Chủ nhật, 24/11/2024 05:32 (GMT+7)
    Thứ bảy, 12/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/3

    Theo dõi KTMT trên

    Bắc Giang: Cứ 100 lô đất đưa ra đấu giá, có 16 lô bỏ cọc; Công an vào cuộc vụ dựng trò 'sốt đất'…; Giá nhà tại TP.HCM liên tục lập đỉnh… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Bắc Giang: Cứ 100 lô đất đưa ra đấu giá, có 16 lô bỏ cọc

    Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết, tỷ lệ số lô đất đấu giá bỏ cọc trên địa bàn tỉnh đến hơn 16%, tức cứ 100 lô được đưa ra đấu giá thì có trung bình 16 lô bỏ cọc.

    Tại Hội nghị đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang Lê Anh Tuấn cho biết, các hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đấu giá tài sản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đấu giá tài sản thi hành án; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất ở.

    Về đấu giá đất ở, trong 2 năm (2020-2021), tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, số lô đấu thành 7.720 lô, số lô bỏ cọc là 1.471. Ông Tuấn cho hay, tổng giá bán khởi điểm là hơn 10 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền trúng đấu giá thu được là hơn 11,8 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch là hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu này, tỷ lệ số lô bỏ cọc trên tổng số lô được đưa ra đấu giá lên đến hơn 16%; tức, cứ 100 lô được đưa ra đấu giá thì có trung bình 16 lô bỏ cọc.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/3 - Ảnh 1
    Lô đất 130 m2 tại thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, Bắc Giang có giá khởi điểm 4 tỷ đồng được bỏ giá 8,7 tỷ đồng rồi bỏ cọc.

    Lô đất 130 m2 tại thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, Bắc Giang có giá khởi điểm 4 tỷ đồng được bỏ giá 8,7 tỷ đồng rồi bỏ cọc.

    Ông Tuấn thừa nhận, do hoạt động đấu giá tài sản có tính chất phức tạp; việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản còn phụ thuộc vào sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan; do đó hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này một số mặt còn chưa cao.

    Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong giám sát các cuộc đấu giá còn có lúc chưa được tốt; công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá còn chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá tính răn đe chưa cao…

    Công an vào cuộc vụ dựng trò 'sốt đất', phân lô bán nền như đi hội

    UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã chỉ đạo công an huyện, cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc cò đất dựng trò "sốt đất", nô nức phân lô bán nền như đi hội ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, nếu trường hợp phát hiện sai phạm về quản lý đất đai thì sẽ xử lý nghiêm.

    Liên quan đến vụ dựng trò “sốt đất”, phân lô bán nền như đi hội ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị mới đây, ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, vừa chủ trì xong cuộc họp khẩn liên quan đến vụ việc.

    Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc, nếu trường hợp phát hiện sai phạm về quản lý đất đai thì sẽ xử lý nghiêm.

    Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hài, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái cho biết, thửa đất nơi xảy ra vụ việc phân lô, bán nền được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) vào năm 1999 cho hộ ông T.S ở thôn Hà Xá, bao gồm đất ở lâu năm và đất vườn. Sau đó ông T.S tặng khu đất cho con là T.T.B. với diện tích 1.552 m2, trong đó có 150 m2 đất ở.

    Năm 2021, ông B. tách khu đất thành 03 thửa, trong đó 02 thửa chuyển nhượng cho 2 hộ khác; sau đó cả 03 hộ làm thủ tục chuyển thêm sang mục đích đất ở, với diện tích 1.280 m2.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/3 - Ảnh 2
    UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã chỉ đạo công an huyện, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc cò đất bày trò "sốt đất", nô nức phân lô bán nền như đi hội, nếu trường hợp phát hiện sai phạm về quản lý đất đai thì sẽ xử lý nghiêm.

    Đến ngày 27/1/2022, 03 hộ trên chuyển nhượng các thửa đất lại cho một số cá nhân ở TP Đông Hà và Thừa Thiên Huế. Sau đó, các chủ sử dụng đất mới đã san gạt mặt bằng, cắm cọc phân định ranh giới (khoảng cách các cọc 5 - 6m bám theo đường, có đánh số thứ tự theo đường giao thông của thôn (từ 1 - 12), lắp 5 đèn chiếu sáng và gia cố lề đường bằng bê tông xi măng (rộng 0,5m, dài 50m). Tuy nhiên, theo hồ sơ địa chính thì khu đất chỉ có 03 thửa (03 giấy chứng nhận QSDĐ).

    Thông tin thêm về khu đất vừa gây xôn xao, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, khu vực này hiện chưa có nước sạch, chưa được quy hoạch điểm dân cư. Do vậy, việc một đơn vị hay cá nhân nào đó tự ý cắm cọc, phân lô là sai quy định.

    Giá nhà tại TP Hồ Chí Minh liên tục lập đỉnh

    Thời gian qua, giá nhà ở TP.HCM vẫn liên tục bị xô đổ. Căn hộ bình dân chạm mốc gần 60 triệu đồng/m2. Riêng phân khúc nhà phố đã lên mức 200-300 triệu đồng/m2.

    Theo khảo sát từ Cushman & Wakefield Việt Nam, mặt bằng giá nhà ở tại TP Hồ Chí Minh trong năm ngoái đã tăng hơn 15%. Căn hộ hạng cao cấp tiếp tục chiếm ưu thế về nguồn với mức giá trung bình đạt hơn 140 triệu đồng/m2, tăng 23% theo năm.

    Đầu tháng 3, tức sau hai tháng kể từ khi các cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) lập đỉnh, giá chào bán nhà ở đã có sự thay đổi. Ví dụ câu chuyện dự án The Global City tại TP Thủ Đức công bố giá cao ngất ngưỡng, từ 350 triệu đồng mỗi m2 nhà phố thương mại. Trong khi trước đó, giá chào bán nhà đất tại khu vực này chỉ dao động ở mức 270-300 triệu đồng/m2, tức là giá đã tăng từ 15-20%.

    Hiện việc tăng giá cao ở một số dự án được cho là chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường bởi theo nghiên cứu, Việt Nam vẫn có nhóm người thu nhập cao hấp thụ những sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp.

    Đơn cử như theo số liệu báo cáo Thịnh vượng mới nhất của Knight Frank, trong 5 năm tới, dự báo mức tăng trưởng số người siêu giàu ở Việt Nam là 26%, ngang với Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc). Những số liệu này được xem là cơ sở để nhiều chủ đầu tư tiếp tục theo đuổi phân khúc cao, siêu cao cấp trong thời gian tới.

    Ăn theo thông tin xây dựng Vành đai 4, giá đất vùng ven Hà Nội đang “dậy sóng”

    Từ khi thông tin xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được công bố, bất động sản khu vực ven Hà Nội - nơi đường vành đai 4 đi qua đang “nóng” lên từng ngày.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/3 - Ảnh 3

    Theo phương án thiết kế, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.

    Anh Tạ Minh - một nhà đầu tư khu vực vùng ven Hà Nội cho biết: “Với những quận/huyện đường Vành đai 4 đi qua có Thường Tín, Quốc Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn là những điểm trũng về giá mà nhà đầu tư nào muốn “ăn” theo quy hoạch nên chú ý.

    Đặc biệt, tại hai khu vực Thường Tín, Sóc Sơn; nhà đầu tư dễ dàng “ăn” gấp đôi, ba lần. Tuy nhiên, ở những khu vực này cần phải  xác định đầu tư trung hạn (từ 2-3 năm) và dài hạn thì mới đạt được kỳ vọng”.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới