Chủ nhật, 24/11/2024 08:38 (GMT+7)
    Thứ ba, 05/04/2022 21:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/4

    Theo dõi KTMT trên

    Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất dự án chậm triển khai; Cả làng đi buôn đất, truyền nhau cơ hội hốt tiền tỷ; Nguyên nhân diễn ra “sốt đất” ở nhiều nơi… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất dự án chậm triển khai

    Cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 29 dự án, tổng diện tích 1.844,3 ha.

    UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    Theo báo cáo, đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra đối với 135 dự án.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/4 - Ảnh 1
    Nhiều dự án bỏ hoang ở Hà Nội, gây lãng phí nguồn lực. (Ảnh: PV)

    Kết quả có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 74 dự án UBND thành phố đã có kế hoạch số 235 ngày 21/10/2021 giao Sở KH&ĐT tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

    Với các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra đối với 404 dự án.

    Kết quả cho thấy, 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vi phạm pháp luật đất đai, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm;

    29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất, kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất;

    60 dự án với tổng diện tích ̣95 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng. Chủ đầu tư phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng. UBND thành phố đã xác định số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng với tổng số tiền 209,346 tỷ đồng;

    63 dự án với tổng diện tích 1.426,1 ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích 92,1 ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

    Cả làng đi buôn đất, truyền nhau cơ hội hốt tiền tỷ

    Giá đất ở Việt Nam luôn tăng và chưa bao giờ giảm. Việc người dân bỏ tiền vào nhà đất nhiều gấp 3-4 lần đầu tư sản xuất kinh doanh là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế.

    Trên các trang mạng hiện nay, không ít “chuyên gia” đưa ra lời khuyên dành cho những ai muốn làm giàu, đó là tham gia buôn đất. Nhiều các bài phân tích cho rằng, bất động sản sẽ còn tăng giá liên tục từ nay đến năm 2024. Đầu tư bất động sản chắc chắn sẽ lãi cao.

    Chẳng hạn, nhìn vào tương lai thì vùng ven vành đai 4 Hà Nội sẽ tăng cao. Vành đai 4 bây giờ cũng giống như vành đai 3 cách đây 20 năm, tương lai sẽ là nơi phát triển, mở rộng không gian đô thị của Thủ đô. Trong khi, giá đất tại khu vực vùng ven vành đai 4 đang chênh lệch quá nhiều so với vùng ven vành đai 3 nên sẽ còn tăng. Những chỗ giá rẻ bây giờ là có tiềm năng nhất.

    Tương tự như vậy là vùng ven vành đai 4 với TP.HCM. Đây là hai đô thị lớn nên được nhà nước ưu tiên cao nhất, đầu tư công nhiều nhất, là nơi dân số các tỉnh chuyển về sinh sống ngày càng đông, là nơi có việc làm tốt, thu nhập cao thì bất động sản mới có giá cao.

    Có “chuyên gia” đất đai còn khuyên, nếu tất tay đầu tư bất động sản ở các tỉnh khác thì có thể rủi ro vì đã tăng ảo, còn tại Hà Nội và TP.HCM thì luôn tăng trưởng bền vững, nên tất tay đầu tư vào đây rất yên tâm.

    “Sóng bất động sản còn kéo dài đến 2024, ai bỏ qua cơ hội này thì sẽ bị tụt hậu, bị bần cùng hoá, mất đi cơ hội đổi đời, nhân tài sản lên 2 tới 3 lần. Cơ hội này không phải lúc nào cũng có, ai ko tận dụng là dại. Đi làm thuê hay sản xuất kinh doanh làm gì có ngành nghề nào lãi tới 200-300%/năm. Còn đầu tư bất động sản thì cả triệu người Việt Nam đã lãi 200-300% trong giai đoạn 2020-2022 và sẽ có thêm hàng triệu người nhân gấp 2 đến 3 lần tài sản của mình trong giai đoạn 2022-2024 nữa... Vậy nên mới có chuyện người giàu càng giàu hơn, người nghèo thì càng nghèo hơn. 'Cày cuốc' toát mồ hôi 10 năm cũng không bằng giá đất tăng một nhịp", cò đất quảng cáo.

