Chủ nhật, 24/11/2024 10:34 (GMT+7)
    Thứ năm, 17/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/3

    Theo dõi KTMT trên

    "Tuyệt chủng" nhà giá rẻ trên thị trường; Mạnh tay xử lý ‘sốt đất ảo’ đảm bảo an toàn cho người có nhu cầu thực; Cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hoạt động đấu thầu đất… là tin bất động sản nổi bật trong ngày hôm nay.

    'Tuyệt chủng' nhà giá rẻ trên thị trường

    Thị trường bất động sản những năm vừa qua méo mó về nguồn cung khi hoàn toàn lệch pha về bất động sản cao cấp. Trong khi đó, nhà ở vừa túi tiền không còn tồn tại ở TP.HCM.

    Một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM báo giá xi măng Hà Tiên 1 tăng thêm 5.000 đồng/bao, lên 92.000 đồng/bao 50 kg. Nhiều chủ cửa hàng vật liệu dự báo, giá sẽ còn tiếp tục tăng bởi Công ty CP xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) thông báo sẽ tăng giá bán 100.000 đồng/tấn từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/3 - Ảnh 1
    Giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng.

    Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, xi măng trong nước đang có áp lực tăng giá lớn khi các nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá. Theo nhiều nhà thầu xây dựng, giá xăng dầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với hồi đầu năm khiến cho chi phí các ca máy thi công trên các công trường xây dựng bị đội lên rất cao

    Không chỉ xi măng, thép cũng liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Chỉ trong những ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng liên tục tăng 600.000-1.400.000 đồng/tấn tùy loại. Các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng cao. Tại một số điểm bán vật liệu xây dựng ở TP.HCM, giá cát đang ở mức 300.000 đồng/m3, tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm, còn gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên.

    Mạnh tay xử lý ‘sốt đất ảo’ đảm bảo an toàn cho người có nhu cầu thực

    Sau một thời gian ngắn tạm lắng, tình trạng “sốt ảo” giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong các tháng đầu năm 2022.

    Trước tình trạng một số nơi đang có dấu hiệu “sốt ảo” giá đất trở lại, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần có phương án đồng bộ, xử lý kịp thời, mạnh tay hơn trước tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ các “cò đất, cò nhà,” để đảm bảo quyền lợi cho những người có nhu cầu thực.

    Những ngày đầu tháng 3/2022, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm người tụ tập ở một khu đất trống có phần hẻo lánh trên địa bàn xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để giao dịch, mua bán đất.

    Đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn, các lô đất tại một khu làng có phần hẻo lánh của xã Triệu Ái đã được các “cò” đất thi nhau đẩy giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Hoạt động trên xuất hiện trong nhiều đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội.

    Theo dõi thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết “sốt ảo” giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong các tháng đầu năm 2022.

    Đáng chú ý là ngay sau các cuộc đấu giá đất “phá vỡ” mặt bằng giá thị trường tại Thủ Thiêm, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá “ảo” để “té nước theo mưa,” cũng như “thổi” giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương hoặc để trục lợi.

    Cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hoạt động đấu thầu đất

    Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi tường Trần Hồng Hà về tầm quan trọng của việc cần thiết bổ sung các quy định của pháp luật trong quản lý đất đai để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đang có những hạn chế, dẫn tới xuất hiện hiện tượng giá đất bị đẩy lên cao quá giá trị thật trong các phiên đấu giá đất gây những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

    Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện đang tồn tại sự bất cập trong quy định nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá. Luật Đấu giá 2016 quy định “phải nộp tiền đặt trước” với mức “tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá,” nhưng lại không có quy định nhà đầu tư phải nộp thêm tiền, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư “trả giá” đất cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm.”

    Luật Đấu giá 2016 cũng chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính,” hoặc điều kiện “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

    Điều này dẫn đến trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đã nộp “tiền đặt trước” có giá trị thấp, nhưng sau cuộc đấu giá đã bỏ không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất “tiền đặt trước”; hoặc có trường hợp nhà đầu tư “dây dưa” kéo dài việc thanh toán.

    Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cần khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.

    Kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật…

    Tăng cường kỷ luật trong quản lý Nhà nước về đất đai, pháp lý condotel, officetel, shophouse

    Trong quản lý Nhà nước về đất đai cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương: Về phản ánh của đại biểu đối với những bức xúc trước hiện tượng đấu giá đất có chuyện "bắt tay ngầm," nhà đầu tư bỏ giá trên trời rồi bỏ cọc, điển hình là vụ đấu giá ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vừa qua, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất, gây sốt đất ảo, thiết lập giá đất mới trong quá trình giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận việc đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn có tình trạng dìm giá…

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/3 - Ảnh 2
    Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về pháp lý condotel, officetel, shophouse tại Quốc hội ngày 16/3. (Ảnh: Ngọc Thắng)

    Hiện tượng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản, ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế, hệ lụy đặc biệt tới cả ngành ngân hàng.

    Vấn đề về chuyện "quân xanh - quân đỏ," Bộ trưởng khẳng định phải tăng cường thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan công quyền; bởi đã có thực trạng suy thoái của cán bộ, cùng với nhà đấu giá lợi dụng việc này.

    Phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề "đấu giá bỏ cọc". Bên tham gia đấu giá bỏ cọc thì phải có chế tài xử lý mạnh để họ không tham gia được; có chế tài "đánh" vào kinh tế để đảm bảo sức răn đe, Bộ trưởng cho hay.

    Về pháp lý condotel, officetel, shophouse: Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, những loại hình bất động sản kể trên là sản phẩm sử dụng đa mục đích. Theo góc độ của luật Đất đai thì sản phẩm của các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, shophouse… không vướng mắc gì.

    Bộ trưởng Hà nói: “Tôi cho rằng, nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định. Nhưng ở đây, tôi cho rằng, các giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế, có kèm theo rủi ro”.

    "Địa phương nào sai thì phải làm lại".

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới