Tín dụng ngân hàng 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng thêm chưa đầy 5.000 tỉ
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước.
Đã đến lúc các ngân hàng "chính thức" chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Tình hình dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp trong nước nói riêng gặp không ít khó khăn. Mặc dù các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp song vẫn ghi nhận trường hợp tăng trưởng âm 2% ngay tại ngân hàng có quy mô tín dụng lớn nhất Việt Nam là BIDV.
So với tổng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2019, tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng thêm gần 5.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây cho thấy, đã đến lúc các ngân hàng thực sự chịu tác động từ dịch Covid-19.
Báo cáo nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI mới đây đánh giá, ngành ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch Covid-19 đang lan rộng toàn thế giới. Vì thế, ngoài giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại 23 tổ chức tín dụng mới đây cho thấy, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính lên tới 926.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn và từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn.
Sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã “bộc lộ” khá rõ tại các ngân hàng trong nước cho đến thời điểm này.
Theo ước tính của VPBank, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động trong đợt dịch bệnh Covid-19 có thể lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Agribank "lo ngại" việc gia tăng nợ xấu do dịch Covid-19 lan rộng và kéo dài. |
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay ngân hàng này hiện đang lo lắng về khả năng gia tăng tỉ lệ nợ xấu đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Bởi thực tế, nông nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu cho vay của Agribank. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề, là nguyên nhân chính khiến các khách hàng của Agribank khó có khả năng trả nợ.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 7/3 mới đây, BIDV cũng đã cho thấy những “kịch bản” tăng trưởng của mình với mục tiêu thận trọng tín dụng tăng 9%. Song, ngân hàng này cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, BIDV sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng theo hướng linh hoạt.
Do đó mặc dù đã công bố gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 120.000 tỉ đồng, nhưng trước mắt BIDV chỉ triển khai khoảng dưới 30.000 tỉ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong vòng 3 tuần qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho trên 44.000 khách vay với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, cũng như giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải đảm bảo một số nội dung quan trọng. Như quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi kiếm tra, kiểm soát việc trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Đối với những tác động xa hơn của Covid-19, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về mức tăng trưởng tín dụng 10% trong năm 2020 khi mà tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng sang các đối tác quan trọng khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Mỹ.
Tất cả đều kỳ vọng vào những phương án phát triển của một số ngân hàng quy mô lớn có thể phần nào vực dậy nền kinh tế ở cả giai đoạn trước mắt cũng như khi dịch bệnh đã chính thức được dập tắt trong những tháng tới.
Nhật My