    Nguyên nhân diễn ra “sốt đất” ở nhiều nơi

    Vịn vào nguyên nhân quy hoạch được triển khai, nhiều người đã gom đất rồi làm giá, tạo sóng thị trường khiến giá đất tăng liên tục. Bên cạnh đó, nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung cũng dẫn tới giá bất động sản tăng mạnh thời gian qua từ Bắc - Nam.

    Từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản đã chứng kiến “cơn sốt” đất nền xuất hiện khắp từ Bắc vào Nam. Đến giữa năm, do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơn sốt dần hạ nhiệt.

    Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, cơn sốt đất đã quay trở lại một số địa phương. Đơn cử, tại Bình Phước mới đây, ngay sau thông tin Bình Phước đề xuất Chính phủ làm cầu bắc qua sông Mã Đà để rút ngắn 60km đi sân bay quốc tế Long Thành, tình trạng sốt đất đã xuất hiện trên tuyến đường ĐT 753 (đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú). Tại Hà Tĩnh, những ngày vừa qua, cơn sốt đất cũng khiến nhiều vùng quê ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang,… náo loạn. Giá đất được thổi lên cao chóng mặt do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

    Liên quan đến tình trạng giá đất nhiều nơi trên cả nước tăng nhanh, tại buổi Họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng.

    Những vướng mắc cản trở tiến độ tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

    Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Hiện, 14/17 đoàn tàu metro đã được đưa về TP.HCM chuẩn bị vận hành thử nghiệm trong năm nay.

    Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) có báo cáo gửi UBND TP.HCM về các vướng mắc liên quan tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/4 - Ảnh 2

    Vướng mắc thứ nhất là vấn đề điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Hồi tháng 2, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho MAUR tiếp tục triển khai các công việc của dự án metro số 1 song song với quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành. Dự án cần điều chỉnh thời gian là do chậm tiến độ, ảnh hưởng của dịch bệnh, thủ tục ký kết phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung với tư vấn chung kéo dài…

    Trước tình hình trên, MAUR kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét, tổng hợp báo cáo thành phố thông qua nội dung công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng xem xét.

    Vướng mắc thứ 2 là gỡ nút thắt thỏa thuận vay lần 4. Hoàn thành giải ngân khoản vay này cũng nhiệm vụ chủ đầu tư đặt ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, MAUR kỳ vọng sớm hoàn thành xác định vốn ODA cấp phát còn lại của dự án bổ sung vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương cho kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của dự án.

    Năm 2020, phân bổ nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho tuyến metro số 1 hơn 2.000 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân vốn này do các Bộ ngành Trung ương chưa có ý kiến thống nhất về giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại cho dự án. Hiện, vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị ODA cấp phát còn lại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù UBND TP.HCM đã nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

    Vướng mắc thứ 3 là vấn đề chậm ký kết phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng Tư vấn chung). Việc trì hoãn ký kết phụ lục này đã ảnh hưởng đến nhiều đầu việc quan trọng như: Tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin...

    Gói thầu tư vấn dự án metro số 1 được MAUR và NJPT (liên danh tư vấn chung) ký kết năm 2007, trị giá gần 1.300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, hợp đồng này phát sinh chi phí nên giai đoạn 2009-2017, MAUR đã thực hiện thủ tục ký kết 18 phụ lục hợp đồng, đến cuối năm 2021 nên phát sinh phụ lục hợp đồng số 19 với tổng giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.

    Vướng mắc thứ 4 liên quan sự cố làm rơi và dịch chuyển gối cầu tại 6 vị trí trên toàn tuyến metro. Các gối cầu đã được khắc phục ngay sau đó, tuy nhiên đã hơn một năm điều tra và đánh giá, kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới