi con gái vẫn đang làm nhiệm vụ trên các chuyến bay đi châu Âu kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Gần đây, con gái anh có chuyến bay khởi hành nửa đêm từ Nội Bài đi Charle De Gaulle (Pháp) - nơi đang có hơn 1.100 người mắc Covid-19 và số ca mắc vẫn tăng lên nhanh chóng, khiến cả gia đình đứng ngồi không yên. Trước khi ra sân bay, con gái anh đã nhờ mẹ chuẩn bị thật nhiều thức ăn cùng với cơm để sang đến Pháp ăn ở khách sạn, hạn chế ra ngoài.
“Tôi luôn tin các tiếp viên có sức trẻ, lòng yêu nghề, luôn biết vượt lên gian khó và sống có trách nhiệm với xã hội thì đó đã là thứ vắc xin mạnh nhất để đánh bật Covid-19, không thể để nó thâm nhập vào cơ thể”, anh Tuấn bày tỏ.
Trước đó, một tiếp viên của Vietnam Airlines viết những dòng chia sẻ xót xa trên trang Facebook cá nhân: “Có những chuyến bay dài, tiếp viên phải đeo khẩu trang liên tục mười mấy giờ đồng hồ, tính từ khi ra khỏi nhà đến khi lên máy bay, hạ cánh và về khách sạn. Vệt khẩu trang xước hằn lên má, thậm chí làm rách cả mang tai”.
Chưa hết, các nữ tiếp viên hàng không cho biết, khi bay tới châu Âu giữa lúc dịch bệnh đang lan tràn, việc đeo khẩu trang bảo vệ bản thân khi đi mua đồ ăn lại bị người dân nước sở tại kỳ thị, bị quay phim, chụp ảnh, thậm chí là dọa đánh, đuổi. Còn “bỏ khẩu trang ra, hoặc là hãy ra khỏi đây” là điều luôn trăn trở, giằng xé trong lòng họ mỗi khi bước ra đường. Nhưng họ vẫn phải đi mua sắm thực phẩm bởi chỉ có thể mang theo mì gói khi nhập cảnh vào nước sở tại.
Còn khi về nước, trên mỗi chuyến bay trở theo hàng trăm hành khách, trong thời gian bay dài 12-14 giờ liền, họ lại đối mặt với nguy cơ lây nhiễm hoặc mang virut về nước. Do đó, đoàn tiếp viên khi về nước sẽ phải cách ly tập trung trong 14 ngày, phải xa gia đình, chồng con, bố mẹ...
Khi dịch bệnh bùng phát ở châu Âu, châu Mỹ, nhiều tiếp viên hàng không rất lo ngại nguy cơ bị lây nhiễm bệnh do mỗi chuyến bay tiếp xúc hàng trăm, hàng nghìn hành khách đến từ nhiều quốc gia và cũng tiềm ẩn nhiều nguồn lây bệnh. Do đó tiếp viên càng bay nhiều thì càng nguy hiểm bởi mỗi chuyến bay là một trận chiến.
Không ai biết trước được chuyến bay của mình có hành khách nào nhiễm bệnh không, liệu con virus đấy có chừa mình ra không. Nếu may mắn, kết thúc mỗi chuyến bay họ được trở về với gia đình. Còn tiếp viên nào kém may mắn thì được chuyển tới thẳng nơi cách ly, nặng phải mang theo 2 chữ “dương tính”.
Tuy nhiên không vì thế mà họ sợ hãi hay bỏ chạy. Nhiều người thậm chí đã xung phong được làm nhiệm vụ trên những chuyến bay vào tâm dịch như chuyến bay đến Vũ Hán ngày 10/2 vừa qua. Để có thể đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước an toàn, các thành viên của phi hành đoàn đã có 9 giờ đồng hồ liên tục không ăn uống, thậm chí không cả đi vệ sinh, mồ hôi ròng ròng trong bộ đồ bảo hộ kín mít.
Tuy nhiên, những khó khăn ấy không khiến họ nao lòng, một nữ tiếp viên đã không ngần ngại chia sẻ: “Chừng nào hành khách vẫn lựa chọn, chúng tôi sẽ bay. Chừng nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ, chúng tôi sẽ đón”.
Hiện nay, Vietnam Airlines có 566 tiếp viên đang bị cách ly và theo dõi vì có tiếp xúc với hành khách dương tính với Covid-19 hoặc trở về từ vùng dịch. Ngoài 2 tiếp viên bị xác định dương tính với Covid-19, hàng trăm tiếp viên còn lại đang được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế và điểm tập trung cách ly.
Trong thời điểm dịch bệnh lan rộng và kéo dài nhiều tháng, hoạt động kinh doanh của nhiều hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways... đều rơi vào tình cảnh rất khó khăn, buộc phải giảm nhân viên, cắt giảm lương... Nhiều tiếp viên phải nghỉ làm, hoãn kí hợp đồng và nghỉ luân phiên. Điều này đồng nghĩa với việc lương và thu nhập giảm sút.
Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines Phan Ngọc Linh chia sẻ: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airline đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay, nhưng sẽ không sa thải người lao động, trường hợp xấu hãng đã có phương án trả lương cho người lao động theo quy định về mức tối thiểu vùng. Việc nghỉ làm hoãn hợp đồng và nghỉ luân phiên chỉ là chính sách buộc phải thực hiện để giảm gánh nặng chung trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cũng rất mừng vì các tiếp viên sẵn sàng chia sẻ với khó khăn chung của hãng, trong đó nhiều tiếp viên tự nguyện không nhận lương chức danh, người tiếp viên không ngại dịch bệnh lây lan vẫn xin được đi bay”.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, từ cuối tháng 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Tính đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay. Cụ thể, các hãng hàng không đã cắt toàn bộ chuyến bay Trung Quốc, Hàn Quốc; cắt giảm 25% số chuyến bay Đài Loan (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần), trong đó, các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần, so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019). Đường bay Hồng Kông cũng đã cắt giảm tới 69% số chuyến bay (còn 36 chuyến/tuần, so với 115 chuyến/tuần cuối năm 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (so với 47 chuyến/tuần cuối năm 2019). Đường bay Nhật Bản hiện chưa cắt giảm chuyến bay (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), nhưng các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Theo ước tính, thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỉ đồng. Con số này đã tăng mạnh so với những ước tính trước đó: khoảng 10.000 tỉ đồng hồi đầu tháng 2 và 25.000 tỉ đồng cuối tháng 2. |
Mai Anh