Chủ nhật, 24/11/2024 09:42 (GMT+7)
    Thứ sáu, 11/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 11/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Giá xăng tăng sát mốc 30.000 đồng/lít; Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế từ 15/3... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 11/3/2022.

    Giá xăng tăng sát mốc 30.000 đồng/lít

    Chiều 11/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

    Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 11/3/2022 - Ảnh 1
    Giá xăng tăng sát mốc 30.000 đồng/lít.

    Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.

    Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel tăng lên 25.268 đồng/lít; dầu hỏa là 29.913 đồng/lít và dầu mazut là 20.987 đồng/kg.

    Bộ Tài chính đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng

    Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

    Theo đó, đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

    Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng). Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.

    Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế từ 15/3

    Từ ngày 15/3 tới đây, mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch được yêu cầu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất từ lãnh thổ Việt Nam.

    Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát hoàn toàn, nhằm chống chuyển tải bất hợp pháp và ngăn chặn nguy cơ gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch, mới đây, Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 11/3/2022 - Ảnh 2
    Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế từ 15/3.

    Theo đó, kể từ ngày 15/3, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với các mã hàng 6307.90.40 và 6307.90.90 của khẩu trang y tế; mã hàng 3926.20.90, 4015.11.00 và 4015.19.00 của găng tay y tế; bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) mã hàng 6210.10.90 cũng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

    Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 15/3/2022, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy đinh.

    Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022, áp dụng cho thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

    Ngành tôm đặt mục tiêu năm 2022 xuất khẩu hơn 4 tỷ USD

    Ngày 11/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 và ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước.

    Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; trong đó, tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ 125.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021). Đối với nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000 - 210.000, tôm sú 60.000 con; tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con.

    Năm 2022, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại, phân tích những thách thức, Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống; giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh... để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.

    EU tìm cách giảm thiểu thiệt hại từ lệnh trừng phạt Nga

    Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/3 đề nghị tạm thời nới lỏng các quy định trong Liên minh châu Âu (EU) về hỗ trợ nhà nước, theo đó cho phép chính phủ các nước thành viên giúp các công ty gặp khó khăn về thanh khoản do các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

    Cơ quan hành pháp EU cho biết sự hỗ trợ này có thể dưới hình thức bảo lãnh và các khoản vay được trợ giá.

    Đề xuất này cũng tạo điều kiện để các chính phủ triển khai các khoản trợ cấp nhằm bù đắp phần nào thiệt hại của những đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, bị ảnh hưởng bởi việc giá nhiên liệu tăng.

    Quan chức phụ trách cạnh tranh của EC, bà Margrethe Vestager nói: "Chúng tôi sẵn sàng phát huy toàn bộ sự linh hoạt của bộ công cụ hỗ trợ quốc gia để giúp các nước thành viên hỗ trợ các công ty và lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng."

    EC đã đề nghị các nước thành viên phản hồi về ý tưởng này, ví dụ như số lượng hỗ trợ được phép, cách thức xác định đối tượng sử dụng nhiều năng lượng và liệu hỗ trợ có cần đi kèm điều kiện môi trường không.

    Tuy nhiên EC không cho biết việc nới lỏng các quy định sẽ kéo dài bao lâu.

    Các quy định được nới lỏng sẽ tương tự các quy định được áp dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Khi đó, các chính phủ bơm hàng tỷ euro cho các công ty trong mọi lĩnh vực, từ các hãng hàng không cho đến các nhà hàng.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 11/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới