Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ tư, 14/12/2022 17:12 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/12

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng nhà nước đặt lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023 là 5,0%; Công ty chứng khoán bị phạt cả tỉ đồng vì hàng loạt vi phạm... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 14/12.

ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022

Trong báo cáo công bố hôm nay (14/12), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang xấu đi.

Theo đó, ADB đã hạ dự báo lạm phát ở khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương từ 4,5% xuống còn 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này nâng dự báo cho năm sau từ 4,0% lên 4,2%, do áp lực lạm phát kéo dài từ giá năng lượng và thực phẩm.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/12 - Ảnh 1
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022.

Tuy thương mại tiếp tục tăng trưởng, theo ADB, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.

Theo ADB, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực, cũng như cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, các đợt phong tỏa phòng chống dịch Covid ở Trung Quốc đang làm chậm quá trình phục hồi của châu Á.

Chính sách Zero-Covid, cùng với một thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, một lần nữa khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc bị hạ thấp.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định rằng, châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi, có nghĩa là đà phục hồi sẽ chững lại khi sang năm mới. Các chính phủ sẽ cần hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua những thách thức kéo dài của Covid-19, chống lại tác động của giá lương thực và năng lượng cao - đặc biệt là đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương - và bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn diện và bao trùm.

Dự báo tăng trưởng của ADB cho Đông Nam Á trong năm nay đã được nâng từ mức 5,1% lên 5,5%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo cho năm tới giảm từ 5% xuống còn 4,7% do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Bất ngờ giá USD cuối năm, kiều hối đổ về mạnh

Đến trưa 14/12, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 23,370 đồng/USD, bán ra 23.650 đồng/USD, giảm thêm 50 đồng so với buổi sáng và giảm tổng cộng 170 đồng so với hôm qua.

Eximbank niêm yết giá USD mua vào 23.350 đồng/USD, bán ra 23.620 đồng/USD, thấp hơn giá giao dịch tại Vietcombank.

Một số ngân hàng khác mua bán USD ở mức thấp hơn, như tại Sacombank, giá USD được điều chỉnh giảm sâu xuống 23.360 đồng/USD mua vào, 23.580 đồng/USD bán ra.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/12 - Ảnh 2

Nếu so với mức đỉnh của giá USD trong khoảng 3 tháng qua ở vùng 24.888 đồng/USD, giá USD đã giảm tới khoảng 5,5%.

Tương tự, giá USD trên thị trường tự do cũng đi xuống. Một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD mua vào 24.050 đồng/USD, bán ra 24.120 đồng/USD, lùi về sát vùng 24.000 đồng/USD và không chênh lệch quá lớn so với USD ở ngân hàng thương mại. Nếu so với đỉnh của giá USD tự do tới 25.400 đồng, hiện giá USD đã giảm tới 5,2%.

Không chỉ giá USD ngân hàng và tự do, Ngân hàg Nhà nước cũng đã 4 lần điều chỉnh hạ giá bán USD tại sở giao dịch trong thời gian ngắn, đưa giá bán xuống 24.830 đồng/USD, giảm 40 đồng/USD so với mức đỉnh trước đó.

Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tuần mới nhất, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho biết mức tăng giá rõ rệt của VNĐ trong những tuần qua và hiện tại đã quay về quanh vùng mất giá kỳ vọng hằng năm của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, SSI dự báo xu hướng đi ngang của tỉ giá trong thời gian còn lại của năm.

"Tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VNĐ và USD. Các yếu tố cơ bản liên quan nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, vốn đầu tư gián tiếp, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân" – chuyên gia phân tích của SSI nhận xét.

Việc hạ nhiệt tỉ giá USD/VNĐ có ảnh hưởng lớn từ việc đồng USD rớt mạnh trên thị trường quốc tế. Hiện chỉ số đồng USD chỉ còn 103,65, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua sau khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát giảm mạnh hơn dự báo.

Kiều hối tăng mạnh cuối năm cũng góp phần giảm bớt áp lực tỉ giá USD/VNĐ. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết dự báo lượng kiều hối đổ về thành phố cả năm nay khoảng 6,8 tỉ USD.

Tốc độ tăng trưởng của lượng kiều hối về TP HCM năm nay tuy thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn là mức tốt trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới. Từ nhiều năm qua, TP HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm ngoái, lượng kiều hối TP HCM đạt khoảng 6,5-6,6 tỉ USD

Công ty chứng khoán bị phạt cả tỉ đồng vì hàng loạt vi phạm

Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng tỉ đồng đối với hàng loạt công ty chứng khoán.

Cụ thể, UBCKNN đã xử phạt tổng cộng 985 triệu đồng đối với Công ty CP chứng khoán APG (mã APG) vì đã có loạt vi phạm.

Cụ thể, APG bị phạt công ty này 60 triệu đồng do lập, xác nhận hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác; bị phạt 100 triệu đồng theo do không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật. Cụ thể công ty không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội các tài liệu báo cáo quý của năm 2021 đến quý I/2022. Không cáo của tổ chức cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; không báo cáo quý III/2021 và báo cáo năm 2021 của tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu…

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/12 - Ảnh 3

Bên cạnh đó, công ty bị phạt 125 triệu đồng do không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán hoặc phát hành riêng lẻ. Cụ thể các trái chủ mua trái phiếu APGH2124001 phát hành trong năm 2021 của công ty là 29 nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng công ty không lưu giữ tài liệu về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các cá nhân này…

Đặc biệt, công ty này còn bị xử phạt 175 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch về tỉ lệ an toàn tài chính trong năm 2022… bị buộc khắc phục sửa chữa; bị phạt 175 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay. Nặng nhất là bị xử phạt 350 triệu đồng vì do sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Ngoài APG, công ty CP Chứng khoán SSI đã bị xử phạt tổng cộng 200 triệu đồng vì cho khách hàng vay tiền thông qua hợp đồng ký gửi và mua bán trái phiếu, hợp đồng đặt mua chứng khoán.

Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định, bao gồm các nghị quyết hội đồng quản trị thông qua nhiều nội dung quan trọng như vay vốn ngân hàng, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đầu tư trái phiếu...

Công ty CP Chứng khoán An Bình bị phạt tổng cộng 310 triệu đồng vì đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ. Cụ thể, trong năm 2021 và 2022, công ty này đã phối hợp với tổ chức tín dụng để cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán khi chưa được UBCKNN chấp thuận.

Trước đó, một số công ty chứng khoán khác cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng bị khiển trách như: Chứng khoán Tân Việt, Chứng khoán Navibank, Chứng khoán Shinhan Việt Nam.

Ngân hàng nhà nước đặt lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023 là 5,0%

Ngân hàng Nhà nước vừa vừa ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở.

Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5%/năm. So với trước đó, lãi suất vay mua nhà ở xã hội kể từ năm 2021 đến trước thời điểm quyết định ban hành được duy trì ở mức 4,8%/năm.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/12 - Ảnh 4

Được biết, trong thời gian trước đây, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng cho các khoản vay hỗ trợ nhà ở có lúc lên tới 6%/năm. Đến năm 2019 giảm xuống còn 5%/năm. Và từ năm 2021 đến nay ở duy trì ở mức 4,8%/năm.

Như vậy, trong năm 2022 và 2021, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm. Mức lãi suất này đã giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019 và năm 2020.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2023 và thay thế Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 3/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới